Phổ biến Hiệp định CPTPP cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 25/10 tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Phổ biến Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã giới thiệu tổng quan về CPTPP, những điểm khác biệt của hiệp định này so với các Hiệp định Thương mại tự do khác như ATIGA, AJCEP, VJEPA, AKFTA… mà Việt Nam tham gia.

Các doanh nghiệp quan tâm tham gia hội nghị

Theo bà Mai, về cơ bản Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Về mở cửa thị trường, hiệp định sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Tuy nhiên hiệp định cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc, chặt chẽ.

“Hiệp định được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, có quan hệ thương mại tự do với nhiều nước hơn trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, Hiệp định này dù không có Hoa Kỳ tham gia nhưng vẫn chiếm quy mô thị trường khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân”, bà Mai nhấn mạnh.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa- Cục Xuất nhập khẩu phổ biến quy định xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp

Liên quan đến các cơ chế, quy tắc xuất xứ hàng hóa theo CPTPP, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa- Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã nêu những điểm mới khác biệt về quy định xuất xứ hàng hóa theo CPTPP so với các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia để các doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng hiệu quả.

Cụ thể, các vấn đề mới trong CPTPP là cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế xác minh xuất xứ, quy tắc xuất xứ và quy tắc cụ thể mặt bằng (PSR). Trong đó điểm nổi bật là quy tắc xuất xứ có quy tắc hàng tân trang, quy tắc bộ hàng hóa (cho phép 10% giá trị không có xuất xứ), quy tắc cộng gộp cũng như thêm cách tính theo giá trị tập trung, tính theo chi phí tịnh.

Đơn cử, với quy tắc xuất xứ hàng tân trang sẽ cho phép sử dụng nguyên phụ liệu thu được từ việc tháo dỡ hàng đã qua sử dụng như làm sạch, đưa về điều kiện hoạt động tốt… Khi đó nguyên phụ liệu này sẽ được coi là có xuất xứ nếu được dùng để lắp ráp, sản xuất hàng tân trang.

Ngoài các thông tin trên, bà Hiền cũng phổ biến những quy định xuất xứ liên quan đến hàng thủy sản, dệt may, da giày, cà phê… để các doanh nghiệp nắm bắt, áp dụng vào tình hình của đơn vị mình.

Đối với các vấn đề cam kết thuế trong CPTPP, đại diện Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cũng nêu những điểm khác của CPTPP so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời lưu ý vấn đề tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo tránh thất thu thuế, chống gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Ngay tại hội nghị, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề chứng nhận xuất xứ hàng hóa, C/0, quy trình cắt giảm thuế quan… cũng như làm sao để doanh nghiệp có thể tận dụng được hiệp định đã được các doanh nghiệp đặt ra. Trả lời các doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp phải thông qua hiệp hội truyền đạt những thắc mắc của mình lên Bộ Công Thương. Về phía Bộ, cũng đang xem xét việc xây dựng cổng thông tin phổ biến những nội dung của hiệp định và giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp.

Mai Ca - Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pho-bien-hiep-dinh-cptpp-cho-cac-doanh-nghiep-tai-tp-ho-chi-minh-110771.html