Phim cuốn hút nhiều khi lại có cốt truyện giản dị bất ngờ!

'Ký sinh trùng', bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc vừa chiến thắng Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019 vừa ra rạp Việt mấy ngày đã tạo nên cơn sốt bất ngờ. Tất nhiên, ý nghĩa ẩn dụ của điện ảnh trong bộ phim này tùy cảm nhận của mỗi người, nhưng cốt truyện phim công bằng mà nói rất giản dị. Cũng giống như bộ phim Việt đang 'làm mưa làm gió' hiện nay 'Về nhà đi con' - Phim nhiều thông điệp thực ra có cốt truyện rất giản dị. Có lẽ, phim ảnh không cần phải 'gồng mình' làm quá, ngược lại, những gì vừa giản dị vừa sâu sắc mới tạo sức hút thực sự?

Sau khi chiến thắng vang dội tại Cannes 2019 với 8 phút vỗ tay không dứt của khán giả, “Ký sinh trùng” (tựa tiếng Anh: Parasite) đã chính thức ra rạp Việt và ngay lập tức thu về phản ứng bùng nổ cùng vô số đánh giá tích cực từ báo chí và khán giả.

Trước đó, ngay cả các trang báo quốc tế cũng đánh giá rất cao bộ phim. Trang Indiewire đã đưa ra nhận xét: Trong “Ký sinh trùng”, không hề có một thể loại nào xuyên suốt bộ phim. Bài viết còn khẳng định: “Bộ phim mới nhất của đạo diễn Bong cho ta thấy sự đánh đổi tương xứng trong xã hội. Tức là, nền kinh tế chỉ thật sự mạnh khi nó làm tổn thương những con người "nhỏ bé" trong xã hội”. Theo ý này, ta có thể dễ dàng nhận thấy, báo giới quốc tế cũng quan tâm đến ranh giới giàu - nghèo trong phim.

Sự yêu mến của khán giả Việt với “Ký sinh trùng” hay “Về nhà đi con” cho thấy: Phim ảnh không cần phải “gồng mình” làm quá, ngược lại, những gì vừa giản dị vừa sâu sắc mới tạo sức hút thực sự. Ảnh tư liệu

Sự yêu mến của khán giả Việt với “Ký sinh trùng” hay “Về nhà đi con” cho thấy: Phim ảnh không cần phải “gồng mình” làm quá, ngược lại, những gì vừa giản dị vừa sâu sắc mới tạo sức hút thực sự. Ảnh tư liệu

Tờ Guardians nhận định: “Bộ phim chạy mượt mà như chiếc Mercedes do nhân vật chính (Song Kang Ho) điều khiển. “Ký sinh trùng” là bộ phim hài đen tối và kỳ quái về địa vị xã hội, khát vọng, chủ nghĩa vật chất, các gia đình gia trưởng. Cả những người chấp nhận việc thuê những người từ tầng lớp hạ lưu”.

Còn Trưởng ban giám khảo LHP Cannes 2019 không quên thốt lên: “Tất cả chúng tôi đều thật sự choáng ngợp khi xem bộ phim này. Giải thưởng được trao là rất xứng đáng”.

Được đánh giá vang dội, nhưng khi “Ký sinh trùng” ra rạp Việt, nhiều khán giả cũng nhận thấy rằng: Thông điệp của phim rất sâu sắc, xã hội trong phim có thể rất phân tầng, nhưng cả câu chuyện phim lại rất giản dị, cốt truyện phim đơn giản, không éo le, ít nặng nề thủ pháp nghệ thuật. Tất cả những gì cần nói, đạo diễn đã khéo léo lồng vào các cảnh quay và thoại. Khi gia đình nhà nghèo chạy khỏi căn nhà giàu có mà họ làm thuê, tầng tầng lớp lớp các bậc thang từ trên cao xuống và dòng nước mưa đuổi theo chân họ đã ẩn chứa quá nhiều thông điệp. Đạo diễn không cần làm quá lên, không phải vất vả tính quá nhiều thủ pháp ẩn dụ cho phim.

Một cảnh trong phim “Ký sinh trùng”. Ảnh tư liệu

Ngẫm ra mới thấy rằng: Bộ phim đang làm mưa làm gió trên truyền hình Việt khung giờ vàng thời gian này là “Về nhà đi con” cũng có rất nhiều điểm tương đồng. Cốt truyện của “Về nhà đi con” về cơ bản giản gị, không quá mới mẻ. Cảnh một ông bố đơn thân nuôi lớn ba cô con gái và phải đối diện với những biến cố cuộc đời của các con trong phim truyền hình Việt và khu vực không xa lạ. Điều khéo léo của ê-kíp làm phim là biến một câu chuyện không mới, không thật đặc biệt trở nên sâu sắc bởi các tình huống và thú vị bởi các câu thoại.

Những triết lý trong “Về nhà đi con” không nặng nề, ngược lại giản dị nhưng sâu sắc, nó cũng rất gần gũi với đời sống của gia đình người Việt. Vì thế, khán giả bị hút vào bộ phim và muốn được theo dõi nữa.

Sự yêu mến của khán giả Việt với “Ký sinh trùng” hay “Về nhà đi con” gợi cho chúng ta nhiều nghĩ ngợi, nhất là trong bối cảnh cuộc phân đôi hai ranh giới phim: Nghệ thuật và thương mại đã quá lâu vẫn chưa tìm được sự hòa hợp trong cả tư duy làm phim và thói quen xem phim của người Việt. Lâu nay, chúng ta cứ mặc định phim được giải quốc tế, phải khó xem, khó cảm, kén khán giả. Phim thương mại, có doanh thu tốt thì lại khó đủ tầm để tham dự giải thưởng quốc tế. Nhưng nhìn điện ảnh Hàn Quốc với hai “hiện tượng” gây sóng gió tại các kỳ LHP Cannes là “Ký sinh trùng” và “Train to Busan” mới thấy: Họ giải quyết được hai vấn đề trong một bộ phim: Vẫn sốt phòng vé, vẫn đủ dụng ý và thông điệp nghệ thuật, nhưng cốt truyện, không cần phải quá đặc biệt, quá khác biệt gì.

Điều này làm cho khán giả yêu phim ảnh Việt nhớ lại câu hỏi: Tại sao “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân có thể cán mốc 200 tỷ đồng phòng vé trong nước, lên top tìm kiếm của Netflix khi bộ phim - nếu xem kỹ ra - có cốt truyện không mấy đặc biệt, nhiều khi bị nhận xét là đơn giản đến bất ngờ. Điều này cũng lý giải cho câu hỏi rằng: Sao những phim truyền hình gây sốt sóng giờ vàng như Về nhà đi con, Cầu vồng tình yêu, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng… thực ra cũng chỉ là cốt truyện remake, không nhiều điểm quá mới mẻ về nội dung nhưng lại hút khán giả đến thế?

Phim ảnh, nhiều khi cứ gồng mình để thật hay, thật lạ, thật độc, đôi khi lại nhận về nhiều ê chề hơn kỳ vọng. Ngược lại, cốt truyện có thể giản dị nhưng thông điệp phim sâu sắc thì vẫn đem lại sức hút không ngờ. Khán giả xem phim Việt đã có xu hướng tiệm cận với khán giả quốc tế, khi họ đang quan tâm hơn đến thông điệp mà bộ phim mang lại, qua những điều tưởng giản dị bất ngờ. Hiểu được khán giả, thì có lẽ, sự phân tầng phim nghệ thuật và phim thương mại sẽ có thể giải đáp được những vướng mắc lâu nay chăng?

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-cuon-hut-nhieu-khi-lai-co-cot-truyen-gian-di-bat-ngo-153268.html