Phim tài liệu 'Đi tìm Phong': Chuyến đi tìm bản ngã cho người chuyển giới

Bộ phim 'Đi tìm Phong', không phải là chuyến đi đơn độc của đạo diễn Trần Phương Thảo hay nhà sản xuất bộ phim mà là Phong đi tìm Phong, gia đình và những người xung quanh đi tìm Phong nữa. Họ đã có chuyến đi đầy dũng cảm, đáng để tự hào - một cuộc hành trình đi tìm thanh xuân, tình yêu và sự thấu hiểu.

Tôi gặp đạo diễn Phương Thảo trong một buổi tập huấn báo chí về đề tài LGBT cách đây vài tháng. Khi đó, tôi rất ấn tượng trước một nữ đạo diễn có dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc xuề xòa, nụ cười tươi và đặc biệt luôn chia sẻ hết mình, tinh tế và đầy chân thật về nhân vật trong tác phẩm của mình. Khi trò chuyện, Phương Thảo hay sợ mình nói “sai”, khiến người khác hiểu chệch ý mình. Nhưng cũng chính vì điều đó mà chị luôn lý giải một cách cặn kẽ về đứa con tinh thần của mình – bộ phim tài liệu dài 90 phút “Finding Phong (Đi tìm Phong)”.

Bộ phim kể về cuộc hành trình chuyển giới của nhân vật Lê Ánh Phong (tên thật là Lê Quốc Phong, SN 1988, quê Quảng Ngãi) do đạo diễn Trần Phương Thảo cùng chồng - đạo diễn Người Pháp Swann Dubus thực hiện trong 3 năm (từ 2012-2014). Bộ phim từng “chu du” 28 LHP quốc tế, mang về 5 giải thưởng: Phim xuất sắc nhất của giải thưởng Nanook, LHP Jean Rouch lần thứ 34 của Pháp, giải Spotlight, giải khán giả bình chọn tại Viet Film Fest của Mỹ,… Nhưng đến tháng 10-2018, phim mới được trình chiếu tại Việt Nam.

Nhân vật Lê Ánh Phong (phải) và đạo diễn Trần Phương Thảo. Ảnh: NVCC

Đạo diễn Phương Thảo kể, chị gặp Phong thông qua một người bạn, cũng là một nhà làm phim người Pháp. Khi ấy, Phong mới 24 tuổi và đang có ý định phẫu thuật chuyển giới. Dù vẫn có hình hài con trai nhưng ở Phong toát lên tính cách của một cô gái sôi nổi, hòa đồng và thẳng thắn. Phương Thảo đề nghị được theo hành trình chuyển giới của Phong và Phong đồng ý.

Bộ phim được vợ chồng Phương Thảo thực hiện nhưng thật ra những thước phim đầu tiên là do Phong tự quay bằng máy quay đạo diễn và nhà sản xuất cung cấp. Phong đứng trước máy quay, nói về những suy nghĩ, cảm xúc của mình từng ngày một. Mỗi lần cầm viên thuốc thay đổi hooc-mon trên tay (Phong uống thuốc này trong 1 năm trước khi phẫu thuật chuyển giới), Phong lại trầm tư, khẩn cầu niềm mong mỏi duy nhất là gia đình sẽ thấu hiểu cô. Dường như thời gian đầu quay phim, ngày nào nước mắt Phong cũng rơi.

Cảm giác buồn tủi ấy Phong đã trải qua rất nhiều. Hơn chục năm, từ năm lớp 4 khi biết mình là đứa con gái trong thân hình một đứa con trai cho đến thời điểm trước khi phẫu thuật chuyển giới, đêm nào cô cũng khóc. Khi ấy, trong tâm tưởng của Phong, cô nghĩ, mình chính là một nàng Chúc Anh Đài hóa thân thành con trai để đi học. Và cô luôn sống trong mơ ước có ông bụt xuất hiện biến cô thành một nữ nhi. Phong thi đỗ trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Đây là bước ngoặt lớn của Phong khi cô được tiếp xúc với nhiều người giống mình và hiểu hơn thế nào là chuyển giới. Từ đó, cô luôn mong ước được phẫu thuật chuyển giới thành con gái, được sống với con người thật, yêu và được yêu như bao người khác.

Đạo diễn Phương Thảo có cam kết với Phong rằng Phong có quyền dừng quay phim bất cứ lúc nào và phim hoàn thành, Phong là người được xem. Tất nhiên, Phong cũng có quyền cho phép phim về mình có được chiếu rộng rãi hay không. Phim có đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố, những nước mắt và nụ cười, những đau đớn và hạnh phúc. Đó là một Phong hồn nhiên, vô tư, thẳng thắn nhưng cũng đầy sự chân thành và sâu sắc, dám nghĩ, dám làm. Phong không ngại chia sẻ với bạn bè về những mong ước thầm kín của bản thân, cách người con gái làm cho người đàn ông của mình được hạnh phúc,…

Mỗi ngày, nhìn thấy cơ thể mình dần có những biểu hiện của phái nữ, Phong lại cười, nụ cười viên mãn như thể cô đã gói ghém hết những muộn phiền ở sau lưng. Cô cũng không ngại phô diễn những “đường cong” của cơ thể trước gương, hay trước mẹ với một niềm háo hức như đứa con gái đang yêu dù chúng vẫn còn thô, chưa ra dáng.

Đạo diễn Phương Thảo tiết lộ, khó khăn nhất trong quá trình làm phim là thời điểm kết nối với gia đình Phong. Bởi phẫu thuật chuyển giới mang lại nhiều đau đớn, tỉ lệ 50-50, sống hoặc chết, kể cả khi đã thành công thì tuổi thọ người chuyển giới dễ bị giảm đi một nửa.

Thời gian đó, gia đình Phong nói nhiều đến cái chết. Vậy nên theo Phương Thảo, việc có một đạo diễn đến đề nghị làm phim về con em họ là một điều hết sức “vô duyên”. Trước đó, bố của Phong còn cản: “Mày cứ sống như thế đi rồi khi lấy vợ, sinh được một đứa con là mọi thứ lại trở về bình thường thôi”. Còn mẹ Phong chỉ biết than trời rằng kiếp trước mình ăn ở gây nghiệp chướng gì mà con mình “không được bình thường” như thế. Nhưng rồi, “mưa dầm thấm lâu”, khi biết không thể ngăn cản ước mơ của con, gia đình Phong chuyển từ phản đối sang ủng hộ. Họ dần thấu hiểu rằng con mình chỉ thật sự hạnh phúc khi được sống đúng bản chất giới tính thật. Và họ đã yêu thương, càng yêu thương Phong tròn đầy hơn ở giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.

Bố mẹ Phong dù là những người ở độ tuổi 80, 90 nhưng vẫn đưa ra những lời khuyên rất chân thực, ý nghĩa, với tư tưởng hiện đại. “Con trai hay con gái gì cũng được, miễn là sống tốt và cống hiến cho đất nước, cho xã hội là được”, bố Phong bảo. Còn mẹ Phong, dù trong lòng nghẹn ngào, “buồn thấu ruột” khi “mất” đi đứa con trai yêu thương ngày nào nhưng cũng không quên dạy con gái: “Giờ đã làm con gái thì cứ hồn nhiên mà sống, sống theo tự nhiên, đừng có lố, đừng có gặp ai cũng hỏi: “Con đẹp không? Em đẹp không?, hay là lấy tay xốc xốc khoe bộ ngực thiếu nữ mới có”. Nhiều khán giả khi xem đoạn này đã cười phá lên vì sự chỉ bảo chí lý, chí tình, đầy duyên dáng của mẹ Phong bởi nó quá đời, quá thật. Còn anh chị Phong cũng đồng hành cùng em mình trong chuyến sang Thái Lan phẫu thuật...

Phong bảo nước mắt mình chảy đã thành cả một đại dương. Nhưng giờ đây, hạnh phúc đối với cô cũng lớn chẳng kém gì biển cả. Bởi Phong không chỉ tìm được bản dạng giới đích thực của mình mà còn tìm được tình yêu thương, sự sẻ chia, thấu hiểu, trân trọng của gia đình và những người xung quanh. Đạo diễn Phương Thảo từ lâu đã không còn coi Phong là nhân vật trong tác phẩm của mình mà coi Phong như một cô em gái ruột thịt. Cũng bởi tình yêu này mà Phương Thảo dù đã quay sắp xong phim vẫn khuyên Phong trước ngày sang Thái Lan phẫu thuật: “Hay là em cứ như thế này, chỉ tiêm hooc-mon thôi, từng phẫu thuật chuyển giới”. Bởi Phương Thảo cũng sợ điều không hay sẽ đến với Phong.

Khi ấy, Phong nói: “Chị không phải người chuyển giới, chị không hiểu đâu”. Câu nói như cứa vào lòng Phương Thảo, khiến chị “tỉnh” ra và càng hiểu rằng, đối với Phong, khao khát được làm con gái lớn hơn tất thảy mọi lo lắng hiểm nguy, kể cả cái chết. Một người chỉ có thể hạnh phúc khi được sống là chính mình và càng hạnh phúc hơn khi được gia đình và những người xung quanh dang rộng vòng tay yêu thương.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phim-tai-lieu-di-tim-phong-chuyen-di-tim-ban-nga-cho-nguoi-chuyen-gioi-127686.html