Phim về ngoại tình, tranh cướp tài sản tràn lan màn ảnh Việt

Hiện nay, phim truyền hình chủ yếu đang khai thác tối đa về các vấn đề trong gia đình hiện đại. Tuy nhiên, quanh đi quẩn lại, phim vẫn là những vẫn đề không mới như ngoại tình, tranh cướp tài sản, ly hôn…

Trước kia, khán giả phải chờ đợi cả năm mới có một bộ phim truyền hình Việt Nam có chất lượng để theo dõi. Thế nhưng, mỗi bộ phim được ra mắt khán giả đều là những bộ phim chỉn chu, chân thực và sâu sắc. Mặc dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về điều kiện song những bộ phim ra mắt vẫn được khán giả đón nhận và khi kết thúc để lại nhiều dư âm cho đến tận bây giờ.

“Của để dành”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Mùa lá rụng”… là những bộ phim thu hút khán giả nhiều năm về trước bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính giáo dục và sự chân thật, gần gũi với khán giả. Có thể nói cho đến hiện nay, nhiều người vẫn chưa thể quên được nhân vật cô Trúc hiền lành, cam chịu do nữ diễn viên Mai Thu Huyền thủ vai hay hình ảnh ông Bằng giản dị, sống vì các con do NSND Chu Văn Thức đóng.

Bộ phim “Của để dành“.

Sau nhiều năm, phim Việt với đề tài về gia đình xuất hiện nhiều hơn trên sóng truyền hình. Trong đó, có cả những bộ phim mua lại bản quyền từ nước ngoài. Một điều dễ nhận thấy rằng những bộ phim Việt hiện nay dường như đang quanh quẩn trong những lối mòn quen thuộc như tham giàu phụ khó, ngoại tình, trọng nam khinh nữ, tranh giành tài sản…

Gần đây, những bộ phim như “Cả một đời ân oán”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Tình khúc Bạch Dương”… đã thu hút được sự quan tâm từ khán giả. Nội dung chính của những bộ phim này chủ yếu quanh quẩn khai thác về khía cạnh về mối quan hệ bất chính, tranh giành tài sản… khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.

Một phân cảnh trong phim “Tình khúc Bạch Dương“.

Bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” hấp dẫn khán giả bởi những cảnh quay đẹp mắt trên nước Nga. Nhưng đó chỉ là ban đầu, càng xem khán giả càng cảm thấy nhàm chán vì không có kịch tính. Mô tuýp nhân vật không có góc sắc. Cô Hoa của “Tình khúc Bạch Dương” hiền lành, nết na nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải sang Nga lao động. Ở xứ người, cô đã ngã vào vòng tay của người đàn ông khác. Rõ ràng, khán giả sẽ cảm thấy ngao ngán khi hình tượng người phụ nữ Việt Nam thiếu chung thủy rơi vào cuộc tình sai trái với một kẻ sặc mùi tiền.

Những trường đoạn dài có lấy nước mắt người xem như Hoa ngồi đan áo, nhớ về chồng con không át đi được sự sống sượng và thiếu nhân văn trong việc sắp đặt tình tiết bào chữa cho mối quan hệ này.

“Cả một đời ân oán” là bộ phim được dựa theo bộ phim “Cô dâu bạc triệu” của Trung Quốc. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên “hot” nhất miền Bắc và những cảnh quay đẹp mắt cùng biệt thự sang trọng, xe sang, cuộc sống thượng lưu… tưởng chừng như sẽ làm bộ phim hấp dẫn hơn.

Cuộc sống giàu có của các nhân vật trong bộ phim “Cả một đời ân oán“.

Cảnh quay đẹp là vậy nhưng những hình ảnh đó lại không phù hợp với xã hội nói chung. Còn chưa kể đến hình ảnh bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) là một bà mẹ chồng ghê gớm, cay nghiệt khiến những ai chưa lập gia đình cảm thấy lo sợ về một cuộc sống lấy chồng giàu sang.

Rõ ràng, các bộ phim Việt hiện nay đang quên đi những vấn đề cơ bản của gia đình và xã hội mà chỉ tập trung khai thác những vấn đề riêng tư và cá biệt khiến khản giả ngày càng cảm thấy nhàm chán với những mô tuýp phim quen thuộc.

H.M

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/phim-ve-ngoai-tinh-tranh-cuop-tai-san-tran-lan-man-anh-viet-623967.ldo