PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC QUÀNG VĂN HƯƠNG: TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐẠI BIỂU NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ GẦN DÂN HƠN

Hội đồng dân tộc đã có kế hoạch cụ thể gửi các địa phương chuẩn bị thật tốt về nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền để đồng bào đi bầu cử đông đủ và chọn được người thực sự tiêu biểu.

Hội đồng dân tộc đã có kế hoạch cụ thể gửi các địa phương chuẩn bị thật tốt về nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền để đồng bào đi bầu cử đông đủ và chọn được người thực sự tiêu biểu. Chúng tôi kỳ vọng vào việc lựa chọn được các đại biểu có chất lượng để góp phần cùng cả nước giám sát và cùng đóng góp để triển khai tốt các nghị quyết quan trọng liên quan tới về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời sẽ cùng tham mưu với Quốc hội để ban hành các chính sách mới vì mục tiêu là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương nhân dịp ngày hội toàn dân sắp diễn ra.

Phóng viên: Thưa đại biểu Quàng Văn Hương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có sự chuẩn bị các hoạt động như thế nào để lựa chọn được các đại biểu Quốc hội tiêu biểu, đại diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương: Hội đồng dân tộc đã có kế hoạch cụ thể gửi các địa phương chuẩn bị thật tốt về nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền để đồng bào đi bầu cử đông đủ và chọn được người thực sự tiêu biểu. Nhiệm kỳ tới sẽ là giai đoạn triển khai 2 Nghị quyết quan trọng đã được ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi kỳ vọng vào việc lựa chọn được các đại biểu có chất lượng để góp phần cùng cả nước giám sát và cùng đóng góp để triển khai tốt các nghị quyết quan trọng này. Đồng thời sẽ cùng tham mưu với Quốc hội để ban hành các chính sách mới vì mục tiêu là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Phóng viên: Thưa đại biểu, hoạt động của đại biểu người dân tộc thiểu số có gì khác biệt không?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương: Xuất phát từ đặc điểm đại biểu người dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng miền núi, đại diện cho cử tri vùng sâu vùng xa mà vùng này vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể:

Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng điện đường trường trạm; khó khăn về mặt dân trí vẫn còn thấp và không đều. Bên cạnh đó, một số phong tục tập quán còn lạc hậu; điều kiện để cán bộ thực hiện chính sách còn hạn chế, còn tác động vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.

Sự khác biệt chính là đại biểu phải vượt qua khó khăn đó đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, sánh ngang với các đại biểu dân tộc đa số.

Thứ hai là phải giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đại diện cho tiếng nói của dân tộc mình đồng thời phải có giao lưu với các dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc ở địa phương mình đại diện để hiểu được văn hóa, tập quán của họ thì mới nói được tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số với Chính phủ, với Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu người dân tộc thiểu số phải học hỏi thêm văn hóa của các dân tộc khác ở các vùng khác bởi đại biểu người dân tộc thiểu số không chỉ đại diện cho dân tộc mình, vùng của mình mà phải nói được tiếng nói chung cho đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Cuối cùng phải khắc phục rất nhiều khó khăn vùng miền núi là đặc biệt khó khăn, nhất là việc đi lại để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri giao phó.

Phóng viên: Theo đại biểu, cần có những giải pháp như thế nào để các đại biểu người dân tộc thiểu số khóa XV hoạt động thực sự có hiệu quả ?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương: Trước hết là cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội để từ đó nhân dân cũng ủng hộ đồng hành trong quá trình hoạt động. Điều này đặc biệt quan trọng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nhận thức đúng sẽ giúp tăng hiệu quả của hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, cử tri sẽ nghiêm túc trong quá trình lựa chọn người đại diện cho mình. Hiểu đúng và đủ vai trò của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội để trong quá trình giám sát, cử tri sẽ phản ánh kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ các ý kiến kiến nghị sát thực tiễn nhất.

Thứ hai là cần có cơ chế để cho đại biểu dân tộc thiểu số trong các hoạt động xã hội khác để họ có cơ hội gần dân hơn, phản ánh được tiếng nói của dân nhiều hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=55239