Phim truyền hình nối dài: Dễ làm, không dễ thành công

Bộ phim truyền hình 'Yêu thì ghét thôi' - phần 2 của 'Ghét thì yêu thôi' - đã chính thức lên sóng vào cuối tháng 8 sau khi phần 1 kết thúc vào cuối năm 2017, góp phần kéo dài danh sách những bộ phim truyền hình được làm tiếp sau khi phần 1 ra mắt.

Cùng với "Ma làng", "Những ngọn nến trong đêm", "Tuổi thanh xuân", "Zippo, mù tạt và em", "Cả một đời ân oán"... sự ra mắt của "Yêu thì ghét thôi" đã cho thấy xu hướng làm phim nối dài đang khá phổ biến hiện nay. Mặc dù trào lưu này vẫn đang nhận được những phản ứng tích cực từ khán giả nhưng không phải không ẩn chứa những lo ngại...

Những khán giả yêu mến phim truyền hình Việt phát sóng giờ vàng hẳn chưa quên bộ phim "Ghét thì yêu thôi" (28 tập) vừa kết thúc vào cuối năm 2017. Với nội dung phim nhẹ nhàng, màu sắc hài hước bao trùm, bộ phim mang lại cảm giác thú vị, dễ chịu cho khán giả. Nghe nói, ngay khi phần 1 phát sóng, trước hiệu ứng tích cực của khán giả, những nhà sản xuất đã manh nha ý tưởng thực hiện phần 2. Và ê kíp làm phim đã bắt tay ngay vào thực hiện khi phần 1 kết thúc.

Ngoài câu chuyện phim nhẹ nhàng, hài hước, ngoài những gương mặt diễn viên trẻ được khán giả yêu thích như Đình Tú, Phanh Lee... thì sự góp mặt của hai nghệ sĩ hài NSƯT Chí Trung và nghệ sĩ Vân Dung với lối diễn tự nhiên, duyên dáng thực sự là điểm cộng cho phim. Ở phần 2, phim sẽ tập trung vào những mâu thuẫn, rắc rối trong cuộc hôn nhân của các nhân vật trong phần 1.

Mặc dù vượt qua nhiều khó khăn mới nên duyên vợ chồng nhưng họ sẽ phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn, cãi vã và những biến cố mới. Phía nhà sản xuất cho biết, với những câu chuyện giản dị đời thường mà bất cứ gia đình nào cũng có thể gặp phải, bộ phim hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự yêu mến của khán giả.

Ngay trước khi bộ phim "Yêu thì ghét thôi" phát sóng thì phần 2 của bộ phim "Cả một đời ân oán" cũng vừa kết thúc. Như nhiều bộ phim được làm nối dài, "Cả một đời ân oán" phần 1 có được lượng khán giả khá đông đảo. Với những lợi thế sẵn có như chuyển thể từ kịch bản phim nổi tiếng nước ngoài, ê kíp diễn viên chuyên nghiệp... bộ phim đã tạo được một làn sóng quan tâm trong dư luận. Và không bỏ lỡ cơ hội quý báu ấy, những nhà làm phim đã ngay lập tức bắt tay vào thực hiện phần 2.

Phim “Yêu thì ghét thôi” hy vọng vẫn thu hút dược khán giả như phần 1.

Mặc dù vẫn là một bộ phim truyền hình đáng được nhắc tới trong thời gian vừa qua nhưng phần 2 của phim đã cho thấy dấu hiệu của sự giảm nhiệt. Ngoài kịch bản đôi chỗ còn kéo dài lê thê, xử lý tình huống chưa hợp lý thì một vài gương mặt diễn viên trẻ chưa có được diễn xuất như kỳ vọng.

Có lẽ chưa khi nào, xu hướng làm phần 2 cho những bộ phim truyền hình ăn khách lại rộn ràng như hiện nay. Từ những bộ phim được sản xuất cách đây cả chục năm như "Những ngọn nến trong đêm", "Hoa cỏ may"... đến những bộ phim vừa mới ra mắt khán giả khi có hiệu ứng tốt đều được các nhà sản xuất phim tận dụng để làm tiếp. Không khó để kể ra những bộ phim được nối dài như "Ma làng", "Những đứa con biệt động Sài Gòn", "Tuổi thanh xuân", "Ghét thì yêu thôi"...

Những bộ phim được sản xuất nối tiếp đều là những bộ phim được ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Thay vì phải đi tìm kịch bản mới, casting diễn viên thì chỉ cần triển khai câu chuyện mới từ những nhân vật cũ... Đó thực sự là công việc nhẹ nhàng mà có khả năng thành công lớn hơn rất nhiều.

Việc nối dài phim truyền hình là cách các nhà làm phim tận dụng tình cảm yêu mến của khán giả dành cho phần 1. Khi khán giả trót yêu phần 1, họ sẽ vô cùng tò mò không biết phần 2 sẽ diễn biến như thế nào. Từ những nhân vật sẵn có, diễn viên sẵn có, bối cảnh sẵn có, các nhà làm phim chỉ việc phát triển mạch truyện, vừa dễ dàng, tiện lợi mà khán giả cũng không thấy hụt hẫng.

Với những bộ phim mới phát sóng, gần như toàn bộ ê kíp diễn viên được giữ nguyên, nhưng với những bộ phim phát sóng đã lâu thì việc thay diễn viên ít hay nhiều là điều không thể tránh khỏi. Sau hơn 10 năm, bộ phim "Những ngọn nến trong đêm" vẫn giữ được 2 diễn viên chính nhưng "Hoa cỏ may" lại là sự xuất hiện của hầu hết những gương mặt mới. Sự thay đổi về thời gian và diễn viên khiến cảm xúc khó quay lại với khán giả. Ngoài chuyện nhân vật cùng tên thì họ có cảm giác xem một bộ phim mới hơn là phần 2 của phim. Chính vì thế, sự kém hấp dẫn của "Hoa cỏ may" cũng một phần có từ nguyên nhân này.

Chuyện làm phim nhiều phần không là điều lạ với phim truyền hình thế giới. Ở nền điện ảnh phát triển như Mỹ thì phim có nhiều phần được gọi là season. Phim nhiều phần là phim có số lượng người xem cao. Phim có lượng rating cao sẽ được làm tiếp, nếu rating thấp thì sẽ dừng lại. Chính vì vậy, việc nối dài phim truyền hình ở Việt Nam cũng là một trong những cách tiếp cận với xu hướng làm phim hiện đại. Thuận lợi đã thấy rõ những áp lực không phải không có.

Sự kỳ vọng của khán giả ở phần 1 sẽ là những khó khăn đè nặng lên những người làm phim ở phần 2. Và không phải ê kíp làm phim nào cũng vượt qua được áp lực này. "Tuổi thanh xuân" là một bộ phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, được quảng cáo rầm rộ với êkíp diễn viên nổi tiếng của cả 2 nước tham gia. Phần 1 của phim đã chiếm được sự yêu mến đặc biệt của khán giả trẻ bởi nội dung phim hấp dẫn, diễn viên trẻ đẹp, đặc biệt là những cảnh quay ấn tượng.

Tuy nhiên, phần 2 của phim lại không nhận được sự yêu mến như kỳ vọng. Kịch bản phim dài dòng, kém logic, nhân vật không rõ tính cách, tình huống phim không hấp dẫn thậm chí còn khiến khán giả thất vọng về nhân vật mà họ đã trót yêu thương ở phần 1. Tương tự như vậy, ở phim "Zippo, mù tạt và em" việc thay diễn viên nữ chính từ Nhã Phương ở phần 1 sang Lã Thanh Huyền ở phần 2 đã khiến cho khán giả có cảm giác như đó là 2 người khác nhau vì cách diễn không ăn khớp. Dù được đánh giá là vẫn khá chắc tay khi viết thêm phần 2 cho "Cả một đời ân oán" nhưng cách nhập vai chưa thật sự nhuần nhuyễn của Hạ Anh (vai Ngân) đã khiến khán giả không khỏi hụt hẫng.

Việc sản xuất phim nối dài không chỉ là cách tiếp cận xu hướng làm phim hiện đại mà là một trong những giải pháp tình thế trong điều kiện kịch bản phim truyền hình hay đang khan hiếm. Nối dài để "ăn theo" phần 1 là cách các nhà làm phim giảm bớt cơn khát kịch bản diễn ra nhiều năm qua. Các đạo diễn phim truyền hình đều thừa nhận, trước nhu cầu phát sóng phim lớn như hiện nay thì nguồn kịch bản hay không đủ đáp ứng.

Đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ, đơn vị sản xuất phim thường xuyên nhận được khá nhiều kịch bản của những người viết chuyên và không chuyên, tuy nhiên, số lượng kịch bản có thể đưa vào làm phim không nhiều. Với một số kịch bản, để có thể chuyển từ kịch bản giấy lên màn ảnh, các đạo diễn phải chỉnh sửa mất khá nhiều công sức. Vì vậy, việc nối dài phim ăn khách chính là cách hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng đó.

Thực tế cho thấy, việc nối dài phim cũng chỉ phát huy hiệu quả ở phần 2. Với năng lực biên kịch hiện nay, hầu như chưa có bộ phim nào làm tới phần 3 mà vẫn thu hút được đông đảo khán giả. Sự thờ ơ của khán giả với phần 3 của "Hoa cỏ may" đã cho thấy nếu không có đội ngũ biên kịch chắc tay mang đến nội dung hấp dẫn, dàn diễn viên diễn xuất tự nhiên, chân thực thì sẽ không thể kéo được khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ.

Nhìn vào tình trạng rộn ràng làm phim nối dài có thể thấy chúng ta vẫn có phim phát sóng, các nhà làm phim khá thuận lợi trong quá trình làm phim, nhưng rõ ràng đó không thể là một cách làm bền vững mang lại hiệu quả lâu dài. Cách làm này còn chứa đựng không ít băn khoăn.

Ở một khía cạnh nào đó, phim nối dài hạn chế khả năng sáng tạo của nhiều thành phần trong ê kip làm phim, không thể giải quyết được tận gốc tình trạng ăn đong kịch bản. Nhìn sang các "cường quốc phim truyền hình" như Hàn Quốc, chúng ta dễ dàng nhận thấy số lượng phim nối dài chiếm số lượng vô cùng ít trong vô số những bộ phim được sản xuất hiện nay.

Như vậy, chỉ có cách xây dựng đội ngũ biên kịch giỏi nghề, chuyên nghiệp mới là cách làm bền vững đưa phim truyền hình Việt lên tầm cao mới chứ không phải là tìm cách nối dài những phim đã phát sóng.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/phim-truyen-hinh-noi-dai-de-lam-khong-de-thanh-cong-509310/