Phim độc lập: Hành trình đã bớt cô đơn

Tiếng nói điện ảnh đặc sắc, riêng biệt của dòng phim độc lập giờ đây không còn lạc lõng, một mình một lối đơn độc. Những nhà sản xuất tâm huyết và cả công chúng yêu nghệ thuật thứ 7 đang dần dành cho phim độc lập cái nhìn kỳ vọng và đầy tin tưởng.

Phim độc lập còn gọi là phim vị nghệ thuật (art film). Do không bị đơn vị nào ràng buộc, quản lý nên dòng phim này độc lập về nội dung, tư tưởng, độc lập về tiêu chí nghệ thuật và cả tài chính. Nhà làm phim tự do sáng tạo, bộc lộ cá tính nghệ thuật riêng biệt. Phim độc lập bao gồm cả phim truyện điện ảnh, phim ngắn, phim tài liệu…

Trước đây, phim độc lập thường vấp phải lời nguyền định mệnh: hễ đem dự thi liên hoan phim quốc tế thì liên tục giành giải thưởng nhưng đem về chiếu tại quê nhà thì bị khán giả chê bai, thờ ơ. Những bộ phim từng dính lời nguyền này có thể kể đến “Bi, đừng sợ”, “Cha và con và...”, “Đập cánh giữa không trung”, “Chơi vơi”...

Vài năm trở lại đây, các bộ phim độc lập đang dần đập tan lời nguyền ấy. “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn Cao Thúy Nhi không chỉ được lòng giới phê bình mà còn khiến khán giả trầm trồ. Ai cũng ngạc nhiên khi doanh thu của bộ phim độc lập này đạt mức trên hòa vốn – mức mà nhiều nhà làm phim (kể cả phim giải trí) mong đợi. “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng cũng gây nên cơn sốt nho nhỏ. Nhưng để gây “bão” phòng vé thì phải kể đến “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đi tìm Phong”, “Lửa Thiện Nhân”...

Cảnh trong phim “Người vợ ba”.

Cảnh trong phim “Người vợ ba”.

Những bộ phim tài liệu này cuốn hút đến nỗi các suất chiếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn chật kín khán giả, thậm chí nhiều buổi “cháy” vé. Với dòng phim độc lập, người ta mặc định phim truyện điện ảnh đã kén khán giả thì phim tài liệu còn khó nhằn hơn. Vậy mà, từ năm 2015 đến nay, cả hai thể loại này đều làm nên chuyện, dần dần khẳng định tiếng nói mạnh mẽ và chỗ đứng vững chắc của dòng phim độc lập ở thị trường điện ảnh Việt Nam.

Bây giờ, ngoài những cái tên quen thuộc như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Thạc Chuyên…, cộng đồng phim độc lập xuất hiện thế hệ mới đầy năng lượng sáng tạo, có tư duy điện ảnh độc đáo và quyết liệt với nghề như Phạm Thiên Ân, Lê Bảo, Phạm Ngọc Lân, Trần Dũng Thanh Huy, Lê Bình Giang… Là người đồng sáng lập “Gặp gỡ mùa thu” - khóa học phi lợi nhuận dành cho các nhà làm phim độc lập trẻ, đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá phim độc lập tại Việt Nam thời gian gần đây đã có nhiều tác phẩm ấn tượng, khai thác đề tài lạ nhưng rất thời sự, lý giải câu hỏi nhân sinh.

Nếu “Vị” của Lê Bảo kể câu chuyện về cuộc mưu sinh bấp bênh, đầy góc khuất của một người da đen ở Sài Thành thì “Culi không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân khai thác về hành trình người vợ lặn lội sang châu Âu đưa xác chồng về.

Hiện tại, dù “Người vợ ba” (đạo diễn Nguyễn Phương Anh) chưa được công chiếu ở Việt Nam nhưng nó đã khiến giới yêu điện ảnh trong nước vô cùng háo hức mong chờ. Phim kể về tục năm thê bảy thiếp thời phong kiến và tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, có con trai nối dõi tông đường của người Việt. Câu chuyện “muôn năm cũ” những dưới góc nhìn của ekip làm phim toàn nữ khiến khán giả tò mò.

Tiếng vang từ giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất của NETPAC tại Liên hoan phim Toronto; giải Phim hay về giới nữ tại LHP San Sebastían - Tây Ban Nha… là bảo chứng chuyên môn. Ở mặt thị trường, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết, tính đến thời điểm này, “Người vợ ba” được 38 nước trên thế giới mua để phát hành tại các cụm rạp trong năm 2019.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Êkip đang cố gắng để bộ phim sớm có mặt tại các cụm rạp nội địa. Cũng bởi sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả trong nước, đạo diễn Lê Bình Giang đã tổ chức hai buổi chiếu sớm phim “KFC” trước khi đem chuông đi đánh xứ người.

Góp sức vào thành công ngoạn mục của dòng phim độc lập không thể không kể đến tâm huyết của các đơn vị sản xuất và phát hành trong nước. Lâu nay, vì kén khán giả nên rất ít nhà sản xuất dám chi tiền, rót vốn cho đạo diễn phim độc lập.

Cũng vì lý do này, hiếm hoi lắm mới có nhà phát hành nhận chiếu phim độc lập. Từ khi các hãng phim tư nhân bắt đầu ăn nên làm ra với dòng phim đại chúng (hay còn gọi là mainstream, thương mại), họ bắt đầu để mắt đến nghệ thuật điện ảnh thuần túy.

Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh, Giám đốc Hãng phim Xanh (BlueProductions), tâm sự: “Tôi rất sung sướng mỗi khi nghe tin nhà sản xuất nào đó trong khoảng 3 năm mà có đến 5 bộ phim đạt doanh thu cao. Vì tôi biết chắc, họ sẽ có nguồn kinh phí để sản xuất một phim độc lập. Do đó, chúng ta nên kỳ vọng có thật nhiều bộ phim giải trí đạt doanh thu thì nhà sản xuất mới đủ điều kiện để quan tâm và đầu tư phim độc lập”.

Dấn thân vào dòng phim độc lập, nhà làm phim coi đó là hành trình khám phá ngôn ngữ điện ảnh, tìm tòi hình tượng nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo. Họ tạo dựng cho mình bản sắc, phong cách làm phim không thể nhầm lẫn. Đó là hành trình của những người rẽ lối tiên phong. Do đó, nó đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền điện ảnh mỗi nước.

“Nhiều người vẫn hỏi chúng tôi rằng làm phim độc lập tốn kém và khó thu hồi vốn thế, sao chúng tôi vẫn làm, thậm chí lực lượng ngày càng hùng hậu hơn? Tôi cho rằng một nền điện ảnh phát triển hài hòa thì phải vừa có dòng phim thương mại lẫn nghệ thuật. Nếu dòng phim thương mại khẳng định sức sống thị trường nội địa nhờ đo đếm doanh thu thì dòng phim độc lập lại là khuôn mặt nhận diện điện ảnh nước đó khi bước ra quốc tế. Đó là những bộ phim kể cho thế giới nghe câu chuyện của người Việt Nam và mang những thông điệp, hình thức thể hiện mà sau này xem lại vẫn khiến người ta trăn trở, học hỏi. Những giá trị ấy không thể đo đếm bằng tiền” – nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc khẳng định.

Dù đã bớt đơn độc, nhưng những ai gắn bó với dòng phim độc lập đều thừa nhận, đó là một hành trình gian nan vì họ phải tự lực cánh sinh từ khâu ý tưởng, tìm kiếm êkip, huy động tài chính, sản xuất, lẫn lo đầu ra.

“Thằng ròm” – một bộ phim độc lập tâm huyết của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy.

Các đạo diễn phải mất trung bình từ 5 đến 7 năm mới xong một bộ phim độc lập và cũng mất chừng ấy thời gian để bắt tay thực hiện bộ phim thứ hai. Dù đã bớt e dè với dòng phim này song các nguồn kinh phí trong nước chưa nhiều. Để thuyết phục nhà đầu tư rót tiền, Cao Thúy Nhi phải “trầy vi tróc vảy”. Gõ cửa hơn 30 công ty, đơn vị, dự án đều bị từ chối. Cùng đường, cô phải cầm cố căn nhà để có tiền làm bản demo để thuyết phục các đơn vị hỗ trợ kinh phí.

Cho đến nay, cộng đồng làm phim độc lập vẫn phải trông chờ vào các quỹ hỗ trợ điện ảnh trên thế giới. Chẳng hạn, hai tác phẩm của Lê Bảo và Phạm Ngọc Lân đều vinh dự lọt vào top 14 dự án tham dự giải LAtelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation, hạng mục giới thiệu các dự án phim mới từ khắp nơi trên thế giới tại Cannes 2017 để gặp gỡ các nhà làm phim và giới đầu tư uy tín.

Nhưng sự cạnh tranh để giành được nguồn hỗ trợ này đang ngày càng khốc liệt vì có quá nhiều gương mặt tài năng tìm đến. Ngoài ra, nó đòi hỏi người làm sản xuất phải hiểu cặn kẽ về hệ thống phim quốc tế, đường đến với các quỹ điện ảnh, phải xây dựng mối quan hệ, phải nhanh trí và tỉ mẩn. Vì vậy, thời gian chờ đợi kinh phí rất lâu.

Sản xuất được phim rồi, đưa phim đến số đông cũng là bài toán hóc búa. Phương án thông thường mà các nhà làm phim lựa chọn là đưa đứa con tinh thần đến liên hoan phim. Đây chính là những chợ phim quốc tế, quy tụ nhiều nhà phát hành lớn.

Chính vì vậy, dù đã có nhiều tín hiệu vui nhưng cộng đồng phim độc lập vẫn mong muốn thị trường trong nước rộng cửa hơn với họ. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam ra đời vì nhà làm phim Việt Nam không thể cứ mãi trông chờ sự hỗ trợ từ bạn bè thế giới. Riêng nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc thì mong muốn Việt Nam sớm có rạp chiếu dành riêng cho dòng phim độc lập. “Ở nhiều nước, rạp chiếu dạng này tuy không đông khách, chỉ chừng 100 khách cho một suất chiếu, nhưng nó sáng đèn thường xuyên vì luôn có đối tượng khán giả riêng trung thành”- chị cho biết.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phim-doc-lap-hanh-trinh-da-bot-co-don-539796/