Phố cà phê Chắn 5 Trần Phú: nên 'quản' hay 'cấm'?

Trước kiến nghị của người dân 'phố cà phê đường tàu' tại Chắn 5 Trần Phú, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý đơn kiến nghị về việc kinh doanh trở lại. Trong đơn, người dân liên tục đề xuất các giải pháp phát triển hài hòa.

"Khai tử" phố cà phê đường tàu?

Hiện đang dấy lên 2 luồng quan điểm: cấm hay quản phố cà phê đường tàu và làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng cũng vừa khuyến khích phát triển du lịch, tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp cho người dân.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan đề nghị khẩn trương giải tán các tụ điểm chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt chạy qua các quận nội thành Hà Nội.

Theo Bộ GTVT, trong 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng của Hà Nội đã và đang diễn biến phức tạp như: người dân và du khách hiếu kỳ (đặc biệt là người nước ngoài) tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Bên cạnh đó, các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc theo đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt tại các khu vực này.

Có nên để tồn tại cà phê đường tàu?

Trước kiến nghị từ Bộ GTVT, các lực lượng chức năng tại thành phố Hà Nội đã ra quân xử lý, đình chỉ hoạt động của các quán cà phê ven đường tàu tại khu vực Điện Biên Phủ, Trần Phú, Phùng Hưng, đến nay, phố cà phê đường tàu vẫn chưa hoạt động trở lại.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, “cơ quan chức năng trên nghiên cứu giải pháp lâu dài thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân”.

Quản hay cấm?

Sau khi Bộ GTVT và Hà Nội đề nghị cấm cà phê đường tàu nhiều hộ dân tại Chắn 5 Trần Phú đã có gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng về việc sẽ đảm bảo an toàn đường sắt bằng việc lắp camera, loa cảnh báo, barie chắn lối đi sang đường tàu bằng inox..... để được kinh doanh trở lại.

Người dân cho rằng, hoạt động kinh doanh này là để phát triển du lịch, thu hút du khách nước ngoài, kéo theo đó là kinh tế của người dân phát triển.

“Với kết luận hiện nay từ Bộ GTVT và UBND Hà Nội, chúng tôi thực sự lo lắng vì nơi sinh sống có thể bị giải tỏa sau nhiều năm chờ đợi các dự án treo không thực hiện của chính quyền. Chúng tôi, ở đây đã hàng chục năng thì quyền lợi của những người dân ở khu “nhà không số, phố không tên”, “không có sổ đỏ”, “không có tên trong địa giới hành chính” sẽ xử lý như thế nào?”, cụ N.T.H trên 70 tuổi kiến nghị.

Đơn kiến nghị của người dân Chắn 5 Trần Phú

Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, giá như chính quyền có một văn bản quy củ, rõ ràng, có cả thời hạn chốt xử lý như thế nào, bao giờ xử lý thì người dân và du khách sẽ đồng thuận hơn.

Ngay trong đơn kiến nghị, nhiều người dân nêu những câu hỏi của du khách như “tại sao lại cấm cà phê đường tàu, bao giờ bỏ cấm, nếu cấm thì các bạn làm gì bây giờ?”.

Có lẽ cái mà người dân chờ đợi bây giờ chính là phương án chính thức từ cơ quan quản lý để ổn định cuộc sống, không phải thấp thỏm chờ đợi khi đã bỏ ra không ít tiền bạc, công sức để phố cà phê đường tàu thu hút và nổi tiếng đến như vậy.

Hai dự án ngành đường sắt vẫn chạy trên giấy

Năm 1987, Nhà nước có chính sách cải tạo và mở rộng khổ đường sắt từ 1.035mm lên 1.435mm. Những lần đo vẽ, kiểm đếm tài sản, công trình rầm rộ... Các gia đình hồ hởi, 3 lần ký vào các biên bản đo vẽ hiện trạng với tâm thế sẽ có nơi ở mới, sạch hơn, đẹp hơn và không còn phải chịu định kiến xã hội về 1 khu ổ chuột, khu tệ nạn... Nhưng sau đó, mọi việc lại yên ắng và hiện vẫn chưa có thông tin gì về dự án trên.

Đến năm 2004, có 1 dự án lại được đề ra, chạy qua khu dân cư này mang tên "Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi". Cư dân xóm đường tàu lại vỡ òa hạnh phúc vì có cơ hội thay đổi cuộc sống…

Cư dân thấp thỏm chờ đến ngày được bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để di chuyển đến khu tái định cư, mà theo giới thiệu của cán bộ dự án là ở khu Xuân La, Xuân Đỉnh. Người dân ở đây lại tiếp tục ký vào biên bản đo vẽ hiện trạng rồi chờ đợi... Tuy nhiên, dự án trên đến nay vẫn nằm trên giấy đã được 15 năm.

Đinh Tịnh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/pho-ca-phe-chan-5-tran-phu-nen-quan-hay-cam-20180504224231293.htm