Phim trường cho du lịch

Sau 2 năm tồn tại, phim trường 'Kong: Skull Island' (Đảo đầu lâu) tại danh thắng Tràng An - Ninh Bình được tháo dỡ. Ngoài sự ảnh hưởng tinh thần cốt lõi của di sản văn hóa thế giới, thì một sản phẩm du lịch đã hạ nhiệt cũng cần thay thế là điều thỏa đáng. Trong tương lai, Việt Nam phải làm gì để có những phim trường thu hút khách tham quan như 'Đảo đầu lâu'?

Bộ phim “Đảo đầu lâu” với kinh phí 185 triệu USD của đạo diễn Jordan Vogt-Robert chọn bối cảnh chính tại Việt Nam là một sự kiện thu hút dư luận quốc tế. Rất nhiều cảnh quay của “Đảo đầu lâu” được thực hiện tại Tràng An - Ninh Bình, nên một phim trường được tái dựng nhằm có thêm sản phẩm du lịch. Phim trường “Đảo đầu lâu” cũng từng tạo thành một cơn sốt cho du khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng sức hấp dẫn không lâu bền. Những dịch vụ tại phim trường “Đảo đầu lâu” khiến Tổ chức văn hóa giáo dục Liên hiệp quốc - UNESCO e ngại về xu hướng “giải trí hóa di sản”. Lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Ninh Bình chia sẻ: "Phim trường giống tới 99% phim trường cũ, tất cả đều bằng tre nứa chứ không có gì ảnh hưởng tới di sản hay ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan. Tuy nhiên, nếu để lâu dài thì UNESCO lo lắng có thể khiến du khách hiểu lầm những thổ dân đó là người ở Tràng An và những giá trị văn hóa đó là giá trị văn hóa của Tràng An!".

Trước mắt, tỉnh Ninh Bình lên kế hoạch dở bỏ phim trường “Đảo đầu lâu” để dùng vị trí ấy phục dựng một làng Việt cổ - một dạng bảo tàng ngoài trời dựng lại mô hình người tiền sử và quá trình tiến hóa, thích ứng của con người tại quần thể danh thắng Tràng An nói riêng và tại khu vực Đông Nam Á nói chung. Đó là câu chuyện của di sản, còn câu chuyện phim trường gắn với du lịch vẫn phải suy ngẫm thêm. Suốt 2 năm tồn tại của phim trường “Đảo đầu lâu” đã chứng minh rằng, người Việt vẫn chưa biết cách phối hợp điện ảnh và du lịch. Bằng chứng rõ nhất là chúng ta không tranh thủ thỏa thuận xây dựng phim trường “Đảo đầu lâu” ngay từ đầu, vừa làm dịch vụ cho đoàn làm phim vừa tạo tiền đề cho sản phẩm du lịch. Chúng ta chờ đoàn làm phim rút đi, mới mô phỏng lại của họ, vừa tốn kém kinh phí vừa không đủ chính danh.

Bằng thiện chí trông giỏ bỏ thóc, thì chúng ta đành tự thú, với tiềm lực hiện nay của nghệ thuật thứ bảy Việt Nam chưa thể nào đầu tư một phim trường để vừa có sản phẩm điện ảnh vừa có sản phẩm du lịch. Phim trường Cổ Loa tại Hà Nội hoặc phim trường cổ trang Yên Tử đang xây dựng ở Quảng Ninh, vẫn là ẩn số của nàng công chúa ngủ trong rừng mà chưa thấy mặt hoàng tử đến đánh thức khỏi cơn mê nhiều mộng dữ ít mộng lành. Về mặt điều kiện thực tế, chúng ta có hai địa chỉ tồn tại như hai phim trường vĩ đại là phố cổ Hội An và cố đô Huế. Thế nhưng, đem bộ phim nào vào đây để quay và lưu lại dấu vết lôi cuốn du khách, vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

LTN

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phim-truong-cho-du-lich-112265.html