Phim 'ăn theo' sự kiện: Câu khách không dễ

Với bộ môn nghệ thuật thứ 7, đời sống với vô vàn sự kiện và đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố luôn luôn là mảnh đất màu mỡ để các đạo diễn phản ánh. Hơn bất kỳ một lĩnh vực nào, hơi thở đời sống là một trong những yếu tố tiên quyết trong mỗi tác phẩm điện ảnh. Đã có những bộ phim thất bại trong việc chinh phục khán giả vì xa rời đời sống.

Chất liệu, hơi thở đời sống luôn quyết định sự sống còn của mỗi tác phẩm điện ảnh. Có không ít sự kiện, vấn đề của đời sống xã hội đã trở thành đề tài quý báu cho các nhà làm điện ảnh khai thác. Tuy nhiên, khai thác sự kiện đời sống ở mức độ nào và tái hiện trong tác phẩm như thế nào cho hiệu quả lại là điều không hề đơn giản. Không ít trường hợp vì nóng vội chạy theo sự kiện đã khiến phim thất bại ngay từ khi ra rạp.

Với bộ môn nghệ thuật thứ 7, đời sống với vô vàn sự kiện và đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố luôn luôn là mảnh đất màu mỡ để các đạo diễn phản ánh. Hơn bất kỳ một lĩnh vực nào, hơi thở đời sống là một trong những yếu tố tiên quyết trong mỗi tác phẩm điện ảnh. Đã có những bộ phim thất bại trong việc chinh phục khán giả vì xa rời đời sống.

Hay nói cách khác là người xem không thấy câu chuyện của mình trong đó. Điện ảnh cần chất liệu đời sống và điện ảnh cũng là một trong những lĩnh vực nghệ thuật có ưu thế trong việc đưa những con người, sự kiện của đời sống lên màn ảnh. Chính vì vậy, trước những sự kiện mới phát sinh trong xã hội, các đạo diễn cũng là những người khá nhanh nhạy để nắm bắt và đưa vào tác phẩm của mình.

Nạn ấu dâm trong phim “S.O.S Sói Trắng” chưa được phản ánh một cách sắc nét.

Nhắc tới bóng đá Việt Nam, hẳn người hâm mộ không thể quên sự kiện đội tuyển U23 trở thành Á quân giải Vô địch châu Á. Thành tích vang dội và tinh thần thi đấu hết mình của những chiến binh sân cỏ ấy đã làm nức lòng khán giả.

Ngay sau khi có được thành tích ấy, đội tuyển U23 đã trở thành câu chuyện thường xuyên được nhắc tới, là nguồn cảm hứng của nhiều lĩnh vực. Và điện ảnh không phải ngoại lệ. Bộ phim "11niềm hy vọng" của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Robie Trường đã ra mắt sau đó không lâu.

Mặc dù trước khi công chiếu, đạo diễn tuyên bố "11 niềm hy vọng" không ăn theo dư âm đội tuyển U23. Anh cho rằng, bộ phim kết tinh từ tình yêu anh dành cho môn thể thao vua, nhất là tình yêu anh dành cho đội tuyển Việt Nam. Có thể đề tài bóng đá là điều mà đạo diễn Robie Trường ấp ủ từ lâu nhưng rõ ràng thành tích lẫy lừng chưa từng có của đội tuyển U23 Việt Nam đã là một cú hích mạnh mẽ để anh quyết định hoàn thiện bộ phim này.

Trong phim xuất hiện khá nhiều cái tên triển vọng của điện ảnh Việt như Nhan Phúc Vinh, Hoàng Phi, Hiếu Nguyễn, Lâm Minh Thắng... Ngoài ra là sự tham gia của các diễn diên đàn anh như Công Ninh, Võ Hoài Nam. Đặc biệt, phim còn có sự góp mặt của những danh thủ một thời như Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Phan Văn Tài Em.

Không thể phủ nhận, từ tình yêu của người hâm mộ dành cho các chàng trai U23 đã chuyển thành sự háo hức với một tác phẩm điện ảnh. Khán giả hồi hộp, chờ mong các cầu thủ ấy sẽ được hình tượng hóa trên màn ảnh như thế nào?

Nhưng, khi vừa ra rạp, "11 niềm hy vọng" đã không đáp ứng được sự mong mỏi ấy của khán giả. Ngay từ khâu kịch bản, phim đã bộc lộ sự non tay và hời hợt khi viết về bóng đá cũng như khắc họa tính cách các cầu thủ. Chuyện phim xoay quanh đôi bạn thân là Hùng (Hoàng Phi thủ vai) và Phong (Nhan Phúc Vinh thủ vai) sinh ra trong gia đình khó khăn nhưng luôn cố gắng hết mình với bóng đá và sau đó họ được gọi lên đội tuyển. Từ đây, họ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ 2 cầu thủ sinh ra trong gia đình có điều kiện là Nam và Bắc. Phim còn khai thác mâu thuẫn giữa các cầu thủ khi Trang là cô gái mà Phong thầm thương trộm nhớ lại có tình cảm với Nam.

Sự thất bại của "11 niềm hạnh phúc" nằm ở chỗ, mặc dù nói về bóng đá nhưng những kịch tính trên sân cỏ được phản ánh quá sơ sài. Những trận đấu chỉ được thể hiện thông qua vài pha lên bóng cũng như ghi bàn tương đối hời hợt. Không có nghĩa, phim về bóng đá thì cả phim phải nói về bóng đá nhưng rõ ràng ít ra khán giả cũng phải cảm nhận được không khí quyết liệt, tâm lý căng thẳng của các cầu thủ trên sân như thế nào.

Các đặc thù của bóng đá như chiến thuật, sơ đồ, tấn công phòng thủ đều chỉ được góp mặt qua vài câu thoại của nhân vật huấn luyện viên. Ngoài 4 nhân vật chính thì 7 cầu thủ còn lại xuất hiện mờ nhạt, gần như không có đóng góp công sức gì cho chiến thắng của đội tuyển cũng như để lại dấu ấn tính cách gì đặc biệt.

Những chuyện ngoài sân cỏ cũng được kể một cách phi logic và kém thuyết phục. Ví dụ như đang tham gia giải đấu tầm cỡ khu vực nhưng các thành viên trong đội vẫn thoải mái ở hộp đêm để uống rượu. Chuyện bán độ cũng khá "ngây ngô", thời gian các nhân vật xuất hiện trong quán bar còn nhiều hơn cả xuất hiện trên sân cỏ... Tâm lý nhân vật cũng khắc họa bất hợp lý.

Là một cầu thủ với bóng đá là niềm đam mê nhưng không ít lần Phong đòi bỏ bóng đá vì những lý do rất trẻ con. Các cầu thủ con nhà giàu chủ yếu buông mình vào những bữa tiệc xa hoa, không thấy tập luyện gì vậy mà nghiễm nhiên là những cầu thủ giỏi nhất đội...Yếu cả về kể chuyện bóng đá lẫn chuyện ngoài sân cỏ như khiến "11 niềm hy vọng" mang lại nỗi thất vọng dành cho khán giả.

Khi đề tài ấu dâm đang gây nhức nhối trong xã hội với không ít vụ án đau lòng thì đạo diễn Lê Hoàng tỏ ra khá nhanh nhạy khi bắt tay vào chủ đề này bằng bộ phim có tên gọi "S.O.S Sói trắng". Bộ phim cũng đánh dấu sự trở lại của Lê Hoàng với vai trò đạo diễn sau 4 năm vắng bóng.

Phim “11 niềm hy vọng” không thu hút được khán giả như kỳ vọng.

Chuyện phim kể về Ly cùng em trai là bé Bi tình cờ gặp ca sĩ Jimmy Trần sau một trận cãi cọ ngoài đường. Ngay lập tức, nam ca sĩ này lấy được trái tim người đẹp bằng sức hút của một người nổi tiếng. Nghe lời 2 người bạn, Ly nhờ Jimmy Trần đưa đón bé Bi mà không ngờ rằng mình đã tạo điều kiện để tên ca sĩ bệnh hoạn giờ trò đồi bại với em trai.

Ra mắt đúng vào thời điểm vụ việc của nghệ sĩ Minh Béo khiến xã hội phẫn nộ, khi nạn ấu dâm đang là một trong những nỗi bức xúc của dư luận, đạo diễn Lê Hoàng lại là một tên tuổi nổi tiếng... bấy nhiêu đủ để người xem chờ mong một tác phẩm điện ảnh đầy cảm xúc và mang giá trị cảnh báo đến cộng đồng. Thế nhưng, khán giả đã thực sự thất vọng trước một bộ phim được làm khá hời hợt. Tình huống phim rời rạc và vô lý.

Ví dụ như khi phát hiện ra việc em trai bị xâm hại, Ly thề thốt nhất quyết phải đưa Jimmy Trần vào tù, nhưng chỉ bằng một sự giải thích ngô nghê của gã ca sĩ này, cô gái lại lập tức tin tưởng và bỏ qua mọi chuyện. Cách xây dựng nhân vật Jimmy Trần cũng phi lý không kém. Cách thức gây án và những lý lẽ giải thích của y lộ liễu và thiếu thuyết phục đến mức khó tin. Tính cách nhân vật chính phụ đều mâu thuẫn dẫn đến kịch bản chứa hàng loạt chi tiết vô lý.

Khán giả xem phim có cảm giác như đạo diễn Lê Hoàng đang gom những câu chuyện ở ngoài đời thực vào tác phẩm của mình mà không cần biết có phù hợp, cần thiết với cốt truyện hay không. Diễn viên nhập vai không chân thực cũng là một điểm trừ nữa của bộ phim này. Người xem không thấy được cảm giác đau đớn xót xa cho nạn nhân hay sự ghê tởm từ nạn ấu dâm.

Ngoài ra, những chi tiết hài kém duyên lại trở nên phản cảm trong việc phản ánh đề tài nóng bỏng này. Không chỉ có "11 niềm hy vọng", "S.O.S Sói trắng" mà bộ phim "Em gái mưa" (ăn theo MV hit cùng tên của ca sĩ Hương Tràm) cũng đã thất bại khi ra rạp vì vô số những hạt sạn tương tự trong quá trình làm phim.

Có thể nói, lấy ý tưởng từ một sự kiện nổi bật nào đó hay một vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm là cách làm của một số đạo diễn hiện nay. Cả trên thế giới và ở Việt Nam đều đã có không ít phim thành công như nhờ khai thác theo cách này. Đặc biệt là với phim truyền hình dài tập "Chạy án" khai thác những vụ án lớn xảy ra trong xã hội. Ưu thế của cách làm này là từ mối quan tâm đến sự kiện, vấn đề đó, khán giả sẽ háo hức chờ mong bộ phim ra đời. Tuy nhiên, không phải cứ chạy theo sự kiện là sẽ thu hút được khán giả.

Nếu không muốn nói là còn tiềm ẩn khả năng rủi ro, thất bại khá cao mà những bộ phim trên đây là những ví dụ điển hình. Nếu đạo diễn không chắc tay, đưa vấn đề, sự kiện vào tác phẩm điện ảnh một cách nghệ thuật, thuyết phục sẽ khiến khán giả nhanh chóng thất vọng. Đơn thuần làm phim chạy theo sự việc theo kiểu ăn xổi là con đường ngắn nhất để đưa tác phẩm ấy vào sự lãng quên.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/phim-an-theo-su-kien-cau-khach-khong-de-503285/