Phim Việt ra biển lớn

Quan sát sự chuyển động của điện ảnh thời gian gần đây có thể nhận ra khát khao vươn ra biển lớn của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất. Họ đã nỗ lực hết mình để làm một bộ phim tử tế, với ý thức tôn vinh những giá trị nhân văn, tôn vinh những nét văn hóa truyền thống, tôn vinh và quảng bá những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp…

Chuẩn bị cho một cảnh quay bộ phim “Cha cõng con”.

“Chạm” vào Oscar?

Thông tin bộ phim “Cô ba Sài Gòn” được lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh giải Oscar 2018 lan đi trong tuần qua khiến nhiều người trân quý điện ảnh Việt cảm thấy có chút tự hào.

Theo đó, bộ phim “Cô ba Sài Gòn” (Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn đạo diễn, Ngô Thanh Vân sản xuất) - từng gặt hái nhiều thành công trong nước như giải Cánh diều vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất và giải thưởng của ban giám khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 20- đã được Cục Điện ảnh chính thức lựa chọn trở thành đại diện duy nhất để tham gia tranh cử tại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar lần thứ 91 của Viện Hàn lâm Khoa học Điện ảnh ở Mỹ (Academy of Motion Picture Arts and Sciences – AMPAS).

Lâu nay, khi nhắc đến giải Oscar người ta luôn nghĩ đó là một sân chơi của “người khác”. Vì thế, việc mấy năm gần đây xuất hiện một vài bộ phim Việt dự hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” là một tín hiệu vui cho thấy giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar đã trở nên gần hơn với những người làm nghề điện ảnh ở Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta không quá ảo tưởng về mình. Vì thật sự, những người làm nghề chân chính thì luôn biết mình đang đứng ở đâu.

Cũng xin nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên phim Việt xuất hiện ở Oscar. Bởi theo thông lệ, mỗi năm, Cục Điện ảnh đều lựa chọn những tác phẩm nổi bật trong năm để tham gia tranh cử. Tuy nhiên, kể từ tác phẩm “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng là phim Việt đầu tiên lọt vào vòng đề cử cuối cùng tại Oscar lần thứ 66, khán giả Việt vẫn chưa có được tin vui nào trọn vẹn. Những năm gần đây các phim Việt dự Oscar như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Trúng số”, “Cha cõng con”... nhưng đều không thể vượt qua vòng loại.

Những bước dịch chuyển

Bên cạnh đó, người ta cũng thấy nhiều bộ phim Việt bằng cách này hay cách đã xuất hiện ở một số liên hoan phim. Đơn cử như phim “Song Lang”, dù doanh thu tại thị trường trong nước không như mong đợi nhưng ekip thực hiện cũng vừa đón nhận tin vui khi bộ phim được đề cử hạng mục “Asian Future” tại LHP lớn nhất châu Á – Tokyo International Film Fesstival lần thứ 31, diễn ra từ ngày 25/10 đến 3/11. Đây là tin vui cho những ai dành trọn tình yêu mến của mình cho một sản phẩm đặc biệt như “Song Lang”.

Không những thế, bộ phim còn được lựa chọn giới thiệu trong suất chiếu mở màn trước đông đảo bạn bè quốc tế. Với tác phẩm điện ảnh mang đậm âm hưởng nghệ thuật dân tộc, sự chỉn chu và kỹ lưỡng của ekip thực hiện, được giới phê bình đánh giá cao bộ phim hoàn toàn có thể làm nên chuyện tại LHP năm nay.

Trong tháng 10 tới, “Cô ba Sài Gòn” sẽ được công chiếu cho khán giả tại California, Mỹ.

Ngược dòng thời gian, phim Việt từng có những tác phẩm ghi dấu ấn như “Bi ơi, đừng sợ” với một loạt giải thưởng: đạo diễn xuất sắc, quay phim xuất sắc, kịch bản xuất sắc tại các LHP quốc tế: Pusan, Cannes, Vancouver, Stockholm...

Năm 2014, “Đập cánh giữa không trung” lọt top 7 phim được đề cử cho giải Luigi De Laurentis, phim hay nhất từ Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice đầu tháng 9/2014 và sau đó bộ phim này cũng chu du đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Gần đây, “Cha cõng con” và “Đảo của dân ngụ cư” đoạt một loạt giải thưởng ở các sân chơi điện ảnh quốc tế. Điều đó cho thấy phim Việt đang dần có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Hội nhập từ “sân nhà”

Theo các chuyên gia, để xây dựng nên thương hiệu điện ảnh của một quốc gia thì nền điện ảnh đó phải đạt được hai yêu cầu lớn: một là phim phải đoạt giải thưởng quốc tế uy tín; hai là phải bán được ra nước ngoài. Xét ở khía cạnh phim bán được ra nước ngoài, đây vẫn là mong mỏi, là khát khao của những nhà làm phim trong nước.

Trong năm 2017, bộ phim “Em chưa 18” đã tạo nên “cơn sốt” phòng vé, là một trong những tác phẩm ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. Một số nhà sản xuất Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ... đã mua bản quyền để remake (phim làm lại). Đây có thể xem là phim Việt đầu tiên được nước ngoài mua kịch bản trong trào lưu remake đang phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, việc phim Việt “bơi” ra biển lớn gặp không ít khó khăn. Theo đạo diễn Lương Đình Dũng- người gần đây có nhiều dịp mang phim “Cha cõng con” đi dự thi và trình chiếu tại các liên hoan phim, các công ty nước ngoài rất khắt khe khi hợp tác trao đổi bản quyền để phát hành ở quốc tế. Họ khắt khe từ khâu kịch bản, cho đến khâu sản xuất, hậu kỳ, truyền thông… Họ không bao giờ ôm một bộ phim mà họ không có khả năng thu lợi nhuận.

“Điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài rất yếu vì chúng ta chưa thực sự chịu nâng tầm của chúng ta lên”- đạo diễn Lương Đình Dũng nhận xét.

Ông Dũng nêu dẫn chứng: Tôi ra nước ngoài tham dự liên hoan phim nhìn thấy các nước chú trọng điện ảnh thực sự. Đoàn phim của họ “binh hùng tướng mạnh”, “rồng rắn lên mây”, có nước đến hàng trăm nhà sản xuất còn mình thì ngồi chơi vơi. Tôi hy vọng cũng như khát vọng sẽ đóng góp vào việc đưa điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài cho đến khi không còn sức làm nữa thì thôi.

Trong khi đó, theo bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh, điện ảnh Việt Nam muốn hội nhập quốc tế phải bắt đầu từ quan niệm, coi điện ảnh là một ngành công nghiệp, một lĩnh vực mang lại lợi nhuận. Và muốn hội nhập, điện ảnh Việt phải hội nhập ngay từ “sân nhà”.

Đồng quan điểm, nhà phê bình Ngô Thảo thẳng thắn: “Trước khi ra thế giới thì hãy chinh phục khán giả trong nước. Thử hỏi, bộ phim “Em chưa 18”, thu gần 200 tỷ đồng, một trong những kỷ lục phòng vé, thu được bao nhiêu lượt người xem/90 triệu dân Việt? Trong khi Hàn Quốc dân số chỉ 50 triệu người nhưng nhìn lượt người xem phim nội của người ta mà thèm. Vấn đề của phim là phim phải hay thì ngay trong nước đã có lãi! Dân số Việt Nam là một đảm bảo cho sự giàu có của những tài năng thực sự”.

* Điện ảnh Việt Nam muốn hội nhập quốc tế phải bắt đầu từ quan niệm, coi điện ảnh là một ngành công nghiệp, một lĩnh vực mang lại lợi nhuận. Và muốn hội nhập, điện ảnh Việt phải hội nhập ngay từ “sân nhà”.

Xuân Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-anh/phim-viet-ra-bien-lon-tintuc418498