Phim truyền hình xoáy sâu bi kịch gia đình: Nên hay không?

Những bộ phim trên sóng truyền hình về đề tài cuộc sống gia đình, xoáy sâu, phóng đại những mâu thuẫn của cuộc sống thu hút được sự quan tâm của khán giả. Nhưng không ít ý kiến cho rằng, những phim này mang đến cảm giác tiêu cực về các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Sự thành công từ những bộ phim truyền hình như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Gạo nếp gạo tẻ, Quỳnh búp bê và gần đây nhất là Phận làm dâu nói về đề tài gia đình, xã hội, xoáy sâu vào mâu thuẫn giữa vợ - chồng, mẹ chồng - nàng dâu, con cái - cha mẹ… tạo nên cơn sốt trong khán giả, giúp “hâm nóng” thị trường phim truyền hình Việt vốn yên ắng trong nhiều năm qua.

Nói về sự thành công của bộ phim, biên kịch - diễn viên Hạnh Thúy cho rằng, những câu chuyện về gia đình luôn là đề tài lớn dành cho người sáng tác khai thác. Có thể tình huống hay nội dung giống nhau, nhưng thông qua từng cách kể thì mỗi câu chuyện sẽ có sự thu hút riêng mà người xem nhận thấy, thấp thoáng bóng dáng của gia đình họ, hay những điều xảy ra quanh mình, dần làm nên sự hấp dẫn cho phim.

Về hướng khai thác bi kịch gia đình đang được xem như là một trào lưu làm phim hiện nay, đạo diễn Bảo Nhân chia sẻ: “Phim ảnh thường phản ánh một phần cuộc sống dưới góc nhìn, góc khai thác của nhà sản xuất, đạo diễn... Truyền hình hiện nay chịu khó khai thác nhiều đề tài mang tính thời đại, có sự đầu tư và cập nhật hơn những văn hóa sống đương đại.

Một trong những chủ đề đại chúng chạm được vào tất cả khán giả đó là các câu chuyện phản ánh, hiện thực cuộc sống gia đình ngày nay. Khán giả dễ bắt gặp được những trăn trở hoặc cảm thấy quen thuộc như câu chuyện của chính mình, của bạn bè hay hàng xóm… Đó là lý do mà những bộ phim về gia đình, mối quan hệ gia đình thường được quan tâm và bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn”.

Tuy nhiên, việc quá chú tâm và đẩy mạnh việc khai thác những góc khuất của gia đình một cách quá đà lại khiến khán giả có suy nghĩ tiêu cực về chính xã hội mà mình đang sống.

Nhiều ý kiến khán giả cho rằng nhà sản xuất đang cố tình đẩy các tình tiết trong phim trở nên phi thực tế để thu hút người xem khiến không ít người đánh đồng phim ảnh và đời thực. Khán giả ĐL chia sẻ: “Công nhận Gạo nếp gạo tẻ có dàn diễn viên đẹp sáng, nhưng khi coi kịch bản gốc xong thấy bản Việt Nam “làm quá”. Xây dựng tính cách nhân vật quá đáng không có thực. Thích coi bản Hàn hơn vì tính cách nhân vật vừa phải coi vui không mang bệnh tức”.

Cảnh con dâu bị mẹ chồng hành hạ gây bức xúc trong bộ phim Phận làm dâu

“Nhưng hiện nay, xu hướng đẩy mạnh bi kịch cá nhân, gia đình, xã hội làm yếu tố thu hút, điểm nhấn có vẻ đang phát triển mạnh mẽ và được khán giả đón nhận một cách nhất định. Bản thân tôi không phản đối cách khai thác đề tài này, nhưng thật sự, nếu khán giả chỉ xem một hay vài bộ phim còn được, chứ nếu đây là một xu hướng khiến nhà nhà, người người đều chú trọng khai thác thì tôi thấy không ổn”, biên kịch - diễn viên Hạnh Thúy chia sẻ quan điểm của mình.

Hạnh Thúy còn nêu ra lí do khiến cô không ủng hộ với xu hướng của phim truyền hình hiện nay, đó là cách khai thác này dần bị quen thuộc, đi vào lối mòn và một công thức chung khiến bộ phim mất dần độ thu hút. Đôi khi, điều đó lại đẩy tác giả vào việc thậm xưng các chi tiết, tình huống, dẫn đến việc tác phẩm bị khai thác quá sâu những bi kịch của gia đình, khiến khán giả có cảm giác tiêu cực về một xã hội mà phim ảnh đã vô tình tạo nên.

Và do một bộ phim muốn thu hút người xem phải đẩy mạnh kịch tính, mâu thuẫn, sự va đập giữa các nhân vật với nhau nên vô hình chung làm những nền nếp, luân thường đạo lí bị chà mòn, méo mó hoặc không được chú trọng, rất có thể dẫn đến việc một bộ phận khán giả hình dung những thứ phát sinh từ mâu thuẫn trong phim thành “chuyện thường ngày”.

“Khá nhiều bộ phim xây dựng hình ảnh gia đình Việt Nam khá tệ đó là con cái thì hỗn hào, cha mẹ thì toan tính, các thành viên trong gia đình chà đạp, triệt tiêu lẫn nhau rất lạnh lùng chỉ để tạo kịch tính cho từng thước phim.

Nhưng với tôi, trong tư cách là người làm nghề hay khán giả cũng rất lo ngại về cách "sáng tạo” trong các bộ phim như thế này, vì phim ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung phản ánh bộ mặt xã hội, văn hóa của một đất nước thì chuyện đua nhau khai thác những bi kịch gia đình khi được một số người bóp méo, tô vẽ thêm để tăng sự thu hút thì bộ mặt xã hội thông qua phim ảnh truyền hình như vậy sẽ nhem nhuốc đến đâu?”, nữ biên kịch nhấn mạnh.

Nam đạo diễn Bảo Nhân có góc nhìn khác: “Có nhiều cách nhìn nhận vấn đề khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật. Những bộ phim gây được làn sóng tranh luận vì chạm vào được sự quan tâm hay bức xúc có thật của khán giả. Điều đó đáng hoan nghênh và coi đó là một thành công của tác phẩm.

Còn về việc bộ phim có tác động hay khiến cách nhìn về cuộc sống gia đình méo thì tôi e rằng đó là quan niệm khá thiển cận. Khán giả xem truyền hình bây giờ đều văn minh hơn rất nhiều. Họ đủ trình độ và tỉnh táo để biết rằng phim ảnh và hiện thực là khác nhau”.

Anh cho rằng khán giả khi xem phim thấy bức xúc thì tranh luận, phản biện đó là quyền của họ. Nhưng không có nghĩa là họ sẽ bị lệch lạc hay thay đổi khi xem phim. “Nếu suy nghĩ như vậy thì nền phim ảnh chỉ nên làm những chương trình ‘Sống hay sống đẹp’ chứ đã là phim ảnh thì phải có drama, phải có tốt có xấu”, nam đạo diễn phản biện.

MAI TRANG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/phim-truyen-hinh-xoay-sau-bi-kich-gia-dinh-nen-hay-khong-10380.html