Phim ảnh đang là cạm bẫy vô hình nuôi dưỡng trẻ nhỏ ?

Sự chuyển mình để phù hợp với nền văn hóa 'thoáng' thời kỳ đương đại của điện ảnh chứng kiến những hệ lụy khó lường phản ánh trong cách một cô cậu bé trưởng thành.

(Bài viết hoàn toàn dựa trên góc nhìn cá nhân nên sẽ có một số ý kiến không phù hợp quan điểm với bạn đọc, hãy để lại sự “cởi mở” bên dưới để cùng nhận ra nhiều vấn đề hơn nhé.)

Đầu tiên nói về những thứ gì là nguyên thủy nhất, bản năng của người làm cha mẹ luôn muốn giữ mọi vấn đề của con cái trong tầm kiểm soát để biết rõ rằng đứa trẻ của mình tiếp nhận nền văn hóa gì còn ở ngược chiều hướng ngược lại, sự hồn nhiên của người trẻ chứng kiến mức độ ảnh hưởng lớn của gender-stereotyped hay dễ hiểu là hành động bắt chước những thứ gì hay ho mà bản thân chúng trải nghiệm.

Vậy hai yếu tố kể trên có “dây dưa” gì với điện ảnh, đơn giản thôi, trẻ nhỏ bướng bỉnh, muốn dỗ dành thì cách bình thường nhất mà bậc cha mẹ chọn là gửi gắm cả một tuổi thơ vào chiếc máy tính bảng hay màn hình tivi. Truyền hình, video clip là những thứ chỉ vì thế vô tình quyết định phong cách ứng xử do không được kiểm soát, nhưng liệu những văn hóa ngày một thoáng đãng theo cách quá mức cần thiết trong ngành công nghiệp này có thể bị coi là một tác nhân xấu khi mà nếu tất nội dung được phân hóa an toàn, rõ ràng, sẽ chẳng cần phải đòi hỏi tính sát sao.

Thể loại hoạt hình trong sáng, Disney là một điển hình !

Định dạng animation luôn là cách ngây ngô nhất để các nhà sản xuất gài gắm mục tiêu sau cùng là bài học cuộc sống, phù hợp để độ nhạy bén dù đang ở thời kỳ được bóc tách của trẻ cũng có thể được nhận ra khoảng 90% nội dung. Màu sắc tươi sáng, thông điệp khuyến khích cao trong việc hình thành đức tính tốt đẹp nhìn qua đã thấy sẽ là lựa chọn để cả gia đình quây quần.

Năm ngoái, Toy Story 4 sau nhiều năm dài tái xuất màn ảnh, và dù đã 20 tuổi nhưng đối với một series mà mình đã theo dõi từ ngày còn bé, sự hào hứng tất nhiên là rất nhiều. Tìm lại những phần phim câu chuyện đồ chơi trước đây, có lẽ khi bạn xem chúng dưới góc độ một người lớn hơn, mạch phim vẫn êm đềm nhưng đi kèm đó là không ít phản ứng sửng sốt. Ngay trong Toy Story 3, cả nhóm Woody gần như đầu hàng, nắm tay nhau để chờ đợi cái chết trong lò thiêu, không mảy may một chút nỗ lực, rồi thì việc Sid phá hoại cơ thể đồ chơi và gắn từng bộ phận khác vào nhau một cách tàn ác trong khi đồ chơi được xác nhận là cũng biết đau. Gam màu u ám, và tư tưởng bạo lực dường như được hình thành quá chân thật để một đứa trẻ theo dõi.

Hơn cả, những gì xã hội lên tiếng tẩy chay, “sự phân biệt” lại bằng nhiều cách được tầm thường hóa trong những tác phẩm hoạt hình. Người tốt thường có ngoại hình đẹp và người có vẻ ngoài bắt mắt luôn trở thành trung tâm của sự chú ý, phản diện thì có tạo hình hoàn toàn trái ngược, nói thô ra là “béo ú” và “xấu xí”. Hai cách định nghĩa về happy ending cũng chỉ dừng lại ở việc một cuộc sống xa hoa trong lâu đài, tiền bạc rủng rỉnh hoặc cảnh hội ngộ sau chuỗi bất hạnh được kịch tính hóa. Đa phần những đứa trẻ xem phim sẽ phần nhiều chỉ nhận thức được sự lạ mắt, màu sắc hay câu nói của nhân vật mà yêu thích, học theo. Nhưng đó chỉ là “đa phần” chứ không phải tất cả, và tưởng tượng sẽ thế nào nếu khi mới chỉ va vấp với cuộc sống qua chiếc màn hình, con em của bạn đã sở hữu sẵn một nền tảng định kiến quá sai lệch.

Disney, khổng lồ giải trí là ví dụ phản ánh rõ nhất về sự rắc rối trong cách nuôi dưỡng tâm hồn một đứa trẻ bình thường lớn lên. Phim của nhà chuột hay, ý nghĩa, cả hình lẫn tiếng đều rất “catchy”, đáp ứng đủ cái gọi là nghệ (nghệ thuật) và nhã (nhã nhặn) nhưng đồng thời, với Brand Archetype được định vị dưới tư cách một “Magician”, họ luôn quá tham lam trong vấn đề truyền tải và tăng cường nhận thức. Người ta đã đếm được quá nhiều lần, dường như phim hoạt hình Disney vượt quá xa khỏi ranh giới quy chuẩn,“dành cho trẻ em”.

Phản diện có mấy ai tựa được nhan sắc như nhân vật chính

Vậy còn phim siêu anh hùng thì sao ?

The Boys là series mình yêu thích nhất sau nhiều năm theo dõi thể loại siêu anh hùng, tuy nhiên đây đây sẽ là tác phẩm không bao giờ nên được xuất hiện trong trải nghiệm điện ảnh của một cô cậu bé thiếu niên chứ đừng nói đến là trẻ nhỏ. Một mùa phim với hàng ngàn từ “fuck” trong lời thoại, thông điệp chỉ trích mảng tối xã hội nặng nề, gam màu phim nhuốm màu máu, bạo lực, bệnh hoạn và thật “tuyệt vời” khi The Boys có sẵn trên bất cứ nền tảng phim lậu nào tại Việt Nam để bất cứ ai chỉ với kết nối wifi ổn định có thể truy cập.

Thị hiếu tăng cao, chẳng ai muốn xem những kiểu cốt truyện thiếu sự “đanh đá” như Batman thập niên trước hay Spider-Man của Sam Raimi mãi, dùng những cái tồi tệ để truyền bá nguồn năng lượng tích cực là trending chưa có dấu hiệu chững lại. Trích ở molo.vn [Các bậc cha mẹ muốn hướng con cái tới một hình tượng anh dũng thân thiện, bây giờ tất cả những gì họ có thể làm là dè chừng con mình tìm hiểu quá sâu những người hùng mà chúng ngưỡng mộ…] dễ hiểu thôi khi dòng phim này ngày càng được cởi mở hóa. Khỏa thân, sự thượng đẳng màu da, người da màu hay người châu á bị khinh miệt thậm chí trở thành một quy chuẩn để giật giải cuối năm.

Sitcom, thứ mà nhiều phụ huynh Việt không ngờ đến

Với việc tiếng anh được định nghĩa sớm một cách không cần thiết trong kiến thức một đứa trẻ chỉ chập chững bước vào tiểu học vô hình chung tạo ra những “khẩu vị phim ảnh” đặc biệt. Trở lại những năm 2007,2008 không phải những hoạt hình việt ngữ trên HTV3, BIBI, kênh truyền hình viral là Disney Channel cùng những sitcom hài hước cực kỳ thịnh hành, Hannah Montana hay Wizards of Waverly Place. Bạn có lẽ sẽ không bất ngờ nếu biết trẻ em dưới độ tuổi thiếu niên chiếm phần đông rating phát sóng của kênh vào những khung giờ mà các bộ phim sitcom kể trên được bật. Vì với bạn đọc sinh ra vào đầu gen Z (2000), có thể cũng đã đóng góp 1 view trong đó.

Với tính chất sitcom, gây hài và mang nhiều thông điệp tốt đẹp, không có quá nhiều điều để lo ngại, nhưng khúc mắc ở đây là sự khác biệt về văn hóa quá lớn. Lối sống tự thân, đề cao xu hướng độc lập, giãy bài song song cái tôi cá nhân, xã hội tạo nên nốt trầm hiếm hoi trong sitcom như giẫm chân lên thứ tinh thần gắn kết trong gia đình, cộng đồng của truyền thống Việt Nam.

Bức ảnh mang đầy hoài niệm

Kết lại

Quan điểm thì có thể thay đổi còn sự thật thì không, phim ảnh chỉ phát triển theo vòng xoay mà thế giới đương đại phản ánh. Để trẻ tiệm cận với nền văn hóa mới qua màn ảnh là một cách hợp lý, nhưng đòi hỏi mức độ kiểm soát khá kỹ càng cho phụ huynh. Hy vọng sự việc thiếu khách quan, “streamer” làm lệch lạc giới trẻ gần đây không lặp lại với trường hợp của các tác phẩm nghệ thuật thứ 7, vì với mình việc này chẳng khác gì hành động đứa trẻ ngã xuống rồi cha mẹ dỗ dành bằng cách đánh đòn cái sàn nhà, khi mà nguyên nhân sau cùng đến từ chính sự tận tâm cần có đã bị xem nhẹ.

fitz9

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/phim-anh-dang-la-cam-bay-vo-hinh-nuoi-duong-tre-nho-69785.html