Phim Sugar Daddy & Sugar Baby, Gái ngàn đô, Lan Quế phường số phận ra sao?

Số phận phim Sugar Daddy & Sugar Baby, Gái ngàn đô, Đại Cathay, Lan Quế phường... ra sao sau Thông tư số 05 quy định tiêu chí phân loại phim.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/5, yêu cầu dán nhãn đối với phim chiếu rạp và hiển thị cảnh cáo đối với phim truyền hình, phim chiếu mạng.

Theo thông tư mới, phim ảnh phải hiển thị mức độ phân loại phim, cảnh báo

Thông tư gồm 6 điều quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim. Quy định về cảnh báo các yếu tố bạo lực, tình dục, chất gây nghiện... là điểm đáng lưu ý của thông tư.

Theo Thông tư, phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P (Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi).

Phim chiếu mạng ngập cảnh nóng, bạo lực

Theo ghi nhận, trước khi Thông tư số 05 được ban hành, các nội dung trên trên nền tảng YouTube gần như bị thả nổi, nội dung xấu độc tràn lan.

"Lan Quế phường" gây tranh cãi khi phản ánh cuộc sống của gái làng chơi với tạo hình "thiếu vải" của dàn diễn viên

Nội dung về giang hồ, có nhiều cảnh bạo lực, máu me… nhưng không được dán nhãn cảnh báo cho khán giả, hay câu view bằng cảnh nóng... là thực trạng chung của đa số phim chiếu mạng tại Việt Nam.

Đơn cử, "Sugar Daddy & Sugar Baby", "Gái ngàn đô", "Đại Cathay", "Lan Quế phường"... là những bộ phim từng gây sốc với nội dung liên quan tình dục, bạo lực, giới giang hồ với nhiều cảnh nóng, cảnh hở hang... Đáng nói, các bộ phim này đều thu hút hàng triệu lượt xem mỗi tập.

Điển hình như "Lan Quế phường", tác phẩm gây thất vọng vì nội dung kịch bản hời hợt. Dàn diễn viên trong phim bộc lộ rõ sự nghiệp dư, diễn xuất thiếu cảm xúc, đơ cứng. Thế nhưng các cô gái này khá mạnh dạn khi thực hiện các cảnh như: ngồi lên đùi, ưỡn ẹo, động chạm chạm...

Những cô gái mặc đồ thiếu vải, hay những bộ đồ ngủ mỏng dính, lộ rõ vòng một xuất hiện với tần suất dày đặc.

Trong khi các phim chiếu rạp bị kiểm duyệt theo luật Điện ảnh, phải cắt bỏ những hình ảnh và nội dung vi phạm các điều cấm, được phân loại rõ ràng, thậm chí không được phổ biến - thì phim chiếu mạng lại mang nhiều nội dung phản cảm, hình ảnh dễ dãi và hầu hết không được phân loại dán nhãn cảnh báo theo quy định của luật Điện ảnh 2022 mới ban hành.

Thông tư mới yêu cầu phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi.

Cụ thể, đối với phim được phổ biến trên truyền hình và không gian mạng, nhà sản xuất và nhà đài phải hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 33 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Thông tư số 05 được kỳ vọng là “cây gậy” pháp lý quan trọng giúp các nhà quản lý điện ảnh siết chặt quản lý phim trên không gian mạng

Trả lời Báo Giao thông, đạo diễn Hữu Tuấn bày tỏ: "Tôi ủng hộ việc phân loại, dán nhãn và kiểm duyệt phim, trong đó có phim chiếu mạng. Tuy nhiên, để kiểm duyệt khối lượng nội dung lớn trên nền tảng mạng xã hội, nên có sự hỗ trợ của công nghệ mới có thể "quét" sạch các nội dung vi phạm".

Đồng quan điểm, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, quy định pháp luật về phân loại, cảnh báo phim là cần thiết. Anh cho rằng, quy định của Thông tư 05 không hạn chế sức sáng tạo của ê-kíp làm phim. Ngược lại, trong khuôn phép phù hợp, sự sáng tạo càng có cơ hội để phát triển.

Là người nhiều năm sản xuất các bộ phim chiếu mạng, đạo diễn Dương Ngọc Bảo thừa nhận, ê-kíp của anh cũng gặp không ít khó khăn trong việc sản xuất và phát hành các dự án đã hoàn thành hoặc đã chuẩn bị xong, khi Thông tư có hiệu lực.

"Thông thường, chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác, khai thác những đề tài có thật trong đời sống, nên không thể tránh được những chi tiết tạo sự kịch tính, từ đó truyền tải một bài học tới khán giả.

Tuy nhiên, khi Thông tư có hiệu lực, chúng tôi vẫn phải thực hiện đúng quy định. Chắc chắn, mọi thứ sẽ khó khăn, đòi hỏi nâng cao chất lượng sản phẩm hơn.

Với những dự án đã hoàn thành nhưng chưa phát hành, chúng tôi buộc phải ngồi lại, trao đổi để điều chỉnh lại nội dung và một số cảnh quay, trong trường hợp hai bên không thống nhất, dự án có thể đứng trước nguy cơ mất trắng", nam đạo diễn bộc bạch.

Kỳ vọng hơn ở Thông tư số 05

Bàn thêm về Thông tư số 05, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, Thông tư này không có nhiều nội dung mới, ngoài thêm phân loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn

"Theo tôi đánh giá, các hướng dẫn trong Thông tư không có khác biệt hoặc chi tiết, rõ ràng hơn so với Luật Điện ảnh 2023.

Để bình luận một điểm trong thông tư, đó là tiêu chí phân loại C: Phim không được phép phổ biến. Tôi kỳ vọng ở phân loại này sẽ có phần giải thích các tiêu chí để một bộ phim bị cấm một cách rõ ràng, chi tiết hơn.

Thông tư có vai trò hướng dẫn, cụ thể hóa Luật. Nhưng, ở tiêu chí phân loại C, Thông tư này lại ghi một cách vô trách nhiệm là: "Vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh. Những nội dung và hành vi bị nghiêm cẩm trong hoạt động điện ảnh; Miêu tả các tiêu chí phân loại phim ở mức độ quá mức".

Ở góc độ người làm nghề, tôi đánh giá Thông tư số 05 không làm mọi thứ tốt lên, cũng không làm xấu đi, nhưng không có sự phát triển về tính khoa học. Đương nhiên rất thất vọng.

Với những người làm nghề thật sự, chúng tôi kỳ vọng về một Thông tư được xây dựng trên cơ sở luật điện ảnh và đối thoại với nhiều bên. Ở đó, những người làm phim sẽ có cái nhìn rõ ràng về những vấn đề pháp lý họ có thể đối diện, chứ không phải một văn được soạn thảo bởi những người không trực tiếp làm phim, không hiểu về ngành phim", đạo diễn Hữu Tuấn bày tỏ.

6 loại phim phân loại theo lứa tuổi

1. Loại P: phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;

2. Loại K: phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;

3. Loại T13: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên (13+);

4. Loại T16: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên (16+);

5. Loại T18: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên (18+);

6. Loại C: phim không được phép phổ biến.

Phương Thảo

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phim-sugar-daddy-sugar-baby-gai-ngan-do-lan-que-phuong-so-phan-ra-sao-d588367.html