Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo Đề án Quốc hội điện tử

Sáng 31.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử đã chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo Đề án Quốc hội điện tử. Ảnh: Hồ Long

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng và các thành viên Ban chỉ đạo.

Xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như sự vận hành của Nhà nước, trong đó có tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào tất cả các hoạt động Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, là tiền đề để xây dựng Quốc hội điện tử, hướng tới Quốc hội số.

Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án), Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt cần tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án làm căn cứ cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Quốc hội điện tử, hướng tới Quốc hội số trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo về kết quả triển khai một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Đề án; xin ý kiến về dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo. Trong đó, về dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tên gọi của Đề án được đề xuất thay đổi thành Đề án xây dựng Quốc hội điện tử, hướng đến Quốc hội số giai đoạn 2023 – 2026, tầm nhìn đến năm 2030, các nội dung về bối cảnh, quan điểm, mục tiêu của Đề án, cấu trúc của Đề cương Đề án, nhiệm vụ của Đề án, đối tượng, nguồn nhân lực, đào tạo, kiến trúc của Quốc hội điện tử, về hạ tầng… cũng đã được Tổ giúp việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý.

Trong thời gian tới, Tổ giúp việc sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến thành viên Ban chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo Đề cương Đề án; tổ chức hội thảo chuyên đề về Quốc hội điện tử; xây dựng tài liệu tham khảo tiêu chí đánh giá Quốc hội điện tử của Liên minh Nghị viện thế giới và các tài liệu liên quan; xin ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông; thực hiện thẩm định, thẩm tra Đề án trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao việc chuẩn bị dự thảo Đề cương Đề án của Văn phòng Quốc hội; đồng thời đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung phương án tăng cường kết nối điện tử giữa cử tri, người dân với Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương những cố gắng của Tổ giúp việc; đề nghị, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, nghiên cứu, xây dựng Đề cương Đề án và Khung kiến trúc Quốc hội điện tử để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Văn phòng Quốc hội cần triển khai xin ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ quan chuyên môn về Đề cương Đề án; tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là ở các quốc gia phát triển và có điều kiện tương tự như nước ta để hoàn thiện Đề cương Đề án; triển khai các dự án công nghệ thông tin đúng theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội...

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-chu-tri-phien-hop-thu-ba-cua-ban-chi-dao-de-an-quoc-hoi-dien-tu-i341673/