Philippines trước các tác động và thách thức từ đại dịch COVID-19

Philippines là một trong số các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với thiệt hại trong năm nay ước tính lên tới 3-4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại cuộc họp về dịch COVID-19 ở Manila. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính (DOF), ông Sonny Martinsuez cho biết, trong quý I/2020, GDP của Philippines đã sụt giảm 0,2% lần đầu tiên trong 20 năm. Tuy nhiên, với số lượng các ca lây nhiễm ngày càng tăng, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo cũng không mấy sáng sủa trong bối cảnh nền kinh tế này đang nỗ lực phục hồi.

* Mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng

Trong thông điệp quốc gia hôm 7/7, Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng Philippines “phải rất cẩn thận trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế”. Ông Duterte có quan điểm khá bảo thủ về việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bởi ông muốn tránh bất kỳ sự gia tăng về số ca lây nhiễm, điều có thể hệ thống chăm sóc y tế của đất nước bị quá tải một cách nghiêm trọng. Ưu tiên cao nhất của nhà lãnh đạo này vẫn là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời dần mở cửa trở lại nền kinh tế.

Cũng giống như các quốc gia khác, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế-xã hội của Philippines. Do các hoạt động kinh tế và các nỗ lực cứu trợ người nộp thuế hầu như bị đình trệ, nguồn thu ngân sách nhà nước trong năm nay được dự báo sẽ thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Theo DOF, thu ngân sách năm 2020 sẽ ở mức 17% GDP, thấp hơn so với năm 2019, trong khi chi ngân sách dự kiến lên tới 21,7% GDP, cao hơn 10% so với năm 2019. Các khoản chi ngân sách này bao gồm các sáng kiến ứng phó với dịch COVID-19 do nhiều cơ quan chính phủ triển khai.

Do đó, thâm hụt ngân sách năm nay được dự đoán sẽ chiếm khoảng 8,1% GDP, hoặc 1.560 tỷ peso (31,5 tỷ USD). Đây là dự báo kinh tế đầy thách thức đối với Philippines và là điều mà quốc gia này phải đặc biệt lưu tâm.
Tiêu thụ nội địa - vốn là động lực chính của nền kinh tế Philippines - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Các ngành như du lịch, dịch vụ, thương mại, bán lẻ, bất động sản và chế tạo đều gặp khó khăn.

Theo thống kê, khoảng 7,3 triệu người Philippines đã bị mất việc trong khi Bộ Lao động và Việc làm (DOLE) ước tính khoảng 10 triệu lao động có thể mất việc trong năm nay do đại dịch.

Ngoài ra, tổn thất về kiều hối cũng không nhỏ khi hàng nghìn lao động Philippines ở nước ngoài bị mất việc, bị kẹt lại ở nước sở tại và đang phải hồi hương.

Đây chỉ là một số tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Nếu không được giảm nhẹ và giải quyết, chúng có thể làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các tầng lớp kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ, trẻ em, người già, hộ nghèo, các lao động phi chính thức, các dân tộc thiểu số/nhóm người và cộng đồng bản địa, cũng như người dân sinh sống tại các khu vực từng trải qua xung đột như Khu tự trị Hồi giáo Mindanao Bangsamoro (BARMM).

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

* Thúc đẩy các chương trình cứu trợ xã hội

Chính phủ Philippines đang theo đuổi chiến lược 4 trụ cột nhằm bảo vệ người dân trước các tác động của đại dịch. Một là, hỗ trợ khẩn cấp cho các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương lên tới 595,6 tỷ peso (12 tỷ USD), cao hơn 5.600 tỷ peso (113 triệu USD) so với báo cáo trước đó, do có thêm các chương trình của DOLE và Bộ Nông nghiệp (DA), cũng như một khoản tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Hai là, tăng nguồn lực y tế nhằm ứng phó với đại dịch với ngân sách lên tới 80.600 tỷ peso (1,6 tỷ USD) với nguồn tài trợ bổ sung của Ngân hàng Thế giới (WB). Trụ cột này nhằm đảm bảo an toàn cho những người trên tuyến đầu thông qua việc hỗ trợ bảo hiểm y tế cho tất cả các bệnh nhân COVID-19, trợ cấp rủi ro đặc biệt, chi trả rủi ro, cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho các nhân viên y tế, tăng cường khả năng xét nghiệm, mở rộng chương trình xét nghiệm mục tiêu…
Ba là, các gói tài chính và tiền tệ nhằm tài trợ cho các sáng kiến khẩn cấp và duy trì nền kinh tế với ngân sách lên tới 1.100 tỷ peso (22,2 tỷ USD), cao hơn 246,3 tỷ peso (4,9 tỷ USD) so với gói hỗ trợ trước, trong đó có các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) đa phương và song phương có tổng trị giá 126,9 tỷ peso (2,5 tỷ USD) và 119,4 tỷ peso (2,4 tỷ USD) thu từ các đợt phát hành trái phiếu quốc tế.

Bốn là, chương trình cứu trợ xã hội (SAP) nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các nhóm dễ bị tổn thương khác. SAP được triển khai theo một đạo luật được Tổng thống Duterte ký ban hành vào ngày 25/3/2020. Trong khuôn khổ chương trình này, mỗi đối tượng thụ hưởng sẽ được hỗ trợ khẩn cấp từ 5.000 peso (101 USD) đến 8.000 peso (161 USD).
Cho đến nay, đây là chương trình bảo trợ xã hội lớn nhất và toàn diện nhất trong lịch sử Philippines với số tiền khoảng 205 tỷ peso (4,1 tỷ USD) nhằm hỗ trợ tổng cộng 18 triệu hộ gia đình thu nhập thấp trong đợt cấp phát đầu tiên, và khoảng 5 triệu hộ gia đình thu nhập thấp khác trong đợt cấp phát thứ hai theo chỉ đạo của Tổng thống Duterte.

Ngoài ra, những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải nghỉ việc do COVID-19 cũng được Bộ Bảo trợ xã hội và Phát triển (DSWD) bổ sung vào danh sách các đối tượng thụ hưởng từ chương trình này.
* Thách thức và cơ hội

Mặc dù tương đối thành công, SAP cũng gặp phải một số vấn đề và thách thức trong quá trình triển khai. Tính tới ngày 9/7, lượng tiền mặt được cấp phát trực tiếp theo Chương trình chuyển khoản tiền mặt có điều kiện của Chính phủ (còn gọi là Chương trình 4Ps) đã lên tới 18,3 tỷ peso (369 triệu USD).

Số người thụ hưởng 4Ps là 4.219.182 người, trong khi số người thụ hưởng các chương trình ngoài 4Ps là 13.290.019 người. Ngoài ra, tính đến ngày 2/7, 785 triệu peso (15,8 triệu USD) đã được cấp phát cho 98.132 người điều khiển các phương tiện giao thông công cộng. Tuy vậy, DSWD đã phát hiện ra hơn 48.000 hộ gia đình được nhận hỗ trợ nhiều lần, trong đó 13.000 hộ đã tự nguyện hoàn trả lại.
Đợt cấp phát SAP đầu tiên cũng kéo theo rất nhiều tranh cãi và khiếu nại. Trước tình hình đó, Tổng thống Duterte đã kêu gọi Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương (DILG) tiến hành điều tra ngay lập tức mọi bất thường trong quá trình phân phối SAP.

Ông Duterte cũng treo thưởng 30.000 peso (606 USD) cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ các quan chức địa phương trục lợi từ SAP. Theo Bộ trưởng DILG, ông Eduardo Anõ, có khoảng 886 quan chức địa phương đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự và hành chính do vi phạm trong quá trình phân phối tiền cứu trợ.
Ngoài ra, việc triển khai SAP cũng đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến việc xác minh, đối chiếu danh sách những người thụ hưởng giữa DSWD và chính quyền các địa phương; thách thức hậu cần trong việc tiếp cận các cộng đồng sinh sống ở vùng sâu, vùng xa; nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên DSWD do tiếp xúc với những người nhiễm COVID-19; chậm trễ trong việc cấp phát cứu trợ do số người lây nhiễm trong cộng đồng càng tăng.
Xuất phát từ các khó khăn trên, DSWD hiện đã chọn cách cấp phát tiền trợ cấp thông qua chuyển khoản vốn nhanh và đáng tin cậy hơn, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giao thức an toàn và y tế hiện hành. Việc chuyển khoản đã bắt đầu được tiến hành tại 4 thành phố Quezon, Caloocan, Makati và Pasig. Tính tới ngày 3/7, DSWD đã chuyển khoản 7 tỷ peso (141,4 triệu USD) cho hơn 1,38 triệu trong tổng số 5 triệu hộ gia đình được thụ hưởng SAP đợt hai./.

Hữu Chiến (TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/philippines-truoc-cac-tac-dong-va-thach-thuc-tu-dai-dich-covid-19/162926.html