Phổ biến quy định về tố cáo cho cán bộ Mặt trận

Sáng 23/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Tố cáo và Luật Hòa giải ở cơ sở.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến phổ biến kiến thức cho cán bộ Mặt trận Hà Nội.

Dự hội nghị có ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu được trang bị những kiến thức về Luật Tố cáo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam. Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Tuyến cho biết: Luật Tố cáo mới có hiệu lực từ 1/1/2019, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Theo đó, Luật Tố cáo mới được xây dựng nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân.

Mặt khác, những thay đổi về quy trình tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng liên quan tới việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo của người dân trong Luật Tố cáo. Điều đó đặt ra yêu cầu quan trọng cần xây dựng Luật Tố cáo mới, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Luật Tố cáo mới có những quy định thể hiện rõ nét hơn tinh thần mới của Hiến pháp 2013 về quyền tố cáo với góc độ là quyền con người, quy định cụ thể việc bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết tố cáo...

Một điểm mới nổi bật trong Luật Tố cáo năm 2018 là thời hạn giải quyết tố cáo đã được rút ngắn. Theo đó, thời hạn giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 30 như sau: Thời hạn giải quyết tố cáo tối đa 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Một nội dung được người dân quan tâm trong Luật Tố cáo năm 2018 là việc xử lý đối với đơn tố cáo nặc danh.

Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về nguyên tắc khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định (tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Tuy nhiên, trường hợp thông tin tố cáo này có các điều kiện như: có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật; có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật; có cơ sở để thẩm tra, xác minh... thì sẽ được cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Dịp này, ông Nguyễn Hồng Tuyến cũng trao đổi một số vấn đề then chốt về Luật Hòa giải ở cơ sở cho các cán bộ Mặt trận TP Hà Nội.

H.Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/pho-bien-quy-dinh-ve-to-cao-cho-can-bo-mat-tran-tintuc423421