Phim tài liệu cần sự đổi mới

Giai đoạn 1998-2005, phim tài liệu Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng quốc tế và trở thành đại diện tiêu biểu cho mảng phim tài liệu khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, phim tài liệu đã dần vắng bóng ở các liên hoan phim (LHP) và giải thưởng quốc tế, làm dấy lên lo ngại về sự thờ ơ của giới làm phim đối với thể loại này.

Giai đoạn 1998-2005, phim tài liệu Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng quốc tế và trở thành đại diện tiêu biểu cho mảng phim tài liệu khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, phim tài liệu đã dần vắng bóng ở các liên hoan phim (LHP) và giải thưởng quốc tế, làm dấy lên lo ngại về sự thờ ơ của giới làm phim đối với thể loại này.

Tại LHP Việt Nam lần thứ 21 diễn ra vào cuối năm 2019, có 29 bộ phim thuộc sáu đơn vị tranh giải tại hạng mục phim tài liệu, trong đó số lượng phim đoạt giải khá hiếm hoi. Bông sen vàng thuộc về phim “Chông chênh” (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư), Bông sen bạc thuộc về hai phim “Chư Tan Kra” (đạo diễn Vũ Minh Phương) và “Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm). Thực tế, mỗi năm luôn có một số lượng lớn phim tài liệu được sản xuất, song số phim giới chuyên môn ghi nhận thông qua giải thưởng và thuyết phục được khán giả lại khá khiêm tốn. Theo đánh giá từ các chuyên gia, so với những thể loại khác, phim tài liệu vốn không đòi hỏi đầu tư kinh phí, kỹ thuật quá cao nên gần như chất lượng phim phụ thuộc vào trình độ, tư duy của đạo diễn.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, sau nhiều mùa theo dõi các LHP trong nước và quốc tế, đặc biệt những kỳ LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam, đã đưa ra nhận xét: Hàng chục năm nay, các nhà làm phim tài liệu vẫn chung một công thức cũ kỹ nên phim đa phần đều giống nhau. Việt Nam là cái nôi của nhiều đề tài phim tài liệu hấp dẫn, nhiều câu chuyện gốc vốn đã rất xúc động nhưng khi lên màn ảnh, cách kể vẫn thiếu sự lôi cuốn, đổi mới cần thiết để tạo nên dấu ấn mạnh mẽ. Qua theo dõi các mùa tổ chức LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam, ở những buổi ngoại khóa có chuyên gia nước ngoài trao đổi về phương pháp làm phim, thường chỉ có số ít nhà làm phim độc lập trẻ tham gia các khóa học này và kết quả khả quan thể hiện qua những phim tài liệu ngắn. Còn lại, hầu hết các nhà làm phim trong nước đều đang đi theo lối mòn của việc làm phim theo kế hoạch được đầu tư, hoặc khai thác lại những câu chuyện đã được xã hội quan tâm.

Dù vậy, cũng không đồng nghĩa với câu chuyện mảng phim tài liệu hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Vài năm trở lại đây, Tạ Quỳnh Tư (sinh năm 1980) là một trong những cái tên tiêu biểu, đạo diễn của nhiều phim tài liệu được đánh giá cao, giành nhiều giải thưởng, như: Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 (năm 2013), Cánh diều Vàng năm 2016 - 2017, Giải A Giải Báo chí quốc gia (2017), Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 21 (2019)… Yếu tố đặc biệt khiến Tạ Quỳnh Tư tạo nên dấu ấn chính là cách đổi mới trong lựa chọn, khai thác đề tài. Chẳng hạn, với bộ phim tài liệu “Đường về” đề tài tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Tạ Quỳnh Tư không chọn kể lại hành trình gian nan, vất vả của công việc này mà khai thác những mảnh ghép còn thiếu trong một bức tranh thời hậu chiến thông qua tình huống: sự nhầm lẫn hy hữu trong khi tìm mộ và cách ứng xử đầy nhân văn của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cảnh cuối phim là hình ảnh hai người mẹ ở tuổi ngoài tám mươi nắm tay nhau ra thăm mộ, vừa đi vừa thủ thỉ: “Ở tuổi xế chiều rồi, chẳng biết còn gặp nhau được bao lần nữa, thì bây giờ cứ ngày lễ tôi với bà thắp hương cho con mình, thôi thì con chung bà ạ”. “Đường về” là bộ phim tài liệu không lời bình, một phong cách làm phim quen thuộc của đạo diễn này. Trước đó, phim “Hai đứa trẻ” với câu chuyện nhầm con đã gây xúc động với khán giả và giành giải Cánh diều Vàng cho Phim tài liệu xuất sắc, giải Đạo diễn Phim tài liệu xuất sắc tại giải Cánh diều năm 2016. Phim tài liệu của Tạ Quỳnh Tư luôn mang đến cho khán giả mọi cung bậc cảm xúc: hồi hộp, ám ảnh, suy ngẫm về giá trị của cuộc sống, tình cảm.

Một trường hợp khác, Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo (sinh năm 1980), Hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân đã cùng ê-kíp sản xuất bộ phim tài liệu “Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên”; nói về trận ra quân đầu tiên của không quân Việt Nam đem về những thắng lợi rất quan trọng, tạo niềm tin rằng người lính Việt Nam có thể chiến đấu trên không. Sau khi xem phim, nhiều khán giả tò mò tại sao một trường đại học lại dám dấn thân vào một dự án đầy thử thách như thế. Lê Nguyên Bảo cho biết, khi học ở Mỹ anh đã xem rất nhiều phim về không chiến và quyết định làm phim về đề tài này với mong muốn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam. Anh đã xây dựng dự án Én bạc Studio với hơn 20 thành viên ban đầu. Bằng niềm đam mê và khát vọng mãnh liệt chinh phục ngành công nghệ VFX (Visual Effect or Effect) còn non trẻ ở Việt Nam, ê-kíp này đã vừa học tập, vừa ứng dụng thực hành để cho ra mắt tác phẩm đầu tay gây chú ý. Hầu hết các buổi chiếu phim tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, “Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên” khiến khán giả, trong đó một lượng lớn là người trẻ tuổi, phải xếp hàng dài để đón xem.

Theo các chuyên gia điện ảnh, nhược điểm chủ yếu khiến mảng phim tài liệu dễ đối mặt với nguy cơ tụt hậu chính là tư duy cũ. Một vài đại diện tiêu biểu đang dấn thân, đổi mới rất đáng ghi nhận; nhưng nếu thiếu sự đồng bộ, linh hoạt trong định hướng phát triển ngành điện ảnh thì rất khó chinh phục được khán giả và những giải thưởng quốc tế danh giá.

THỤY PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/43900202-phim-tai-lieu-can-su-doi-moi.html