Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Việc xây dựng nhà hát chưa đưa vào kế hoạch đầu tư công 2021-2025

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xây nhà hát mới đang chỉ ở chủ trương, chưa triển khai ra thực tế nên tất cả các ý kiến, quan điểm về vấn đề này là đều ở thể giả định.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội (Nguồn: NLĐ)

Câu chuyện về quyết định đầu tư xây dựng nhà hát nhạc, vũ kịch, giao hưởng Thủ Thiêm được đưa ra sau một kỳ họp của HĐND TP.HCM đã làm dấy lên những làn sóng dư luận trái chiều.

Trong bối cảnh tình trạng thiếu vắng và xuống cấp các thiết chế văn hóa không phải là câu chuyện của riêng TP.HCM mà phổ biến trong toàn quốc, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố, đất nước cần có một công trình văn hóa tầm cỡ khu vực và quốc tế, ngang tầm thời đại, xứng với thế nước, vận nước. Đã đến lúc cần những đổi mới về tư duy, coi phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội.

Trong khi đó, luồng dư luận khác lại cho rằng, mảnh đất Thủ Thiêm đang "nóng" về việc đền bù, giải tỏa, không nên xây Nhà hát ở đây. Thật ra trong quy hoạch và trên thực tế, mảnh đất quy hoạch xây nhà hát không nằm trong khu vực tranh chấp, đền bù ở Thủ Thiêm. Cùng với đó, con số 1.500 tỷ đồng đầu tư cho công trình nhà hát mang tính biểu tượng của một thành phố vươn lên thành Trung tâm văn hóa tầm cỡ khu vực trở thành con số "gây sốc".

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, xây dựng nhà hát là việc làm cần phải làm của các cơ quan quản lý nhà nước. Dù vậy, từ lúc Hội đồng Nhân dân phê duyệt chủ trương đến lúc có thể triển khai được thì cũng cần ít nhất một kế hoạch đầu tư công (theo Luật Đầu tư công).

Như vậy là việc xây dựng nhà hát chưa đưa vào kế hoạch đầu tư công 2021-2025, mà mọi thủ tục chỉ có thể tiến hành khi dự án được đưa vào kế hoạch đầu tư công 2021 – 2025.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, thế nên, trong quá trình triển khai sẽ phải lắng nghe ý kiến của các bên để làm sao cho tốt nhất.

"Hiện nay người ta mới đang chỉ ở chủ trương, chưa triển khai ra thực tế nên tất cả các ý kiến, quan điểm về vấn đề này là đều ở thể "giả định". Bởi hiện nay theo Luật Đầu tư công thì công trình dự án này chưa được ghi vào danh mục đầu tư công. Mà để triển khai được thì phải ghi vào danh mục đã, thì lúc ấy chúng ta sẽ bàn và sẽ quyết định. Bây giờ chúng ta chưa có báo cáo khả thi trong tay thì chúng ta chưa biết được là diện tích, phương án nhà hát như thế nào? Tần suất sử dụng như thế nào?. Còn hiện tại chúng ta đều đang nói theo kiểu giả định. Đợi người ta nghiên cứu xong trình ra rồi chúng ta nói. Hiện tại theo giả định hết.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, trong trường hợp dự án được thực hiện thì nhanh cũng phải 10-12 năm nữa nhà hát mới đi vào hoạt động. Trong khi đó, "chúng ta cũng chưa biết rõ đất nước mình tầm 10 -12 năm nữa sẽ ở mức độ nào? Công năng của nhà hát như thế nào?".

Về vấn đề này, trên Zing.vn, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ rằng, ông không biết trường hợp cụ thể của nhà hát Thủ Thiêm chính xác đến đâu, thế nhưng để quyết định chi tiền ngân sách cho việc xây dựng công trình, chính quyền chí ít phải làm được những việc như: Cung cấp tầm nhìn của chính quyền cho người dân; Làm rõ lợi ích của thành phố, của đông đảo dân cư khi thành phố có nhà hát giao hưởng hiện đại; Tham vấn ý kiến công chúng để có những điều chỉnh hợp lý về quy mô, cách thức, thậm chí thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nhà hát…

Theo ông, chính quyền thành phố nên chủ động triển khai một chiến dịch truyền thông về vấn đề này, bắt đầu từ việc các đại biểu HĐND thành phố phải giải trình cho cử tri ở đơn vị bầu cử của mình tại sao lại thông qua một quyết định như vậy!.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/pho-chu-nhiem-uy-ban-kinh-te-cua-quoc-hoi-nguyen-duc-kien-viec-xay-dung-nha-hat-chua-dua-vao-ke-hoach-dau-tu-cong-2021-2025-20181019101448978.htm