Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Xây dựng nông thôn mới phải gắn với nâng cao đời sống của người dân

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, phải xác định nông nghiệp, nông thôn Thủ đô có tính đặc thù, có giá trị cao và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.Mục tiêu cuối cùng là Nhân dân khu vực nông thôn được thụ hưởng và đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao...

Sáng 11/9, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác quý III và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU chủ trì hội nghị.

355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo báo cáo tại Hội nghị, từ đầu năm 2020 đến nay, UBND TP đã công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay tổng số xã đạt chuẩn NTM của TP là 355/382 xã (chiếm 92,9%) và 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại, có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí và 3 xã đạt từ 11-14 tiêu chí. Đối với cấp huyện, đến nay TP có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng Trung ương thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Các huyện Thạch Thất, Thường Tín đã được đoàn thẩm định Trung ương tiến hành thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận, đánh giá về 3 nội dung trọng tâm, gồm: Tiến độ triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Cơ sở khoa học và thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tiến độ thực hiện Đề án thí điểm NTM kiểu mẫu Thủ đô và tiến độ chuẩn bị tổ chức Hội thảo liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn TP.

Đề tài nghiên cứu khoa học “Cơ sở khoa học và thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì. Đề tài cũng xây dựng khung phân tích cho đề án của Chương trình 02 theo hướng xanh, an toàn và bền vững nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có 40% số xã đạt NTM nâng cao và 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phấn đấu hoàn thiện xây dựng Đề án vào tháng 12/2020 để làm tiền đề triển khai Chương trình 02 của nhiệm kỳ mới ngay từ năm 2021.

Về Đề án thí điểm xã NTM kiểu mẫu Thủ đô, đến nay, Hội Nữ trí thức TP đã 2 lần tổ chức hội thảo, tiến hành khảo sát thực tế tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) với mục tiêu đưa 2 xã này đạt 4 tiêu chí của Chính phủ và 7 tiêu chí của TP về xây dựng NTM kiểu mẫu. Đối với Hội thảo liên kết 4 nhà, hiện nay, Sở NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức vào cuối tháng 9/2020.

Nâng cao số lượng, chất lượng trong xây dựng nông thôn mới

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các nhà khoa học trong triển khai những nội dung của Chương trình 02. Nhờ đó, cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm đến nay đã được triển khai đạt kết quả tốt.

“Trong nhiệm kỳ tới, Thành ủy vẫn xác định thực hiện Chương trình 02 là một nhiệm vụ trọng tâm, với chất lượng cao hơn, hàm lượng chất xám, tri thức trong nông nghiệp Thủ đô cũng cao hơn. Mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã đạt NTM, 40% xã NTM nâng cao, 20% xã NTM kiểu mẫu và 5 huyện phát triển lên quận. Chính vì thế, 3 nội dung hội nghị tập trung bàn thảo có ý nghĩa quan trọng và tạo tiền đề, nền tảng để TP xây dựng, triển khai Chương trình 02 trong nhiệm kỳ tới” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, phải xác định nông nghiệp, nông thôn Thủ đô có tính đặc thù, có giá trị cao và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Đồng thời, bám sát các chiến lược phát triển của TP đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, cần bám sát các tiêu chí từ xã lên phường, từ huyện lên quận để tiệm cận với tiêu chí đô thị. Đặc biệt, chú trọng các vấn đề về môi trường nông thôn, nhất là phân loại, thu gom, xử lý rác thải. Mục tiêu cuối cùng là Nhân dân khu vực nông thôn được thụ hưởng và đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao.

Nhấn mạnh xây dựng NTM là quá trình không có điểm kết thúc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, các cấp, các ngành không chủ quan, thỏa mãn mà cần tiếp tục tập trung để triển khai các nội dung của Chương trình để tạo tiền đề cho giai đoạn tới phải nâng cao một bước cả về số lượng và chất lượng. Mục tiêu đến cuối năm nay hoàn thành 371 xã NTM, 15 xã NTM nâng cao. Đối với 7 huyện đã hoàn thành hồ sơ, phấn đấu đến cuối năm có ít nhất 4 huyện được công nhận NTM. Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 1.000 sản phẩm OCOP được công nhận.

Trước mắt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, Sở NN&PTNT tập trung hoàn thành sản xuất vụ Mùa và chuẩn bị triển khai sản xuất vụ Đông Xuân. Tập trung các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản...

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pho-bi-thu-thuong-truc-thanh-uy-ngo-thi-thanh-hang-xay-dung-nong-thon-moi-phai-gan-voi-nang-cao-doi-song-cua-nguoi-dan-395909.html