Phổ cập thạc sĩ

Tôi đưa cánh tay áo lên quẹt những giọt nước mưa đang chảy tràn cả vào mắt khiến mắt tôi cay xè. Tôi nép mình vào mái hiên một ngôi nhà bên đường để tránh mưa, mới gần 6 giờ sáng mà trời đã mưa như trút nước.

Bình thường những ngày mưa gió thế này, tôi sẽ ở nhà. Nhưng cả tuần nay, tôi quyết “cày” thêm để kiếm tiền đóng học phí cho con. Chỉ còn một tháng nữa là cháu đã nhập học rồi. Tôi không ngờ có ngày mình chạy xe ôm Grab. Cuộc đời thật không ai biết trước chuyện gì.

Năm 1998, tôi tốt nghiệp Khoa Toán - Tin Trường cao đẳng Sư phạm quê nhà. Tôi được ưu tiên chọn trường để dạy. Vì cha mẹ tôi đều là giáo viên, vì hồi ấy Khoa Toán - Tin rất thiếu giáo viên và vì tôi tốt nghiệp thủ khoa. Nhưng tôi quyết định vào Sài Gòn để học tiếp. Thân làm trai phải có chí tiến thủ, phải vươn cao vươn xa, không thể quanh quẩn quê nhà, chỉ có gà què mới ăn quẩn cối xay.

Ảnh minh họa.

Vào Sài Gòn, tôi ghi danh thi vào ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Thời ấy, ngành này rất “hót”, vì thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Tôi đã làm nhiều việc để kiếm tiền ăn học. Cuối cùng, tôi cũng cầm được mảnh bằng kỹ sư CNTT trên tay.

Ra trường, tôi xin vào làm ở một công ty Nhật Bản, thấm thoát đã 10 năm. Lúc này, tôi mới chợt nhận ra mình không phù hợp với CNTT. Vì mắt tôi ngày càng yếu, không thể ngày nào cũng nhìn màn hình máy tính 8 giờ đồng hồ. Đồng thời, tôi muốn được độc lập và tự do về tài chính. Thế là tôi quyết định luyện thi Thạc sĩ Tài chính. Tốt nghiệp xong, tôi vác hồ sơ xin việc nhiều nơi, nhưng không chỗ nào nhận. Lý do: tôi chưa có kinh nghiệm, bằng cấp thì quá cao, tuổi tác thì quá già.

Sau một năm thất nghiệp, tôi quyết định chạy xe ôm Grab kiếm sống qua ngày. Nghề này tuy không độc lập về tài chính, nhưng cũng độc lập về thời gian. Và trong đám xe ôm công nghệ ấy, lúc nhúc đứa có bằng thạc sĩ và cử nhân.

Điện thoại báo tin có khách cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Trùm áo mưa, tôi chạy vào cổng Bến xe Miền Đông để đón khách. Người khách đầu tiên trong ngày lại là thằng bạn từ quê vào. Đó là thằng Huy, bạn học cùng lớp với tôi từ năm lớp 10.

Hồi đó, thầy cô thường xếp tôi và thằng Huy ngồi chung với nhau. Không phải vì nó tên Huy, tôi tên Hoàng. Mà bởi vì tôi học giỏi nhất lớp, nó học dốt nhất lớp. Tôi ngồi gần để chỉ bài cho nó.

Xong lớp 12, bạn bè ai cũng thi đại học, cao đẳng. Thằng Huy không thi trường nào, nó vào làm thư ký của Ủy ban nhân dân Thị trấn, vì nó có ông bác làm to trong huyện. Nói thư ký cho oách, chứ thật ra nó chỉ là người làm tạp vụ.

Nó vừa làm, vừa học thêm các lớp tại chức, rồi lấy bằng thạc sĩ Quản lý Hành chính. Có bằng cấp, đồng nghĩa nó có địa vị. Sau 20 năm, thằng Huy đã là quan huyện quê nhà. Sự thành công của nó làm mọi người nghi ngờ lẫn ngưỡng mộ.

Nhìn thấy tôi chạy Grab, thằng Huy ngạc nhiên vô cùng:

- Bạn mà chạy Grab hả Hoàng?

Tôi cười giả lả:

- Sự đời dong dài lắm. Kiếm quán cà phê rồi nói chuyện.

Có ai biết được trong quán cà phê nhỏ bé này, có hai thằng bạn học phổ thông, giờ thằng nào cũng có bằng thạc sĩ, thằng dốt nhất cũng như thằng giỏi nhất. Và thằng dốt nhất lớp giờ là “quan tri huyện”, thằng giỏi nhất lớp lại chạy xe ôm.

Sau khi nghe tôi kể chuyện về số phận long đong của mình, thằng Huy nheo mắt nhăn mày để nghĩ xem có cách gì giúp tôi không. Sau khi suy nghĩ một hồi, nó hào hứng nói:

- Bạn nên học ngành này có công việc lâu dài, cơ hội thăng tiến cao.

Tôi hỏi:

- Học ngành gì? Giờ học ngành gì mà chẳng thất nghiệp?

Thằng Huy bảo:

- Bạn nên học "Thạc sĩ chống tham nhũng".

Thấy tôi còn do dự, thằng Huy giảng giải cho tôi hiểu tham nhũng đang là quốc nạn. Và theo như phân tích của thằng Huy thì học ngành này sẽ không bao giờ bị thất nghiệp, vì cuộc chiến chống tham nhũng là bất tận.

Tôi thấy thằng bạn mình nói có lý, nhưng vẫn còn một điều khiến tôi trăn trở nên hỏi nó:

- Mình sợ sau khi học xong "Thạc sĩ chống tham nhũng” thì mình sẽ chống lại bạn. Như vậy mất tình bạn bè.

Thằng Huy nghe xong, cười phụt luôn cả cà phê vào mặt tôi:

- Bạn sẽ không bao giờ chống lại mình. Vì có ông chủ tịch huyện nào trên cả nước đi xe ôm Grab không?

Đúng! Kiếm đỏ con mắt cũng không thấy ông chủ tịch huyện nào đi xe đò từ miền Trung vào Sài Gòn, rồi lại đón xe ôm Grab để di chuyển. Chỉ có cán bộ nghèo mới đi như vậy.

Vậy là tôi an tâm nghĩ về cái bằng thạc sĩ thứ 2 của mình.

Nghĩa Nam

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/pho-cap-thac-si-507804/