Phim ẩm thực Việt trên HBO - cảnh nóng đẹp, bị cắt gây hụt hẫng

Bị bó buộc trong khoảng thời gian chưa đầy 60 phút, đạo diễn Phan Đăng Di vẫn phần nào thành công đem tới cho khán giả một bộ phim đậm chất Việt Nam.

Hậu trường phim ẩm thực Việt mới bị hoãn sóng trên HBO Phim "Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa!" của đạo diễn Phan Đăng Di bị hoãn sóng trên kênh HBO vì có chứa cảnh nhạy cảm.

Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Phan Đăng Di
Diễn viên: Ngọc Anh, Lãnh Thanh
Zing.vn đánh giá: 7/10

Dù đã bước sang tuổi 34, cô tiếp viên hàng không Vân (Ngọc Anh) vẫn giữ được dáng vóc mảnh mai như một cô gái mới ở tuổi đôi mươi, và nhất là vẻ đẹp mặn mà, hiền dịu thể hiện qua từng cử chỉ, lời nói.

Bởi thế, tuy dành phần lớn thời gian để rong ruổi theo những chuyến bay phương xa, và ngay cả khi ở nhà cũng chỉ thu mình trong căn gác xép nhỏ cùng lũ mèo hoang, nhưng cô vẫn được cả góc phố nghèo, trong đó có chàng đầu bếp trẻ tuổi Thăng (Lãnh Thanh), biết tới.

Chẳng có gì ngoài tài nghệ nấu nướng học từ quán ăn sushi, Thăng chỉ còn biết tìm đường tới trái tim Vân thông qua những món ăn mà anh kỳ công chuẩn bị. Sơn hào hải vị phương xa có, ẩm thực đậm phương vị vùng quê Việt Nam cũng có, anh dần chiếm được một vị trí trong cuộc sống và căn phòng chật chội của cô tiếp viên hàng không cô độc.

Song, dường như những món ăn mà chàng đầu bếp trẻ tuổi dâng lên cho cô gái vốn chỉ quen “ăn hương ăn hoa” vẫn thiếu một điều gì đó để có thể gắn kết tâm hồn hai con người đã sẵn sàng trao cho nhau tất cả về mặt thể xác.

Cốt truyện dễ xem, phảng phất phong cách Vương Gia Vệ

Là bộ phim mới nhất của đạo diễn Phan Đăng Di, tác phẩm dài 50 phút Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! nằm trong chuỗi 8 phim Truyền thuyết ẩm thực (Food Lore) được kênh HBO Asia thực hiện nhằm đem tới cho khán giả góc nhìn mới mẻ về những món ăn đặc sắc nhất châu Á, và xoay quanh đó là cảm xúc, mảnh đời của những người dân đến từ 8 mảnh đất khác nhau.

Tuy Truyền thuyết ẩm thực có một tổng đạo diễn là nhà làm phim nổi tiếng Eric Khoo - người được coi là đã vực dậy cả nền điện ảnh Singapore, nhưng mỗi tập của loạt phim lại là một góc nhìn riêng, một câu chuyện riêng biệt. Tất cả chỉ có một điểm chung là dùng ẩm thực như một cái tứ để kết nối nhân vật, khơi gợi khán giả.

Bộ phim tương đối dễ xem nếu so với các tác phẩm trước đây của chính Phan Đăng Di.

Bộ phim tương đối dễ xem nếu so với các tác phẩm trước đây của chính Phan Đăng Di.

Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! là tập thứ hai củaTruyền thuyết ẩm thực, và quả thực ngay từ những khung hình đầu tiên, với bối cảnh giản đơn đậm chất Sài Gòn và tông màu nhẹ nhàng dịu mắt, khán giả có thể nhận ra ngay cái chất Phan Đăng Di vốn đã rất quen thuộc qua Bi, đừng sợ! (2009) hay Cha và con và… (2015).

Với thời lượng không dài và tuyến nhân vật cả chính lẫn phụ tối giản, bộ phim với cái tựa rất thơ sở hữu câu chuyện đơn giản, dễ cảm nhận về tình yêu nồng nhiệt nhưng cũng ẩn chứa những trắc trở không ngờ giữa Thăng và Vân.

Tuy là một tác phẩm nằm trong chuỗi phim ẩm thực và chứa đựng rất nhiều cảnh quay các món ăn đẹp mắt, nhưng phần lớn thời lượng phim và những góc quay đẹp nhất của Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! được Phan Đăng Di dành để khắc họa vẻ đẹp một trẻ trung tràn đầy nhựa sống, một đằm thắm mặn mà, của hai nhân vật chính. Chúng giúp khán giả có thể hiểu, có thể cảm nhận được phần nào tình cảm hết sức nhiệt thành mà Vân và Thăng dành cho nhau.

Các cảnh quay đẹp nhất của bộ phim được dành cho đôi nhân vật chính, chứ không phải các món ăn xuất hiện trong tác phẩm.

Một cô tiếp viên thường xuyên vắng nhà bởi những chuyến bay xa, những căn phòng chật hẹp nơi chiếc quạt điện phải hoạt động hết công suất để tạm xua đi hơi nóng ngột ngạt, một bầu trời rất cao với rất nhiều tự do nhưng chẳng mấy ai có thể vươn tới. Đó là những bối cảnh, những cái tứ mà khán giả thường thấy trong phim của Vương Gia Vệ - đạo diễn bậc thầy của vô vàn những cung bậc khác nhau trong tình cảm đôi lứa.

Không hiểu là vô tình hay hữu ý mà đó cũng lại là những cái tứ, những bối cảnh mà Phan Đăng Di mang đến cho khán giả qua Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! - một tác phẩm mượn món ăn để nói về cái cách một bộ đôi như thế cố tìm đến với nhau, cố tìm thấy những nốt nhạc đồng điệu trong tâm hồn.

Cảnh nóng là cần thiết

Là một đạo diễn chưa bao giờ ngại sử dụng những cảnh quay nhạy cảm khi cần để khắc họa tình cảm, sự khát khao mà các nhân vật trong phim dành cho nhau, Phan Đăng Di tất nhiên không né tránh những góc quay thân mật như thế trong một tác phẩm được thực hiện để chiếu trên màn ảnh nhỏ như Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa!.

Theo dòng thông tin những ngày qua, HBO Asia đã phải lược bỏ một số phân đoạn bị coi là “quá nhạy cảm”. Đây là thực tế mà khán giả Việt Nam hoàn toàn có thể cảm nhận bởi những phân đoạn bị biên tập tương đối hẫng hụt.

Khán giả dễ thấy bản phát sóng lúc này đã bị lược đi một số cảnh. Tính nhạy cảm của chúng có lẽ cần thiết để nêu bật khao khát của đôi nhân vật chính trong khoảng thời lượng ngắn của bộ phim.

Song, kể cả với những cảnh còn được giữ lại trong bản phát sóng, người xem vẫn có thể cảm thấy rằng những góc máy mô tả Vân và Thăng môi kề môi, má áp má là cần thiết và hiệu quả để nêu bật sự khao khát mà hai người dành cho nhau, đặc biệt là về phía Thăng. Đây là hiệu ứng không dễ gì đạt được bởi thời lượng của Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! là tương đối ngắn.

Bên cạnh câu chuyện giàu cảm xúc,Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! còn xứng đáng nhận lời khen vì những góc máy đẹp về hàng loạt khung cảnh tưởng chừng quá sức bình dị, không có gì đặc biệt của mảnh đất Việt qua tài năng của tay máy Phạm Quang Minh.

Chỉ dài chưa đầy một tiếng đồng hồ, nhưng tác phẩm mới nhất của đạo diễn Phan Đăng Di nhờ đó vẫn để lại ấn tượng nhất định không chỉ qua những cảnh quay món ăn ngon, mà còn là những hình ảnh đặc biệt như con thuyền đêm mắc kẹt giữa bãi sông khô cạn.

Tương tự, phần nhạc phim cũng được Phan Đăng Di nâng niu và sử dụng một cách tinh tế, để không cần quá phô trương nhưng vẫn khiến người xem phải lắng nghe, phải ngẫm nghĩ, dù chỉ là những câu hát nhẹ thoáng qua bờ môi của Vân từ Người ơi người ở đừng về cho tới Auld Lang Syne.

Đôi diễn viên chính còn nhiều hạn chế về mặt đài từ.

Phần nghe và phần nhìn của Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! do đó nhỉnh hơn một chút nếu so với diễn xuất của Ngọc Anh và Lãnh Thanh trong vai Vân và Thăng. Cả hai đều sở hữu ngoại hình phù hợp đối với nhân vật, cũng như có nhiều giây phút thăng hoa bên nhau trên màn ảnh. Nhưng vẫn có cảm giác Ngọc Anh và Lãnh Thanh thiếu chút gì đó để hoàn toàn nhập vai, đặc biệt là với phần thoại và đài từ đôi lúc chưa thực sự tự nhiên.

Cũng vẫn còn chút gượng ép trong cách Phan Đăng Di sử dụng ẩm thực, sử dụng các món ăn, sử dụng cách các nhân vật nghĩ về các món ăn, để khắc họa tính cách, hay thậm chí số phận nhân vật. Trong một bối cảnh khác không phải Truyền thuyết ẩm thực và với thời lượng dài hơn, có lẽ Phan Đăng Di sẽ có nhiều cơ hội hơn để đem tới cho khán giả những nốt nhạc khác trong bản tình ca vui có, buồn có giữa Vân và Thăng, thay vì phần kết khá “dị” và ít nhiều hụt hẫng.

Và vị đạo diễn người gốc Nghệ An khi đó có lẽ cũng không phải đưa quá nhiều cảnh nấu nướng và mô tả các món ăn, tuy trông rất ngon nhưng thực ra không để lại quá nhiều ấn tượng hay kích thích về mặt vị giác cho khán giả, vào Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa!

Nhưng dù muốn hay không, người xem, đặc biệt là khán giả Việt Nam, vẫn nên cảm ơn HBO Asia vì họ đã tạo điều kiện để Phan Đăng Di đem một góc nhìn rất Việt Nam về ẩm thực, một câu chuyện rất Việt Nam về tình yêu đôi lứa, đến với công chúng trong nước và quốc tế.

Chỉ hy vọng rằng những lùm xùm về việc “cắt hay không cắt”, “cảnh nào là cảnh nóng trong phim” sẽ không làm khỏa lấp giá trị thật sự của Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! - một tác phẩm điện ảnh đẹp về đất nước Việt, món ăn Việt, và tâm hồn Việt.

Việt Phương
Ảnh: HBO

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phim-am-thuc-viet-tren-hbo-canh-nong-dep-bi-cat-gay-hut-hang-post1012680.html