Phổ biến giáo dục pháp luật tại xã Anh Sơn: Chuyện những người tâm huyết

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Xác định được vai trò đó, công tác PBGDPL luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã Anh Sơn (Tĩnh Gia) tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tạo được điểm nhấn quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Nổi bật, xã Anh Sơn nhiều năm liền không phát sinh các tệ nạn xã hội, như: Ma túy, cờ bạc, mại dâm, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được bảo đảm... Một điều đặc biệt đối với công tác PBGDPL ở xã Anh Sơn đó là câu chuyện của những người tâm huyết với công tác tuyên truyền pháp luật.

Công chức tư pháp – hộ tịch xã Anh Sơn (Tĩnh Gia) và các thành viên tổ hòa giải thôn Bài trao đổi công việc.

Ở xã Anh Sơn, nhiều người đều biết đến ông Đặng Đình Chiên, hiện là công chức tư pháp – hộ tịch tại UBND xã. Người đàn ông cao, gầy, dáng nhanh nhẹn ấy đã có hơn 30 năm công tác tại địa phương, trong đó có hơn 20 năm làm công tác tư pháp. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, ông Chiên luôn gắn bó, tâm huyết với công tác tuyên truyền, PBGDPL – công việc mà ông luôn đam mê, mang lại nhiều niềm vui. Tự hào với hoạt động PBGDPL tại địa phương, ông Chiên kể lại cho chúng tôi nghe về thời kỳ những năm trước 2010, khi mà Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý (TGPL) tại xã Anh Sơn được hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động hiệu quả. Ông kể, lúc đó ở xã còn chưa có mạng internet, để có tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, hoạt động của câu lạc bộ, ông cùng đồng nghiệp lặn lội đi xe buýt từ Tĩnh Gia đến Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh để được gặp gỡ các trợ giúp viên, xin cung cấp các tài liệu pháp luật cần thiết để về tuyên truyền cho bà con. Bây giờ, các quy định về hoạt động TGPL có nhiều thay đổi, nên hoạt động của CLB cũng ít hoạt động, thay vào đó là các hình thức tuyên truyền, PBGDPL khác.

“Đến với dân, gặp gỡ nhân dân và tuyên truyền trực tiếp để họ hiểu” – đó là câu nói mà ông Chiên trả lời chúng tôi khi được hỏi về hình thức PBGDPL nào hiện được sử dụng hiệu quả nhất tại địa phương. Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông lật tập tài liệu, mở cho cho chúng tôi xem một số nội dung mà ông chuẩn bị để gặp gỡ với các cụ người cao tuổi trong buổi tuyên truyền pháp luật cho hội viên người cao tuổi ở 3 thôn Xuân Thắng, Kiếu và Bài được tổ chức vào ngày cuối tuần. Ông vui vẻ nói: “Mặc dù PBGDPL là “khô” và “khó” nhưng việc làm này mang lại niềm vui riêng, nhất là khi chúng ta góp phần giúp nhiều người hiểu biết pháp luật. Và để đạt kết quả tốt, được người dân tin tưởng, chú ý lắng nghe thì phải chuẩn bị kỹ và nghiêm túc”. Một ngày làm việc của ông không dừng lại ở 8 tiếng theo giờ hành chính mà còn dành thời gian nhất định để nghiên cứu, tích lũy, lượm nhặt thông tin trên các sách, báo, văn bản pháp luật, trau dồi kiến thức thực tiễn để có thể biên soạn các nội dung pháp luật cần thiết, có cách truyền đạt phù hợp nhất để có thể nói và hướng dẫn cho người dân hiểu.

Nói về tuyên truyền pháp luật, ông Trần Văn Đội, Bí thư Chi bộ thôn Bài – người lính biên phòng trở về địa phương đã 36 năm nhưng có gần 30 năm gắn bó với công tác thôn, phục vụ nhân dân lại có nhiều trăn trở: Thôn Bài có 185 hộ dân với gần 780 nhân khẩu, ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp, những năm gần đây, đời sống nhân dân khấm khá hơn nhiều bởi con cháu đi làm công nhân hoặc đi làm ăn xa, có thu nhập ổn định. Thời kỳ “mở cửa” nên cũng có thêm nhiều vấn đề phát sinh. Để giáo dục pháp luật cho người dân, công tác PBGDPL của xã luôn hướng về địa bàn thôn, hướng tới người dân thông qua nhiều hình thức. Các nội dung tuyên truyền pháp luật đều có trong sách vở, văn bản, thế nhưng làm thế nào để người dân hiểu và thực hiện thì phải có cách truyền đạt phù hợp. Quan trọng nhất là khi người dân hiểu, thông suốt thì tất cả mọi việc đều làm được. Ông Đội tự hào: “Xã Anh Sơn có điều kiện khó khăn nhưng đã được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2017, riêng thôn Bài trong vòng 3 năm đã huy động xây dựng được gần 10km đường giao thông nội thôn. Trong thôn có một tổ hòa giải gồm 6 thành viên luôn làm tốt nhiệm vụ hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong chòm xóm, khu dân cư, lôi kéo các bên lại với nhau để tuyên truyền, giải thích thấy được đúng, sai, góp phần giữ gìn mối đoàn kết nội bộ dân cư, xây dựng thôn, xóm bình yên”.

Theo thống kê của UBND xã Anh Sơn, từ năm 2016 đến hết tháng 6-2019, xã Anh Sơn đã tổ chức được 37 buổi tuyên truyền, PBGDPL thu hút gần 2.980 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, đài truyền thanh xã cũng tăng thời lượng phát các bản tin, nội dung tuyên truyền, PBGDPL với hơn 300 lượt phát sóng; hệ thống loa tại các thôn cũng ưu tiên, dành thời gian cho công tác tuyên truyền pháp luật. Xã đã chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện kẻ, vẽ, treo trên 90 pa-nô, áp-phích, băng-zôn; phát hơn 400 tài liệu liên quan đến nội dung tuyên truyền pháp luật, xây dựng nông thôn mới cho người dân. Đặc biệt, thông qua các hoạt động của các ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn đã có 14 tiết mục sân khấu hóa nội dung tuyên truyền pháp luật, trong đó nổi bật là các tiết mục kịch nói được biểu diễn tại các ngày lễ, sự kiện được tổ chức tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 7 tủ sách pháp luật, trong đó có 1 tủ sách đặt tại công sở xã với 265 đầu sách và 6 tủ sách tại các nhà văn hóa thôn. 6 tổ hòa giải tại các thôn Bài, Kiếu, Cổ Trinh, Yên Tôn, An Cư và Xuân Thắng với 50 thành viên đã thực hiện hòa giải thành được 32/41 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân xã Anh Sơn ngày một nâng lên. Kết quả đó, một phần có sự đóng góp của những người tâm huyết như ông Chiên, ông Đội.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat-tai-xa-anh-son-chuyen-nhung-nguoi-tam-huyet/105395.htm