Philippines và bài học mang tên 'bão Nalgae'

Với trung bình 18 đến 20 cơn bão đổ bộ vào Philippines một năm, người dân quốc gia hơn 7. 600 hòn đảo này đã có các cuộc 'tập dượt thiên tai' hàng năm với nhiều kinh nghiệm để kiểm soát các tình huống.

Tuy nhiên cơn bão nhiệt đới Nalgae khiến ít nhất 150 người thiệt mạng, 36 người mất tích, thiệt hại ít nhất 2,74 tỷ Peso hoa màu và hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng trên khắp 64 tỉnh đã chứng minh điều ngược lại, khiến Tổng thống Ferdinand Marcos phải đặt câu hỏi "Tại sao lại có nhiều thương vong như vậy?".

Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm người thiệt mạng trong bùn đất. Nguồn: AFP

Noru được dự đoán đổ bộ vào Philippines ngày 25/09 tương đương với bão cấp 1. Nhưng càng đến gần, Noru mạnh nhanh thành siêu bão trong 6 giờ, tương đương với bão cấp 5, với gió mạnh và sóng lớn, cuốn trôi các ngôi nhà ven biển.

Hàng loạt các báo động về siêu bão Noru được cập nhật liên tục trên phương tiện truyền thông, với việc kích hoạt báo động đỏ, mức khẩn cấp cao nhất tại một số khu vực. Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai địa phương được chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình trong khu vực phụ trách, thực hiện đánh giá rủi ro trước thiên tai, chuẩn bị cho việc sơ tán trước có thể xảy ra và tăng cường cảnh báo trong cộng đồng. Người dân sống ở vùng trũng thấp cũng được khuyến cáo cần đề phòng lũ quét có thể xảy ra.

Theo Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia, có 12 người thiệt mạng do bão Noru. Thiệt hại ước tính đối với nông nghiệp khoảng 3 tỷ Peso (khoảng 51 triệu USD), ảnh hưởng đến hơn 100 nghìn nông dân và thiệt hại hơn 166.600 nghìn ha đất trồng trọt. Trong một cuộc họp đánh giá kết quả thiệt hại sau bão Noru, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đánh giá cao sự chuẩn bị tốt của chính quyền địa phương trong việc cập nhật thông tin nhanh đến người dân, tiến hành các hoạt động ứng phó nhanh, sơ tán người dân vùng nguy hiểm để giảm tối đa thiệt hại.

Nhiều ngôi nhà ở tỉnh Maguindanao chìm trong nước lụt. Nguồn: Reuters

Bài học Nalgae

Tuy nhiên chưa đầy 1 tháng sau, Tổng thống Marcos đã phải đặt câu hỏi “Tại sao mọi người không được sơ tán? Tại sao lại có nhiều thương vong như vậy? ” sau khi nghe báo cáo thiệt hại về cơn bão nhiệt đới Nalgae. Một tuần sau thảm họa Nalgae, con số thương vong vẫn không ngừng tăng lên với ít nhất 150 người thiệt mạng, 36 người mất tích, thiệt hại ít nhất 2,74 tỷ Peso hoa màu và hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng trên khắp 64 tỉnh.

Có những yếu tố đằng sau tác động của Nalgae, với các quan chức kiểm soát thảm họa thiên tai quốc gia chỉ ra "sự kết hợp của những trận mưa liên tục do tác động của cơn bão nhiệt đới đang đến gần, nạn phá rừng và các con sông bị bùn lấp do lũ lụt và lở đất đã nhấn chìm nhiều khu vực của đất nước". Các quan chức địa phương cũng cho biết đã không được cảnh báo sớm; thông tin cung cấp không đủ; bão xoay chiều và đổi hướng, khu vực của họ ít khi có bão nên lũ quét và sạt lở đất ập đến khiến họ bất ngờ. Nhiều gia đình cũng từ chối rời khỏi nhà cửa vì lo sợ mất của cải, không có nơi trú ẩn an toàn cho những người sơ tán, vì toàn bộ khu vực đã bị ngập lụt…

Đây là những nguyên nhân được nhiều lần đề cập sau những cơn bão mạnh, nhưng một lần nữa Nalgae lại đặt ra những bài học kinh nghiệm không thể chủ quan.

Trước hết là tăng cường hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm với đánh giá ban đầu về các mối nguy hiểm do địa chấn, núi lửa và khí tượng thủy văn, giúp người dân chuẩn bị cho các tác động có thể xảy ra, đặc biệt là xác định các địa điểm hiện diện rủi ro địa lý, giúp người dân địa phương tránh khu vực và những tuyến đường đi nếu họ cần sơ tán. Chính quyền địa phương cũng nên mở các đường dây liên lạc, với các đường dây nóng và số điện thoại khẩn cấp có thể liên kết cư dân với cảnh sát, bệnh viện và các nhóm cứu hộ và thiên tai địa phương.

Một bài học khác từ Nalgae là đầu tư vào các địa điểm lâu dài cho người sơ tán. Thiết lập các cơ sở có đủ sự riêng tư, nhà vệ sinh và nhà bếp cũng như không gian để lưu trữ hàng cứu trợ, lều, thuyền cứu hộ và các thiết bị khác, có thể lưu trú lâu dài, khuyến khích người dân quyết định sơ tán sớm.

Bài học thứ ba là thực thi các tiêu chuẩn xây dựng trong chính các ngôi nhà dân để ngăn sóng mạnh làm đổ tường bê tông. Việc sử dụng đất hợp lý cũng rất quan trọng, vì các vùng trũng và các vùng ven biển thường bị chuyển đổi thành nhà ở, với những hậu quả nghiêm trọng khi thiên tai xảy ra.

Có lẽ bài học quan trọng nhất là sự cần thiết phải bảo vệ môi trường. Trong chuyến khảo sát trên cao các khu vực bị tàn phá do bão Nalgae, Tổng thống Marcos cũng lưu ý những ngọn núi bị chặt phá rừng đã khiến sạt lở đất không thể tránh khỏi sau những trận mưa xối xả. Do đó trồng cây và tái trồng rừng là một ưu tiên cấp bách. Các hoạt động khai thác và khai thác gỗ không được kiểm soát là thủ phạm chính đằng sau “những ngôi mộ tập thể do bão Nalge” để lại. Sở Môi trường và Tài nguyên nên bắt đầu một dự án trồng cây thâm canh ở các khu vực rừng thưa và làm việc với chính quyền địa phương để đảm bảo rằng các khu vực rừng được tái sinh phát triển và nhân rộng.

Các chuyên gia cảnh báo các cơn bão sẽ trở nên phổ biến hơn và ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu. Hãy luôn chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất, với các biện pháp phòng tránh dài hạn được ưu tiên thực hiện ngay để giảm tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/philippines-va-bai-hoc-mang-ten-bao-nalgae-post982072.vov