PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: PHÁT HUY ĐẦY ĐỦ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TẠO CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ TRONG HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP

Trao đổi trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, với tinh thần đổi mới và quyết liệt hành động, Quốc hội đã có bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động lập pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc tuân thủ nghiêm kỷ luật lập pháp - thực hiện đúng quy trình và bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật trình Quốc hội, trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm các cơ quan liên quan.

ĐỔI MỚI VÀ ĐẨY MẠNH GIÁM SÁT, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Năm 2022, trên cơ sở bám sát Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ đã được Bộ Chính trị thông qua và yêu cầu thực tiễn, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, phúc đáp các yêu cầu cần thiết, cấp bách thực tiễn cuộc sống đặt ra. Căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nhiệm vụ được phân công, từng cơ quan của Quốc hội xây dựng kế hoạch nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra, chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo để triển khai, thường xuyên đôn đốc để bảo đảm chất lượng, tiến độ của dự án.

Chia sẻ về kết quả hoạt động của Quốc hội trong năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế đòi hỏi phải rất khẩn trương, nhưng đồng thời phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học, thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mới được xem xét, ban hành; dự án luật nào mặc dù cần thiết nhưng chuẩn bị chưa kỹ, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt đồng thuận thì kiên quyết chưa trình Quốc hội thông qua để tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị. Đây chính là bước chuyển biến mạnh mẽ, tinh thần quyết liệt trong hoạt động lập pháp, vừa bảo đảm thực hiện chương trình, kế hoạch hàng năm và nhiệm kỳ, nhưng đặt yêu cầu cao về chất lượng, bảo đảm hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tại 3 kỳ họp trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua 12 luật, trong đó có những đạo luật rất quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Quốc hội cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương (thành phố Cần Thơ, tỉnh Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk)...

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua (tháng 10/2022), Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là đạo luật rất quan trọng, tác động toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo sát sao, nhiều lần làm việc trực tiếp với cơ quan soạn thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ quá trình soạn thảo để bảo đảm chất lượng nhất dự án Luật trình Quốc hội. Với tính chất quan trọng của dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật, sau đó sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ Năm và thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vào cuối năm 2023.

Nhấn mạnh Quốc hội đã quyết liệt tuân thủ chặt chẽ kỷ cương, kỷ luật lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, quy trình làm luật đã được hoàn thiện qua nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội đòi hỏi nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ngay từ bước đầu sáng kiến lập pháp. Một dự án luật, dù là ban hành lần đầu hay sửa đổi luật hiện hành đều bắt buộc phải qua các bước rà soát, tổng kết, đề xuất chính sách, lấy ý kiến, đánh giá tác động… mới đủ cơ sở để xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Từng khâu, từng công đoạn, từng chủ thể tham gia phải chủ động, đề cao trách nhiệm, bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng. Đây là các yêu cầu cần thiết nhằm bảo đảm luật khi được Quốc hội thông qua sẽ phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Cuộc sống đòi hỏi hoạt động lập pháp nhanh, mạnh, kịp thời hơn nữa nhưng không thể vì thế mà chuẩn bị sơ sài, thiếu rõ ràng về trách nhiệm trong từng khâu, từng việc. Bước chuyển biến ở đây chính là sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, không có hiện tượng “quyền anh, quyền tôi” mà tất cả đều phải nỗ lực để bảo đảm chất lượng tốt nhất, khắc phục tình trạng đến khi Quốc hội chuẩn bị thông qua, dự án luật vẫn còn nhiều công việc phải xử lý về chính sách, kỹ thuật lập pháp. Theo đó, các khâu trong quy trình lập pháp đều phải đổi mới, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, thông suốt.

Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ - cơ quan sáng kiến lập pháp chủ yếu - đã dành nhiều thời gian hơn, chú trọng hơn đến công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và tổ chức các phiên họp chuyên đề cho ý kiến về các dự án luật. Vì vậy, các dự án sau khi đưa vào chương trình đều bảo đảm chất lượng, tiến độ gửi cơ quan thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Các cơ quan của Quốc hội chủ động hơn, không chỉ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp mà còn tham gia từ sớm, từ xa vào quá trình tổng kết, nghiên cứu đề xuất chính sách của các dự án luật, thẩm tra kỹ lưỡng đề nghị xây dựng luật để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của Chương trình. Quá trình thẩm tra, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức nhiều hoạt động như: khảo sát thực tiễn, tổ chức tọa đàm, hội thảo, thu hút ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, người hoạt động thực tiễn đóng góp hoàn thiện dự án… nhằm tăng tính phản biện của các báo cáo thẩm tra. Sự chủ động, kiên quyết của cơ quan thẩm tra góp phần bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng dự án luật trước khi trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến quy trình, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch trực tiếp chủ trì họp, nghe cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo công tác chuẩn bị các dự án luật, cho ý kiến chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện bảo đảm chất lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tổ chức thêm các phiên họp chuyên đề, dành nhiều thời gian xem xét, cho ý kiến đối với từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và có kết luận cụ thể, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý. Viện Nghiên cứu lập pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động lập pháp, bám sát yêu cầu, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tổ chức các hội thảo, tọa đàm để làm rõ, cung cấp thêm cơ sở khoa học, lý luận, thực tiễn phục vụ thẩm tra, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, kỷ luật lập pháp chính là thực hiện đúng quy trình và bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật trình Quốc hội. Đây cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, là bài học trong phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quy trình lập pháp.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72706