Phim về Võ Tắc Thiên: Thiện chiến là vậy, Đường Thái Tông Lý Thế Dân phải nhận kết đắng khi đối đầu với quốc gia này

Mang tham vọng mở rộng bờ cõi, Đường Thái Tông Lý Thế Dân bắt đầu chuẩn bị kế hoạch chinh phạt các quốc gia láng giềng.

Lên ngôi vào năm 626, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã thực hiện hàng loạt chính sách cải cách, giúp đất nước ngày càng phát triển hưng thịnh.

Mang tham vọng mở rộng bờ cõi, ông bắt đầu chuẩn bị kế hoạch chinh phạt các quốc gia láng giềng.

Tháng 4 năm 645, lấy cớ Tể tướng Yeon Gaesomun giết Vinh Lưu Vương rồi tự ý lập Bảo Tạng Vương làm vua xứ Cao Câu Ly, Lý Thế Dân liền đích thân thống lãnh 20 vạn nhuệ binh từ thành Lạc Dương xâm lược vùng đất này.

Dẫu sở hữu lực lượng hùng hậu, nhưng quân đội nhà Đường lại bị chặn đứng dưới chân pháo đài Ansi, chốt phòng thủ nằm trên đường tiến về kinh đô Bình Nhưỡng suốt 88 ngày trời.

Trong lịch sử chỉ có hai hoàng đế Trung Hoa từng đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc là Tùy Dạng Đế (nhà Tùy) và Lý Thế Dân. Tuy nhiên, dù thiện chiến đến đâu nhưng bọn họ đều phải chuốc lấy thất bại thảm hại.

Nhằm triệt phá Cao Ly, Lý Thế Dân không ngần ngại dẫn 20 vạn binh tinh nhuệ trang bị từ xe thang leo, trục phá cổng cho tới tháp công thành đồ sộ.

Lý Thế Dân tấn công Cao Ly bằng hải quân và lục quân; một đạo vượt biển vào gần vàm sông Áp Lục, một đạo vòng lên phía bắc theo đường bộ, đánh Liêu Dương.

Về phía mình, Yang Man Chun gặp rất nhiều khó khăn và thử thách khi chỉ có trong tay 5.000 quân lính, chống chọi lại với hơn 20.000 quân nhà Đường.

Với nhiệm vụ ngăn chặn không cho quân Đường vượt qua được thành Ansi và tiến tới kinh đô, Yang Man Chun đã rất lao tâm khổ tứ để tìm ra cách chống chọi với đội quân Đường hơn hẳn về mọi mặt, thêm vào đó sự chênh lệch về vũ khí và số lượng quân đã khiến nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Còn vị hoàng đế Trung Hoa, mong ước chiến thắng, ông đã huy động 50.000 nô lệ đắp một quả núi sừng sững dùng nó làm bàn đạp để kỵ binh lao xuống theo thế đổ dốc, quét sạch toàn bộ nghĩa sĩ Cao Câu Ly.

Thế nhưng, công trình đang đến hồi hoàn thiện, một phần gò bỗng nhiên bị sạt lở. Khối đất đá đè lên bờ tường và tạo nên chiếc cầu giúp Yang Man Chun kéo quân sang phản công khiến kị binh của Lý Thế Dân hoảng loạn.

Có tài liệu cho rằng, quá tức giận, thành chủ Ansi Yang Man Chun quyết định sử dụng cây cung huyền thoại của Jumong (vị vua sáng lập nên vương quốc Cao Câu Ly), nhắm bắn hắc thạch tiễn khiến Lý Thế Dân trọng thương ở mắt. Hoàng đế nhà Đường trúng tên, quân đội hoảng loạn như bầy chim vỡ tổ, trong lúc nguy khốn, Lý Thế Dân thu lệnh phát quân trong uất ức.

Sau khi về Lạc Dương, mặc dù chiếm được Liêu Dương và nhiều thành khác, bắt 70.000 người Cao Câu Ly làm nô lệ.

Tuy nhiên sau khi thấy cảnh họ khóc lóc thảm thiết vì cha con vợ chồng phải chia ly, nên Lý Thế Dân đã bỏ tiền ra chuộc họ và cho họ định cư ở Trung Quốc, kiếm việc làm ăn. Thái Tông sau đó đã cho nối lại quan hệ với Cao Câu Ly.

Cuốn Nhiệt hà nhật ký cũng đề cập tới chi tiết này. Nhưng bộ sử ký uy tín bên phía Trung Quốc thời ấy đều không hề nhắc đến.

Thái Tông sau khi chứng kiến thành trì kiên cố và quân Cao Câu Ly dũng cảm liều chết, đã than rằng: "Ngụy Trưng mà còn sống thì hẳn đã cản trẫm thân chinh lần này".

Khi về nước, nhà vua sai người dựng lại bia mộ cho Ngụy Trưng, lại cho người chu cấp cho vợ con Ngụy Trưng.

Ôm mối hận, trước khi qua đời, Lý Thế Dân để lại di thư quyết phải thu phục được Cao Ly. Nối nghiệp vua cha, Đường Cao Tông Lý Trị tiếp tục hoàn thành giấc mộng hùng bá.

(còn nữa)

Phim về Võ Tắc Thiên: Chuyện ít biết về đại trung thần liêm chính Ngụy Trưng được Đường Thái Tông Lý Thế Dân sủng ái trân trọng nhất trong thiên hạ

Minh Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phim-ve-vo-tac-thien-thien-chien-la-vay-duong-thai-tong-ly-the-dan-phai-nhan-ket-dang-khi-doi-dau-voi-quoc-gia-nay-a433001.html