PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG DỰ VÀ CHỈ ĐẠO ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THỪA THIÊN-HUẾ LẦN THỨ XVI

Sáng ngày 22/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc trọng thể với sự tham dự của 350 đại biểu, đại diện cho hơn 53.000 đảng viên. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo Đại hội.

Chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thừa Thiên-Huế đạt được trong 5 năm qua. Đặc biệt, trong những ngày qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ về sự hy sinh, mất mát của các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực, chủ động của Đảng bộ tỉnh trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão, lụt tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân toàn tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức.

Thành tựu nổi bật của Thừa Thiên-Huế trong 5 năm qua là: Kinh tế có mức tăng trưởng khá cao, bình quân 6,5%/năm, các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp, trong đó du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá dần trở thành động lực phát triển.

Công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, phát triển. Hoạt động liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được chú trọng. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được phục hồi, gìn giữ, tôn tạo, mang diện mạo của Cố đô lịch sử. Huế được công nhận là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch ASEAN, hướng tới thành phố vườn, đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”; là trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo, hệ số bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn mức bình quân của cả nước; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên. Đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nghiêm túc và đạt kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Đại hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chỉ ra một số nhược điểm mà Thừa Thiên Huế cần nhận thức và khắc phục trong thời gian tới. Đó là mặc dù có nhiều lợi thế riêng, nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có đột phá trong phát triển kinh tế; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao. Thừa Thiên-Huế chưa trở thành một trong những trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Quốc phòng - an ninh trên một số mặt còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số nơi còn khó khăn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ mới. Việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng chưa thường xuyên.

Thay mặt Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đại hội thảo luận sâu về những hạn chế, yếu kém, phân tích kỹ nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả để phát triển Thừa Thiên-Huế bền vững, toàn diện:

Trước hết, phải quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huy động, tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực

thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; phấn đấu thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các lợi thế riêng có; nhất là truyền thống, phong cách của “con người Huế”. Tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế bền vững, cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, trong đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Phát triển ngành công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn trong tỉnh và nhu cầu của thị trường. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển rừng bền vững gắn với nâng cao giá trị gia tăng.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế; sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống với đổi mới, sáng tạo. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ tư, chú trọng phát triển bốn “trung tâm”. Trong đó, phát triển văn hóa xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xây dựng Thừa Thiên-Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và bản sắc văn hóa Huế. Tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế y tế trên địa bàn để xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát

triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hình thành các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh, vùng và của quốc gia.

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, gia đình có công. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt chính sách và chăm lo cải thiện đời sống đối với đồng bào các dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng. Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Thứ sáu, Đảng ta xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Vì vậy, Đảng bộ, các cấp ủy đảng cần quan tâm hơn, đầu tư nhiều trí tuệ và công sức lãnh đạo, chỉ đạo đúng với ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Công tác xây dựng Đảng phải được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ và có chất lượng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình trong tổ chức và sinh hoạt đảng nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Công tác tổ chức xây dựng Đảng phải hướng mạnh về cơ sở, dồn sức cho cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường gắn bó mối quan hệ “máu, thịt mật thiết” giữa Đảng với nhân dân. Không để xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống; đấu tranh để bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=49363