Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số: Cần thống nhất khái niệm về chuyển đổi số

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, truyền thông cần thống nhất về mặt khái niệm cách gọi 'chuyển đổi số, chính phủ số' thì không dùng khái niệm 'chính phủ điện tử' nữa. Phải thống nhất khái niệm khi nói về truyền thông số, thành phố số, kinh tế số, chính phủ số.

Mỗi doanh nghiệp muốn khởi nghiệp trong thời buổi “bão tố” của cuộc cách mạng 4.0 phải có chiến lược chuyển đổi số để thành công. (Ảnh minh họa: Internet)

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức” do Hội Truyền thông số việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng 19/11/2018, chia sẻ về những thách thức và khó khăn gặp phải khi triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, chuyển đổi số là chuyển đổi mọi thứ từ thế giới thực đưa vào số hóa, khi triển khai thì khối lượng dữ liệu cần số hóa rất lớn, việc chuyển hóa được khối lượng lớn và phức tạp dữ liệu để số hóa là một thách thức, khi chuyển thành dữ liệu số rồi thì việc đưa dữ liệu vào khai thác và chuẩn hóa lại còn khó khăn hơn. Bởi vì các dữ liệu cần số hóa có khối lượng rất lớn như dữ liệu dân cư, dữ liệu đất đai. Việc quản lý dữ liệu con người đòi hỏi sự chính xác cao, lý lịch tư pháp chỉ cần lệch một chút thôi sẽ có sai lệch rất lớn.

Cũng theo ông Quang, thách thức lớn nhất là quy mô phải thực hiện suốt quá trình chuyển đổi số, trong đó công nghệ số chính là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số.

Để các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, ông Trương Đức Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam cho rằng, yếu tố quyết định thành công của một doanh nghiệp là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Quan trọng nhất là yếu tố con người, trước hết con người phải định hình được quyết tâm từ lãnh đạo đến những người triển khai sau này. Doanh nghiệp phải đặt ra mục tiêu là gì, phải có tầm nhìn, có định hướng lâu dài. Ban đầu là chuyển đổi số để quản lý các sản phẩm, mở rộng ra quản lý hợp đồng, quản lý kho, quản lý khách hàng. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công còn phải chuẩn bị về kinh phí, có mục tiêu có tâm huyết nhưng không có chuẩn bị về tài chính dài hơi thì khó đạt thành công.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cũng đặt ra vấn đề, muốn chuyển đổi số thành công phải thống nhất từ nhận thức, tư duy, đến hành động. Trước mắt truyền thông cần thống nhất về mặt khái niệm cách gọi “chuyển đổi số, chính phủ số” thì không dùng khái niệm “chính phủ điện tử” nữa. Cần phải thống nhất khái niệm khi nói về truyền thông số, thành phố số, kinh tế số, chính phủ số.

Nói về quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, ông Cường cho hay, truyền hình là lĩnh vực thành công sớm nhất trong thực hiện chuyển đổi số, ngành truyền hình Việt Nam đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số trong vòng 10 năm.

Các doanh nghiệp của Việt Nam có tiềm lực, tính sẵn sàng rất cao để thực hiện chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp ICT trong nước đang tìm cơ hội tiếp cận với chính phủ số. Thậm chí, doanh nghiệp trong nước không chỉ chuyển giao công nghệ số phục vụ cho chuyển đổi số của Chính phủ và còn hướng tới mục tiêu phục vụ cho chính phủ số của các nước, họ hướng tới mục tiêu không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, như Viettel, FPT.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hình thành nhiều giải pháp phục vụ cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền, như phát triển các ứng dụng phục vụ du lịch, di chuyển, thanh toán điện tử, các ứng dụng này đều thành công ở một mức độ nhất định.

Riêng lĩnh vực nội dung số, doanh thu của lĩnh vực nội dung số Việt Nam tạo ra 800 triệu USD, nhưng doanh thu xuất khẩu nội dung số ra nước ngoài lớn hơn ở trong nước, tiềm năng của ngành nội dung số trong nước rất lớn nếu nhà nước thiết lập chính sách để hấp dẫn các doanh nghiệp nội dung số quay trở lại phát triển chuyển đổi số trong nước.

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số cũng cho rằng, thách thức khi chuyển đổi số phần nhiều đến từ chính sách. Nhận thức của lãnh đạo tốt, nhưng nhận thức của cấp dưới khi triển khai thực hiện thì vẫn còn chưa theo kịp. Trên thực tế xã hội thật thế nào thì xã hội số cũng phát triển như thế. Nhưng khi triển khai các dự luật thì lại thường tách riêng quy định về kinh doanh trên mạng.

Ông Cường nêu ví dụ, dự thảo về Luật phòng chống tác hại của rượu bia có quy định cấp kinh doanh rượu bia trên mạng Internet, rồi quy định về cấm mua bán vàng miếng trên mạng. Về bản quyền cũng có những phân biệt trên môi trường thật và môi trường số.

“Các nhà làm chính sách phải đồng nhất, đồng bộ về chính sách giữa xã hội số và xã hội thật để khi thực thi được đồng nhất”, ông Cường phát biểu.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng, khi thực hiện chuyển đổi số thì khung pháp lý cần phải đi trước một bước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nếu hành lang pháp lý không theo kịp thì doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật khi sớm ứng dụng công nghệ mới vào cung cấp dịch vụ.

Đình Anh

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/pho-chu-tich-hoi-truyen-thong-so-can-thong-nhat-khai-niem-ve-chuyen-doi-so-175197.ict