PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÀO CHẠ-LƠN DIA-PAO-HƠ THĂM, LÀM VIỆC VỚI VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Chiều 03/01/2024, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ và Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn đại biểu Quốc hội Lào có: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Su-băn Sa-va-bút - Phó Trưởng Đoàn; cùng các đồng chí thành viên trong Đoàn công tác của Quốc hội Lào;

Về phía Viện Nghiên cứu lập pháp có: Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; GS. Trần Ngọc Đường – Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trưởng Ban quản lý khoa học Đinh Thị Thanh Hương; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về kinh tế - xã hội Trần Văn Thuân; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước Phan Văn Ngọc; đại diện các đơn vị của Viện Nghiên cứu lập pháp;...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Vinh dự và vui mừng được đón Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Chạ-lơn Dia-pao-hơ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Lào tới thăm và làm việc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam trải qua 15 năm hình thành và phát triển (thành lập năm 2008). Viện là cơ quan nghiên cứu khoa học lập pháp, tham mưu, tư vấn chính sách cho Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng như phục vụ hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Viện có 05 đơn vị cấp vụ và gần 60 cán bộ, công chức, viên chức cùng với mạng lưới hơn 400 các chuyên gia, cộng tác viên nghiên cứu trong và ngoài nước.

Giới thiệu về nhiệm vụ của Viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, Viện đang thực hiện nhiệm vụ kép, vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội đồng thời tư vấn cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và cá nhân đại biểu thực hiện hoạt động soạn thảo các sáng kiến lập pháp, xây dựng các dự thảo luật theo sáng kiến cá nhân của đại biểu.

Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu lập pháp đã được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin tưởng giao thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu quan trọng như: Tham gia tổng kết công tác thi hành Hiến pháp 1992, phục vụ sửa đổi Hiến pháp 1992 cho đến việc tổng kết thi hành các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 48 “về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, Xây dựng các chiến lược lập pháp giai đoạn 2021-2026 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tất cả các dự án Luật trình Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đều có báo cáo tham vấn chuyên gia phục vụ trực tiếp quá trình thẩm tra, cho ý kiến. “Từ khi có sáng kiến lập pháp, soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến, xem xét thông qua đều có quá trình tham gia của Viện Nghiên cứu lập pháp..”, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ

Bày tỏ vui mừng tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ đã nhắc lại những kỷ niệm gắn bó mật thiết với Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn trước đây.

Đánh giá cao và ấn tượng trước những kết quả Viện Nghiên cứu lập pháp đạt được trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ cho biết, mục đích của chuyến thăm và làm việc nhằm nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm về mô hình tổ chức, chức năng, phương thức hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp. Đồng thời, học hỏi những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động nghiên cứu, phục vụ việc triển khai nghiên cứu, xây dựng và biên soạn 50 năm lịch sử truyền thống Quốc hội Lào kể từ khi thành lập đến nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ cũng cho biết, đối với Quốc hội Lào việc xây dựng, sửa đổi hệ thống pháp luật cũng là nhiệm vụ cấp bách, nặng nề; một trong những nhiệm vụ đặt ra là nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp hiện hành;…

GS. Trần Ngọc Đường – Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tại buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào và Viện Nghiên cứu lập pháp đã tập trung chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về phương thức hoạt động của Viện Nghiên cứu; Công tác tham mưu, nghiên cứu phục vụ Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp; kinh nghiệm biên soạn lịch sử hình thành và phát triển Quốc hội; Xác định Danh mục đề tài nghiên cứu khoa học; Mối quan hệ giữa Viện Nghiên cứu lập pháp với các cơ quan của Quốc hội;…

Chia sẻ về nội dung Đoàn đại biểu Quốc hội Lào quan tâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Viện thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên gia, tọa đàm chuyên sâu để chuẩn bị và cung cấp các tài liệu tham khảo phục vụ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn để xem xét, thảo luận, hoàn thiện và thông qua các dự án luật.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tham mưu, nghiên cứu trong lĩnh vực lập pháp

Hiện nay, Viện cũng đang chủ trì đề tài cấp bộ đặc biệt: “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Đây có thể nói là một công trình nghiên cứu khoa học, ghi nhận, lưu giữ lại những thành công và dâu ẩn nổi bật của Quốc hội Việt Nam qua 15 nhiệm kỳ, đúc kết những thành tựu to lớn của Quốc hội Việt Nam trong dòng chảy lịch sử 80 năm qua. Trước đó, năm 2016, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng chủ trì biên soạn cuốn sách “Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa, đổi mới và phát triển” tổng kết, đánh giá 70 năm Quốc hội Việt Nam trải qua 13 khóa.

Cũng tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp hai nước đã trao đổi và tin tưởng thời gian tới, sẽ đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, nghiên cứu và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ghi nhận những chia sẻ hết sức thiết thực, cụ thể từ phía Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ khẳng định, đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu để Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Lào tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu trong lĩnh vực lập pháp thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chào đón Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chào đón Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ tới thăm và làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

GS. Trần Ngọc Đường – Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Đại biểu tham dự cuộc làm việc

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội Lào

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển tặng quà lưu niệm Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ tặng quà lưu niệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chạ-lơn Dia-pao-hơ và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Lê Anh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83705