Phim ảnh gây hiểu lầm về người tự kỷ

Ngày càng nhiều người coi những đặc tính của chứng tự kỷ là 'khác biệt' thay vì 'khuyết tật', tuy vậy vẫn tồn tại quá nhiều sự nhầm lẫn và kỳ thị xung quanh.

"Tên tôi đọc xuôi đọc ngược vẫn là Woo Young Woo, con cún con, con gà con, chôm chôm, cào cào, chuồn chuồn, Woo Young Woo" là lời giới thiệu bản thân của Woo Young Woo, nhân vật chính của bộ phim truyền hình Hàn Quốc Extraordinary Attorney Woo.

Woo Young Woo (diễn viên Park Eun Bin thủ vai) là một luật sư thiên tài, tốt nghiệp thủ khoa nhưng mắc chứng tự kỷ, thiếu hụt các kỹ năng xã hội.

Sau vài tập lên sóng, Extraordinary Attorney Woo lọt top phim ăn khách, có rating (tỷ suất người xem) cao tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Sự nổi tiếng của bộ phim cũng khiến bệnh tự kỷ được quan tâm nhiều hơn trong thời gian gần đây.

Những bộ phim như Extraordinary Attorney Woo được cho mang đến cái nhìn mới mẻ về cuộc sống của người tự kỷ. Thay vì bị gắn với những từ ngữ mang tính kỳ thị như "khuyết tật", "căn bệnh"..., những đặc tính của người tự kỷ đang được nhiều người nhìn nhận ở gốc độ khác biệt.

Tuy vậy, bộ phim cũng không thoát khỏi lối mòn của nền văn hóa đại chúng khi khắc họa chân dung "thiên tài tự kỷ". Những luật sự xuất sắc như Woo Young Woo trong Extraordinary Attorney Woo hay bác sĩ thiên tài Raymond Babbitt trong Rain Man đã khiến người tự kỷ trong thực tế phải đối mặt với câu hỏi: "Khả năng đặc biệt của bạn là gì?".

Phim "Extraordinary Attorney Woo" kể câu chuyện của một luật sư tự kỷ. Ảnh: Netflix.

Nhìn thế giới theo cách khác

Giống như người mẹ đơn thân trong Cha Cha Real Smooth, Sarah Gundle, nhà tâm lý học sống ở Brooklyn (New York, Mỹ), chưa bao giờ cảm thấy con gái mắc chứng tự kỷ là gánh nặng đối với mình

"Xe hơi và tàu hỏa có gì giống nhau?", nhà tâm lý học hỏi Dahlia, con gái 5 tuổi của Gundle.

Sau hồi lâu trầm ngâm, cuối cùng, cô bé trả lời: "Cả hai đều phát ra tiếng như chim ruồi".

Khi bác sĩ tỏ vẻ bối rối, Dahlia tiếp lời: "Tuy nhiên, chỉ khi ta nhắm mắt lại".

Như thường lệ, câu trả lời của Dahlia khiến tâm trí Gundle quay cuồng. Cô bắt gặp ánh mắt và cái nhún vai của bác sĩ. Cả hai đều biết đó không phải câu trả lời "chính xác" cho bài kiểm tra.

Nhưng dần dần, Dahlia đã dạy cho Gundle hiểu được rằng "đúng" hay "sai" chỉ là những khái niệm giới hạn.

"Cha Cha Real Smooth" mô tả cuộc sống của mẹ đơn thân và con gái tự kỷ. Ảnh: Apple TV+.

"Theo thời gian, tôi nhận ra rằng những câu trả lời của Dahlia không thể được xem là đúng hay sai. Chúng đúng với cách nhìn thế giới khác lạ của con. Nếu thực sự lắng nghe một cách cẩn thận, chúng ta thậm chí sẽ thay đổi cách hiểu về người tự kỷ", Gundle chia sẻ.

Theo NBC News, tự kỷ đã bị hiểu lầm một cách lâu dài và rộng rãi. Không hẳn là một căn bệnh, đó là một loạt các hành vi, từ không thể nói hoặc giao tiếp, cử chỉ lặp đi lặp lại cho đến khó xử lý các tín hiệu xã hội.

Ngay cả khi nhiều người đang coi những đặc tính của chứng tự kỷ là "khác biệt" thay vì "khuyết tật" thì vẫn tồn tại quá nhiều sự kỳ thị xung quanh.

Một trong những nguyên nhân của sự kỳ thị này là cách mô tả phiến diện của văn hóa đại chúng với người tự kỷ.

Phim Music, tác phẩm đầu tay của Sia với vai trò đạo diễn nhận đề cử Quả cầu vàng, gây tranh cãi vì những phân cảnh mô tả sự hạn chế về thể chất của người tự kỷ.

Trong khi đó, các nhân vật như Shaun Murphy, do Freddie Highmore thủ vai trong The Good Doctor, và Raymond Babbitt, do Dustin Hoffman thủ vai trong Rain Man, củng cố ý tưởng sai lầm rằng tất cả người tự kỷ đều là thiên tài, có trí nhớ phi thường.

Để người tự kỷ nói về chứng tự kỷ

Là một người mắc chứng tự kỷ đồng thời là nhà báo của The Washington Post, Eric Garcia (31 tuổi) nói rằng có quá nhiều định kiến đối với rối loạn phổ tự kỷ, theo CNN.

Từ những năm 1940-1970, các cuộc thảo luận về chứng tự kỷ chủ yếu được thúc đẩy bởi các bác sĩ lâm sàng và nhà tâm lý học.

Sau đó, các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ bắt đầu tham gia vào cuộc thảo luận. Sau sự nổi tiếng của Rain Man, bộ phim càn quét các giải thưởng Oscar, mọi người lại tiếp tục tìm hiểu tự kỷ qua phim ảnh.

Nhà báo Eric Garcia muốn xóa bỏ thành kiến xung quanh người tự kỷ. Ảnh: The New York Times.

Gần như chưa bao giờ người tự kỷ có thể tự mình nói về tình trạng, cuộc sống của họ. Điều đó thúc đẩy Garcia viết nên cuốn sách We're Not Broken: Changing the Autism Conversation.

"Tôi cũng từng đánh giá cao khả năng của mình so với những người tự kỷ khác. Quá trình viết sách buộc tôi phải xóa bỏ thành kiến này. Tôi cũng học cách loại bỏ ý tưởng về tự kỷ dạng nặng (low-functioning) và tự kỷ dạng nhẹ (low-functioning)".

Garcia được chẩn đoán tự kỷ khi lên 8 tuổi. Giờ đây, anh mô tả tự kỷ đã trở thành "một phần bản sắc" của mình.

"Tôi không biết điều đó làm cho tôi tốt hơn hay tệ hơn trong công việc của mình. Nó khiến tôi trở thành một nhà báo khác lạ. Tôi rất căng thẳng khi phải gọi điện cho ai đó. Tôi cũng không lái xe và cũng không thể đọc được nét mặt của người mình phỏng vấn.

Chắc chắn có những trở ngại nhưng tôi không muốn rũ bỏ tự kỷ. Ngay cả những người bình thường cũng có khiếm khuyết nhất định mà họ cần phải vượt qua. Tôi nghĩ mình sẽ không thể trở thành nhà báo như ngày hôm nay nếu không mắc chứng tự kỷ", Garcia viết.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phim-anh-gay-hieu-lam-ve-nguoi-tu-ky-post1336099.html