Phim tương tác đầu tiên trên thế giới: Giúp nhìn lại vấn đề bạo lực ngoài đời

'Late shift' là bộ phim tương tác toàn diện đầu tiên trên thế giới, cho phép người xem tự quyết định diễn biến câu chuyện, số phận các nhân vật. Bước đột phá này góp phần nâng cao nhận thức của khán giả về ảnh hưởng của bạo lực, sự ích kỷ, lòng vị tha… trong đời thực.

Bộ phim tương tác của Thụy Sĩ và Anh do công ty CtrlMovie phát triển, sử dụng công nghệ CtrlMovie (nghĩa là “phim được điều khiển”), có độ dài thực tế chỉ 70-90 phút tùy thuộc sự lựa chọn của khán giả. Nhưng nếu tính tổng các phương án lựa chọn của khán giả, phim dài gần 4 tiếng rưỡi (264 phút).

Một cảnh trong “Late shift” (phiên bản tiếng Anh) hiển thị 2 ô chữ “Giữ bình xịt hơi cay” và “Buông tay” để người xem chọn lựa. Ảnh: Sony

Số đông thích kịch tính

Trong “Late Shift” có khoảng 90 tình huống mà mỗi tình huống sẽ xuất hiện 2 hoặc 3 sự lựa chọn để khán giả tự quyết định. Ví dụ, khi nam chính Matt (diễn viên Anh Joe Sowerbutts thủ vai) đứng cạnh nữ chính Ling (diễn viên Nhật Bản Haruka Abe đóng), màn ảnh rộng trong rạp chiếu sẽ xuất hiện 2 ô chữ “Hôn cô ấy” và “Bỏ đi”, màn hình điện thoại của người xem (trước đó cài app vào smartphone) cũng sáng lên để họ lựa chọn. Hoặc khi nam chính đi vào trụ sở công ty đấu giá, màn hình hiển thị 3 lựa chọn “Nói chuyện với lễ tân”, “Lẻn vào thang máy”, “Đi thang bộ”.

Các quyết định của khán giả (tính theo đa số) sẽ dẫn tới những hành động khác nhau của nhân vật và cuối cùng là số phận của họ. Phim có tổng cộng 7 kết cục, trong đó chỉ có 1 kết thúc có hậu. Hầu hết người xem (ít ra là ở Việt Nam theo trải nghiệm và khảo sát của phóng viên Tiền Phong) đều phải chứng kiến kết thúc buồn (nhân vật chính bị giết).

Một cảnh trong “LateShift” mà nếu người xem có những chọn lựa không mang tính vị kỷ thì sẽ được chứng kiến phim kết thúc có hậu (nếu không, nữ chính xinh đẹp này sẽ chết rất thê thảm). Ảnh: Steam

Tuy mỗi người xem được tự mình chọn diễn biến câu chuyện, nhưng mọi chuyện xảy ra theo quyết định của số đông. Mà số đông thường có xu hướng thích những lựa chọn mang tính kịch tính, không mang tính đơn giản, phổ thông. Phim có nội dung trộm cướp, rượt đuổi hồi hộp nhưng khán giả nhiều lúc bật cười, vì chính lựa chọn của họ. Ví dụ, phần lớn sẽ nhấn nút chọn “Hôn nhau”, “Ép ông ta”, “Đánh hắn”… Không ra quyết định cũng vẫn là một hành động dẫn tới kết quả hoặc hậu quả. Khán giả nào không đưa ra sự lựa chọn thì sẽ phải chấp nhận nội dung phim diễn biến theo quyết định của những người khác.

“Late shift” bản chất là một trò chơi điện tử (trên thị trường có nhiều phiên bản, kể cả tiếng Việt, để tải xuống máy tính, thiết bị chơi game, nhưng nhiều phiên bản có dấu hiệu vi phạm bản quyền). Vì thế, người xem được đảo ngược lựa chọn của mình một lần, khi thấy phim có kết thúc không như ý (kiểu như thêm một mạng cho nhân vật sống lại, nhưng không phải để làm lại từ đầu mà từ một tình huống quan trọng).

Quyết định nhân văn sẽ thấy kết thúc có hậu

Nếu quá nửa khán giả trong rạp đưa ra các lựa chọn mang tính nhân văn, nhân bản thì phim sẽ kết thúc có hậu (kẻ ác phải trả giá, còn người vô tình phạm tội hoặc phạm tội cấp độ nhẹ sẽ không thiệt mạng). Phim kết thúc, màn hình điện thoại của khán giả còn hiện tổng kết các lựa chọn của mỗi người, theo 6 hạng mục, gồm “tình yêu”, “sự quan tâm”, “trí óc”, “bản ngã (cái tôi)”… Như vậy, xem phim tương tác cũng là một cách nhìn lại bản thân và có hướng điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Tổng kết sự lựa chọn của một khán giả Việt Nam sau khi xem xong phim “Late Shift” lúc rạng sáng 8/12 (Lưu ý: Phần Việt hóa của ứng dụng CtrlMovie chưa tốt) Ảnh: Thái An

Ông Michael Johnson, đồng biên kịch “Late Shift”, nói với báo Mỹ The Los Angeles Times rằng, ông bị dự án làm phim thu hút ở hai yếu tố: sự tương tác thực sự của người xem và tác động của yếu tố đạo đức. “Dù có bao nhiêu khả năng xảy ra trong diễn biến câu chuyện, liên quan các nhân vật và địa điểm khác nhau, kết quả của mỗi sự lựa chọn đều chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố đạo đức trong các quyết định của người xem”, ông Johnson nói. Nếu người xem (đóng vai trò nam chính Matt trong phim) đối xử tôn trọng với những người khác, họ sẽ có xu hướng đối xử tôn trọng với anh ấy và ngược lại. “Nhưng điều đó không có nghĩa là ‘Late Shift’ buộc người xem phải theo khía cạnh đạo đức trái với ý chí của họ. Hoàn toàn ngược lại. Khán giả được tự do tương tác theo bất kỳ cách nào họ thấy phù hợp, hợp đạo đức hay theo cách khác… Trong phim cũng giống như trong đời thực vậy”, ông Johnson nói.

Đạo diễn, đồng biên kịch Tobias Weber (Thụy Sĩ) nhận định: “Trong trường hợp tốt nhất, người xem biết thêm được điều gì đó về bản thân khi họ xem phim”. Ông Weber giải thích, video game cho phép người chơi làm điều gì đó mà họ không thể làm trong đời thực. Mặc dù việc thử bạo lực trong trò chơi không gây hại cho bất kỳ bên thứ ba nào có vẻ hợp pháp, nhưng vẫn có vấn đề với video game bạo lực. Trong trò chơi điện tử, không phải con người mất mạng, mà chỉ là những mục tiêu giống con người bị bắn hạ. Vì vậy, người chơi thường không nhận ra rằng, bạo lực là cách tiếp cận sai lầm để giải quyết vấn đề. Với phim tương tác thì khác, đó là những con người cụ thể bằng xương bằng thịt, họ sướng hay khổ, sống hay chết hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người khác - khán giả. Họ lựa sức mạnh của lời nói hay quyền cước, súng đạn; chọn tha thứ hay trả thù… “Cả bộ phim và các tác giả đều không nhằm đánh giá sự lựa chọn của khán giả. Định dạng tương tác cực kỳ phù hợp để khán giả đối mặt với hậu quả của những suy nghĩ và hành động của mình, để khuyến khích, truyền cảm hứng cho họ suy nghĩ về các lựa chọn. Đó chính là ý nghĩa của dự án phim”, đạo diễn Weber nói với FilmFreeway.

Sự khác biệt giữa game và phim

“Trong video game, bạn có toàn quyền quyết định, nhưng thông thường, bạn chỉ cần điều khiển nhân vật của mình xuống phố hoặc mở cửa. Trong phim, những khoảnh khắc chuyển tiếp như vậy thường bị cắt. Đó là một phần của ngôn ngữ điện ảnh. Điện ảnh thích tập trung vào câu chuyện, vào xung đột giữa các nhân vật, vào những quyết định khó khăn, nỗi thống khổ cá nhân, cảm xúc, tình yêu - những thứ quan trọng trong cuộc sống, những thứ định nghĩa chúng ta là con người. "Quyết định của bạn là con người bạn" là khẩu hiệu của bộ phim. Chúng tôi muốn cho phép người xem khám phá mối quan hệ giữa các lựa chọn của mình và kết quả hoặc hậu quả sau đó”, đạo diễn Tobias Weber nói.

Phim tương tác là sự kết hợp giữa phim truyện và trò chơi điện tử, cho phép người xem viết lại lịch sử điện ảnh theo đúng nghĩa đen bằng cách chọn các hành động của nhân vật chính trên màn ảnh, đồng nghĩa với việc quyết định số phận các nhân vật trong phim. “Late Shift” vừa được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế (LHP Phim New York, LHP Phim Raindance…) và đang được chiếu rạp ở Việt Nam với tựa đề “Phi vụ nửa đêm”.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phim-tuong-tac-dau-tien-tren-the-gioi-giup-nhin-lai-van-de-bao-luc-ngoai-doi-post1493493.tpo