Phó bí thư Đảng ủy xã tại Thanh Hóa liều mình cứu trẻ đuối nước

Đang đi xe máy trên đường, nghe tiếng hô hoán, ông Phan Văn Chuyền, 58 tuổi, Phó bí thư Đảng ủy xã Thọ Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã nhảy xuống sông cứu được một cháu bé 8 tuổi khỏi đuối nước.

Đảng ủy xã Thọ Lập biểu dương ông Phan Văn Chuyền (giữa) đã có hành động dũng cảm cứu trẻ em đuối nước. Ảnh: Quang Duy

Chiều 7/7, Đảng ủy xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức gặp mặt, biểu dương tinh thần dũng cảm cứu 1 trẻ em khỏi bị đuối nước đối với ông Phan Văn Chuyền, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã. Ông Lê Văn Lực, Bí thư đảng ủy xã Thọ Lập cho biết, việc làm của ông Chuyền là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương học tập.

Trước đó, vào khoảng 8h ngày 6/7, tại kênh Bắc, đoạn qua xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân xảy ra vụ đuối nước. 3 em nhỏ gồm: Trịnh Duy Ph (8 tuổi), Trịnh Duy B (3 tuổi) và Đỗ Ngọc Nh (5 tuổi) ra kênh Bắc chơi không may rơi xuống kênh, bị dòng nước xiết cuốn trôi. Phát hiện sự việc, ông Nguyễn Văn Đại (ngụ xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân) là người đầu tiên phát hiện và cứu được cháu Đỗ Ngọc Nh.

Đang đi xe máy trên đường, đoạn qua xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, ông Phan Văn Chuyền nghe tiếng ông Đại hô hoán cứu người đuối nước.

“Thời điểm đó có một người đàn ông đang dìu một cháu nhỏ vào bờ đồng thời cho biết còn 2 cháu nữa đang đuối nước dưới dòng kênh Bắc. Cùng lúc có 2 thanh niên đi ngang qua nhưng cả 2 đều không biết bơi nên tôi cởi thắt lưng và áo chống nắng đưa cho họ và dặn bện thành dây để hỗ trợ, còn tôi nhanh chóng lao xuống kênh tìm cháu bé. Lúc tìm thấy, người cháu đã mềm, không còn cử động được. Tôi vừa bơi ngửa vừa để cháu trên bụng để dìu vào bờ”, ông Chuyền nhớ lại giây phút sinh tử.

Ông Phan Văn Chuyền (phải) bị xây xước nhẹ sau khi cứu cháu bé bị đuối nước. Ảnh: Quang Duy

Ngay sau khi dìu được cháu Ph. lên bờ, ông Chuyền và người dân địa phương đã sơ cứu, chuyển cháu đến cơ sở y tế để điều trị. Hiện sức khỏe của cháu đã ổn định.

Theo ông Chuyền, mực nước kênh Bắc vào thời điểm đó khoảng 2,5 đến 3m, người không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước chắc chắn sẽ không cứu được cháu bé.

“Rất may tôi biết bơi và là cán bộ trưởng thành tại địa phương, từng kinh qua nhiều vị trí công tác nên cũng có chút ít kinh nghiệm. Lúc cứu được cháu, người tôi mệt lả, bị xây xước nhẹ. Nhưng chắc chắn lúc đó, ai trong trường hợp như tôi thấy người gặp nạn cũng sẽ làm như vậy. Chỉ tiếc là tôi và bà con chỉ cứu được 2 cháu, còn một cháu mới tìm được thi thể”, ông Chuyền buồn bã nói.

Ông Lê Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Lập đánh giá ông Chuyền là cán bộ mẫn cán, gần dân, được bà con địa phương rất tín nhiệm. "Anh Chuyền cũng đã cao tuổi, nước kênh Bắc lại chảy xiết, ngoài kinh nghiệm, trách nhiệm, hành động của anh còn thể hiện sự dũng cảm. Chúng tôi đánh giá rất cao việc làm vì nhân dân của anh."

Kênh Bắc, đoạn chảy qua xã Thọ Lập đã được lắp thêm các thang sắt để hạn chế tai nạn đuối nước. Ảnh: Quang Duy

Cũng theo ông Lực, sau những sự việc đau lòng như trên, bên cạnh công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước, việc thiết kế, xây dựng hệ thống rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm tại các dòng kênh là rất cần thiết. Lãnh đạo xã Thọ Lập, nơi cũng có kênh Bắc chảy qua cũng cho biết, mới đây, địa phương đã huy động nguồn xã hội hóa được gần 50 triệu đồng, đầu tư hơn 70 chiếc thang sắt nhằm hạn chế tai nạn đuối nước.

Kênh bắc sông Chu - nam sông Mã lấy nước từ hồ Cửa Đặt (H.Thường Xuân, Thanh Hóa), có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km. Công trình có chức năng cung cấp nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đây cũng được xem là dòng kênh “tử thần” khi mỗi năm xảy ra hàng chục vụ đuối nước.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/pho-bi-thu-dang-uy-xa-tai-thanh-hoa-lieu-minh-cuu-tre-duoi-nuoc-d183062.html