Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả TRẦN VĂN THẾ: 'Chúng tôi rất nản!'

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nêu lý do phải đóng cửa hầm đường bộ Hải Vân 2 vì không có kinh phí vận hành, không có tiền trả lãi vay, trả cho các nhà thầu

Phóng viên: Hầm đường bộ Hải Vân 2 đã khánh thành hôm 11-1 nhưng chỉ cho lưu thông khoảng 20 ngày trước và trong Tết nguyên đán. Vì sao phải đóng cửa hầm, tạm dừng hoạt động, thưa ông?

- Ông TRẦN VĂN THẾ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả: Trong quá trình triển khai, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Tập đoàn Đèo Cả đã liên tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ. Hơn 2 năm qua, không biết bao nhiêu văn bản qua lại giữa doanh nghiệp (DN) dự án, các bộ, ngành, Chính phủ nhưng những vướng mắc tài chính của nhà đầu tư vẫn chưa được giải quyết.

Thứ nhất, năm 2017, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, tái định cư hầm Cổ Mã, trong phần vốn nhà nước hỗ trợ 5.048 tỉ đồng thì còn thiếu 1.180 tỉ đồng chưa giải ngân. Đến nay, số vốn này vẫn chưa được bố trí, hoàn trả lại cho các nhà đầu tư/DN dự án.

Để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, nhà đầu tư đã phải vay vốn ngân hàng (NH) để bù đắp nguồn vốn ngân sách thiếu hụt nói trên. Riêng chi phí lãi vay cho phần vốn 1.180 tỉ đồng nhà nước chậm hỗ trợ mà DN dự án phải gánh chịu đã phát sinh thêm khoảng 300 tỉ đồng.

Thứ hai, trong 6 trạm thu phí được nhà nước cam kết cho DN ký hợp đồng thu phí để hoàn vốn dự án, đến nay cao tốc La Sơn - Túy Loan chưa thực hiện được do dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nên DN không được quyền thu phí. Việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỉ đồng.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 vừa khánh thành ngày 11-1

Hầm đường bộ Hải Vân 2 vừa khánh thành ngày 11-1

Nhà đầu tư thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn và nguồn thu, ảnh hưởng đến việc trả nợ NH và không có đủ kinh phí để vận hành hầm Hải Vân 2 cũng như trả nợ các nhà thầu.

Tập đoàn Đèo Cả đề nghị phần vốn ngân sách nhà nước cam kết đóng góp, hỗ trợ còn 1.180 tỉ đồng cần được giải ngân kịp thời cho DN từ nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, xác định thời gian giải ngân cụ thể để làm cơ sở điều chỉnh phương án tài chính. Kiến nghị tiếp tục thực hiện việc thu phí tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận tại Văn bản số 70/TTg-KTN ngày 12-1-2016 của Thủ tướng.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính giải quyết cho DN dự án được hoàn thuế GTGT sau ngày đưa dự án vào thu phí đối với các hóa đơn đầu vào của dự án Đèo Cả bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân hoặc bổ sung kinh phí bù đắp 200 tỉ đồng như ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.

Liệu có phương án nào khác để hầm Hải Vân 2 không phải đóng cửa khi các vướng mắc tài chính chưa được giải quyết?

- Việc thiếu kinh phí không cho phép nhà đầu tư làm điều đó. Tiền trả nợ NH, nhà thầu, chi phí vận hành không có, ai là người giải quyết cho chúng tôi khi cơ quan có thẩm quyền thường vô hiệu các cam kết đã ký với nhà đầu tư trước đây.

Đóng cửa hầm đường bộ Hải Vân 2 gây thiệt hại cho cả người dân và DN, không ai mong muốn điều đó. Chúng tôi hy vọng Chính phủ sớm giải quyết những kiến nghị mà nhà đầu tư đã báo cáo nhiều lần.

Đây là dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) chứ không phải dự án BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) mà để kéo dài mãi. Việc chậm thanh toán cho nhà đầu tư sẽ phá vỡ phương án tài chính dự án, mất khả năng cân đối nguồn trả nợ NH của DN dự án, làm mất uy tín của DN cũng như các nhà đầu tư. Các NH sẽ nói không với đầu tư vốn vào hạ tầng giao thông, nói không với BOT bởi sợ rủi ro.

Hiện nay, kiến nghị của Tập đoàn Đèo Cả đã được giải quyết đến đâu?

- Bộ GTVT đã kiến nghị lên Chính phủ. Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát lại. Sau khi rà soát lại và lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ GTVT lại kiến nghị lên Chính phủ. Sau đó, Chính phủ lại giao cho Bộ Tài chính rà soát lại. Bộ Tài chính rà soát, rồi lấy ý kiến các bộ, ngành tương tự Bộ GTVT và sau đó lại trình lại Chính phủ...

Cứ như vậy, sau mấy năm, những vướng mắc của nhà đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm và dừng ở mức tiếp tục rà soát. Điều này gây rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết dứt điểm các tồn đọng đã kéo dài và làm rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào, bao giờ giải quyết cho nhà đầu tư, giải quyết được bao nhiêu kinh phí… Thật sự chúng tôi rất nản khi sự việc bế tắc, bị đẩy hết từ bộ này sang bộ khác và thiệt hại cho các nhà đầu tư ngày một lớn.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 là một trong 4 dự án thành phần thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân 2) với tổng vốn đầu tư 21.612 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ 5.048 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 16.564 tỉ đồng. Ngoài ra, Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư sử dụng 6 trạm thu phí để hoàn vốn cho các hầm trong khoảng thời gian 27 năm.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chung-toi-rat-nan-20210113222654398.htm