Phó chánh thanh tra y tế nói về vụ bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi

Liên quan đến vụ việc Quầy thuốc Tốt số 33 của Công ty CP Dược TƯ Medipharco – Tenamyd (đóng tại Bệnh viện đa khoa Chân Mây) bán thuốc hết hạn sử dụng cho người nhà bệnh nhân nhi, chiều ngày 23/4, chúng tôi đã trao đổi với ông Võ Đại Tùng, Phó Chánh Thanh tra, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.

DSTH Nguyễn Thị Tự, người trực tiếp bán thuốc hạ sốt Hapacol cho bệnh nhi từ 1 - 3 tuổi tại Quầy thuốc Tốt số 33

Về vụ việc nói trên, ông Tùng cho biết đã nắm được thông tin ngay từ sáng ngày 20/4, nhưng phải đến sáng ngày thứ 3 (24/4), Thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên Huế mới trực tiếp về Bệnh viện đa khoa Chân Mây để kiểm tra, xử lý. Nguyên nhân chưa đi kiểm tra, ông Tùng cho biết là do phải đợi bên Công ty CP Dược TƯ Medipharco - Tenamyd. “Bây giờ, theo thông tin mà Bệnh viện báo cáo lên thì đã cho đóng cửa Quầy thuốc và cô Dược sỹ quản lý ở đó cũng đã tạm bị cho nghỉ rồi, thế nên chúng tôi phải đợi bên Công ty cùng về để phối hợp kiểm tra. Đáng lý ngày hôm nay (thứ 2, 23/4) là đi rồi, nhưng vì bên đó báo là bận đại hội cổ đông nên phải sáng mai mới đi được”, ông Tùng cho hay.

Nói về việc, thuốc đã hết hạn sử dụng mà Quầy thuốc Tốt số 33 vẫn đem ra bán cho người dân, đặc biệt là bán cho người nhà bệnh nhi từ 1 - 3 tuổi, ông Tùng cho rằng đây là chuyện lạ. “Thực sự mà nói thì tôi cũng hơi lấy làm lạ với chuyện thuốc hết hạn này. Bởi vì, hiện nay thuốc mà lấy để bán thường là thuốc mới. Các doanh nghiệp người ta sản xuất ra trong vòng 6 tháng người ta phải đưa đi. Từ ngày sản xuất cho đến ngày hết hạn thường là 3 năm. Trong vòng 3 năm đó, tức là khoảng 2,5 năm thuốc trên tay anh mà anh không bán được 1, 2 hộp thuốc là hơi lạ. Họ lấy thuốc thường xem lưu lượng người dùng. Ấy vậy mà trong vòng 1 năm mà anh không bán ra được 1, 2 hộp thuốc thì anh không thể tồn tại được”, ông Tùng lý giải.

Về hướng xử lý, ông Tùng cho biết đã có quy định rõ ràng, thuốc hết hạn mà vẫn đem ra bán cho người dân thì sẽ bị xử lý theo quy định: khung phạt hành chính sẽ từ 10 - 20 triệu và phạt bổ sung tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh từ 3 - 6 tháng đối với người trực tiếp bán thuốc hết hạn sử dụng cho người dân.

“Đây là kiểu kinh doanh có điều kiện, thế nên người kinh doanh phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ, có chứng chỉ, đáp ứng đủ các điều kiện quy định. Do đó, khi xảy ra sai phạm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính người kinh doanh trực tiếp. Và đương nhiên, các cơ quan quản lý cùng phải chịu trách nhiệm liên đới”, ông Tùng cho hay.

Ngoài ra cũng theo ông Tùng, nhà thuốc vi phạm lần này là nhà thuốc bệnh viện và đã được thẩm định. Quá trình thẩm định đã đạt các tiêu chuẩn quy định hoạt động; có giấy tờ đảm bảo. Quá trình hoạt động kinh doanh rõ ràng phải thực hiện các quy định kiểm tra thường xuyên mà không phát hiện thuốc đã hết hạn là sai hoàn toàn.

“Bao nhiêu năm nay đã quy định rồi, bán thuốc mà đã hết hạn là vi phạm quy định của Luật dược, cái đó không cần phải bàn cải. Còn lại nguyên nhân như thế nào? Vô tình hay cố ý? Thì sẽ tìm hiểu sau. Nhưng dù có vô tình hay cố ý khi bị phát hiện chắc chắn vẫn sẽ bị xử lý”, ông Tùng khẳng định.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ông Tùng cho rằng do trên thực tế, số lượng nhà thuốc, quầy thuốc quá nhiều, trong khi lực lượng Thanh tra của Sở thì ít, lại phải phụ trách nhiều việc, nên đơn vị không thể nào mà kiểm tra từng ngày, từng tháng hết các quầy thuốc được. Dó đó, các nhà thuốc, các công ty phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, thực hiện các thao tác chuẩn trong phạm vi nhà thuốc của mình.

“Chắc chắn là xử lý, chưa bao giờ và ở đâu phát hiện sai phạm mà không xử lý. Nhưng mà nói rằng chúng tôi phải liên tục, lúc nào cũng phải phát hiện thì không bao giờ xảy ra vì nó khó???”, ông Tùng phân trần.

“Chắc là sau đợt này, chúng tôi sẽ phải tham mưu lãnh đạo Sở làm văn bản để nhắc nhở lại các nhà thuốc bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra thuốc trong cơ sở của mình. Ít nhất thì 6 tháng một lần phải kiểm tra”, vẫn lời ông Tùng.

Liên quan sự việc, sáng ngày 23/4, PV báo Dân sinh đã gặp trực tiếp ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phụ trách mảng văn hóa - xã hội, giáo dục - y tế. Tuy nhiên ông Dung từ chối trả lời vì: đang bận tập trung cho Festival Huế 2018.

Cũng trong ngày 23/4, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có Công văn số 7276/QLD - Ttra gửi Sở Y tế Thừa Thiên Huế. Trong Công văn có đoạn: “Để có đầy đủ thông tin xử lý vụ việc và đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế Thừa Thiên Huế: Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có); Báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược trước ngày 10/5/2018 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Như trước đó báo Dân Sinh đã đưa tin, tại Quầy thuốc Tốt số 33 thuộc Công ty CP Dược TƯ Medipharco - Tenamyd (đóng tại Bệnh viện đa khoa Chân Mây, X. Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bán thuốc hạ sốt Hapacol 150mg dạng bột, loại gói cho bệnh nhi từ 1 - 3 tuổi. Ngày 20/4, các cơ quan liên quan đã bắt quả tang nhà thuốc bệnh viện này tiếp tục bán thuốc hết hạn sử dụng cho người dân. Sự việc sau đó đã bị lập biên bản; Quầy thuốc đã bị tạm đình chỉ hoạt động. Mặt khác, đại diện lãnh đạo Công ty CP Dược TƯ Medipharco - Tenamyd cũng đã về phối hợp kiểm tra, xử lý; đồng thời xin lỗi người nhà bệnh nhi đã mua thuốc tại Quầy thuốc Tốt số 33.

CAO TIẾN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/pho-chanh-thanh-tra-y-te-noi-ve-vu-ban-thuoc-het-han-cho-benh-nhi-d72950.html