Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng: Một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng, phụng sự Nhân dân

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo đến hạnh phúc của Nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn...

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Báo CAND

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Khi lớn lên, Nguyễn Lương Bằng làm nhiều nghề kiếm sống (nghề may, phụ bếp, công nhân tàu biển).

Năm 1925, sau khi sang Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Lương Bằng được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng.

Tháng 9/1926, đồng chí dời Quảng Châu về Hải Phòng thiết lập đường dây liên lạc Hải Phòng - Hương Cảng (Hồng Kông) - Quảng Châu, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về trong nước, vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... Từ tháng 10/1927 đến tháng 12/1928, đồng chí vào Sài Gòn tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên.

Vào tháng 12/1928, đồng chí trở lại Hải Phòng hoạt động trong phong trào công nhân và đi “vô sản hóa”. Đến giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên điều động đồng chí sang công tác ở Hương Cảng (Hồng Kông). Tại đây, tháng 10/1929, đồng chí được kết nạp vào chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 12/1929, đồng chí đến Thượng Hải (Trung Quốc) gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong tô giới Pháp.

Năm 1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải, áp giải về nước; lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Sau khi bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân, đồng chí lần lượt bị giam tại nhà lao Hải Dương, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Tháng 12/1932, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân.

Tháng 5/1935, đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La. Tháng 8/1943, cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận.

Hàng đầu từ trái sang: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tướng Phạm Kiệt và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14 - 15/8), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16 - 17/8) đã bầu đồng chí vào Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương (1947 - 1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951 - 1952); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952 - 1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956 - 1960); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960 - 1969); Phó Chủ tịch nước (1969 - 1979).

Ngày 20/7/1979, do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần, hưởng thọ 75 tuổi.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo đến hạnh phúc của Nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn. Vì vậy, tên gọi kính trọng mà nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng dành tặng còn mãi lưu truyền được coi như biểu tượng của đồng chí: biểu tượng cho ý chí kiên cường của người cộng sản với bí danh “Sao Đỏ”; biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em” với cái tên “Anh Cả”... Những tên gọi mà nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng dành tặng không chỉ xuất phát từ những công lao mà còn bắt nguồn chính từ phẩm chất đạo đức cao đẹp đã trở thành biểu tượng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng: nói đi đôi với làm, không ham danh vị, lợi quyền, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết.

Tháng 8/1945, khi Ủy ban Dân tộc giải phóng cải tổ thành Chính phủ lâm thời, cùng với một số đại biểu của Việt Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tự nguyện rút lui để nhường chỗ trong Chính phủ lâm thời cho nhân sĩ khác. Hành động đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng là dịp để chúng ta tri ân và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí. Đó là không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên, sẵn sàng vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tùng Anh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/pho-chu-tich-nuoc-nguyen-luong-bang-mot-tam-guong-sang-ve-dao-duc-cach-mang-luon-toan-tam-toan-y-phuc-vu-su-nghiep-cach-mang-phung-su-nhan-dan/208898.htm