Phim hoạt hình Việt, vẫn chỉ là tiềm năng

So với các thể loại khác, phim hoạt hình Việt còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng dù có thị trường rộng lớn.

“Bắt bệnh” hoạt hình Việt

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua ở nước ta chưa có phim hoạt hình thương mại để lại ấn tượng. Ngoài Người con của Rồng, thời lượng 90 phút thuộc thể loại 3D do NSND Phạm Minh Trí thực hiện, công chiếu 1 tuần tại rạp Kim Đồng thì đa số các phim hoạt hình chỉ được trình chiếu trên mạng, trên sóng truyền hình nhưng thời lượng chỉ vài phút hoặc dài nhất cũng khoảng nửa tiếng đồng hồ.

Do thiếu vắng các tác phẩm lớn và đặc sắc, khán giả trong nước đắm say với những phim hoạt hình của quốc tế sản xuất, vừa đẹp về tạo hình, kỹ xảo vừa có nội dung, thông điệp sâu sắc như Frozen (Công chúa băng giá), Moana, Big Hero 6 (Biệt đội anh hùng 6), Câu chuyện đồ chơi, Kỷ băng hà, Cậu bé rừng xanh, Doremon, Vút bay, Công chúa tóc xù, Những mảnh ghép cảm xúc, Kungfu Panda... So với các phim hoạt hình quốc tế, các tác phẩm của chúng ta còn có một khoảng cách không gần, đặc biệt là đầu tư về tiền của, công nghệ và kịch bản.

Thường thì phim hoạt hình quốc tế có đề tài, câu chuyện gắn với cuộc sống hiện tại, kỹ xảo bắt mắt, nội dung dễ hiểu, nhân vật tạo được sức hút và tác phẩm đầu tư tới cả triệu đô. Trong khi đó, hoạt hình Việt thường là những tác phẩm đặt hàng nên đề tài thiếu đa dạng. Chưa kể, phim hoạt hình nước ta vẫn chỉ loanh quanh những câu chuyện cổ tích hay chuyện chó, mèo, gà mẹ, cá con, chim sẻ... với bối cảnh là khu vườn, làng quê, những ngôi nhà cấp 4 đơn giản của những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Theo NSND Hà Bắc, phim hoạt hình Việt sản xuất đều đặn, giành một số giải thưởng uy tín trong nước, song chưa có sức lan tỏa. Ngoài lý do thời lượng ngắn, phim ở ta khá đơn thuần và mô phạm; kỹ thuật, công nghệ chưa tiên tiến nên khó hấp dẫn khán giả hiện đại.

Cảnh trong một phim hoạt hình do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất.

Giấc mơ đường dài

Thời gian qua đã có không ít nhà sản xuất nỗ lực đem đến cho khán giả những tác phẩm chất lượng. Trong đó có thể loại cắt giấy vi tính, 2D và 3D như: Anh chàng gặm nhấm, Bí mật của khu vườn, Hiệp sĩ Nghé vàng, Một cuộc đấu trí, Sự tích hoa Thiên điểu, Nước mắt cá sấu, Chiến binh mèo mũi đỏ, Mái tơ phúc hậu... Các phim này đều đa dạng về đề tài, phong phú về mặt nội dung từ phim triết lý đến phim đồng thoại, cổ tích, sự tích...

Đặc biệt gần đây, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khởi động cuộc thi sáng tác kịch bản phim hoạt hình (90 phút) năm 2021. Ban tổ chức khuyến khích nội dung kịch bản đề cao tính giáo dục, tôn vinh các giá trị chân, thiện, mỹ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các kịch bản cần khai thác các nhóm đề tài về lịch sử, sự tích, cổ tích, giả tưởng, viễn tưởng về thế giới thiên nhiên, về sáng tạo khoa học công nghệ... và nội dung gợi mở khám phá, phát huy trí tưởng tượng của người xem. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, các kịch bản cần có cách thể hiện sáng tạo, hấp dẫn, giàu hình ảnh, phù hợp với những đặc trưng của ngôn ngữ phim hoạt hình. “Cuộc thi tạo môi trường, không khí sáng tác cho các nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, đặc biệt đối với đội ngũ tác giả trẻ. Lễ công bố và trao giải thưởng cuộc thi dự kiến diễn ra trong tháng 12/2021” - ông Vi Kiến Thành thông tin thêm.

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, từ năm 2021 đơn vị đã đầu tư sản xuất phim truyện hoạt hình chiếu rạp. Để thực hiện mục tiêu này, hãng đã tiến hành tuyển chọn và xây dựng kịch bản phim truyện hoạt hình với sự kết hợp của các biên kịch hoạt hình và biên kịch phim truyện; đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ, kỹ thuật. Đồng thời, đơn vị này đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ họa sĩ và các khâu khác trong dây chuyền đáp ứng yêu cầu chuyên môn phục vụ việc sản xuất phim chiếu rạp. “Hy vọng mọi việc thuận lợi thì trong năm 2021 sẽ tạm thời hoàn thiện về bước đầu chuẩn bị. Năm 2022 sẽ triển khai sản xuất và đến năm 2023 sẽ có phim ra rạp” - bà Trần Thị Thu Hiền chia sẻ.

Quỳnh Phạm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phim-hoat-hinh-viet-van-chi-la-tiem-nang-n192928.html