Phó Chủ tịch TP Cần Thơ: Cần ưu tiên tuyển dụng đối với SV diện Nghị định 116

Theo Phó CT TP Cần Thơ, điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 116 chưa phù hợp với thực tế vì nếu tham gia tuyển dụng nhưng không đạt thì khó thu hồi kinh phí hỗ trợ.

Qua 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên. Mặt khác, Nghị định này cũng đã bộc lộ một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo các chuyên gia, để thực hiện Nghị định 116 có hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên và các địa phương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đánh giá: “Khi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực thi hành đã giúp các địa phương chủ động trong công tác tuyển dụng và quản lý giáo viên.

Đồng thời, giúp các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo, cân đối cung cầu, giảm thừa thiếu giáo viên.

Việc hỗ trợ sinh chi phí sinh hoạt đã góp phần khuyến khích học sinh đăng ký thi vào các ngành sư phạm, giúp thu hút người giỏi vào ngành sư phạm”.

Theo vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, mặc dù, hiện tại, Cần Thơ vẫn chưa thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116, nhưng vẫn nhìn nhận thấy một số khó khăn ở góc độ địa phương.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Theo đó, vị này nêu: “Từ năm 2020 đến nay, thành phố Cần Thơ chưa thực hiện phương thức quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP nên chưa thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Hiện tại, thành phố đang thực hiện Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 18/11/2022 về “Triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Cần Thơ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP”.

Mặc dù chưa có thực tiễn triển khai, nhưng về mặt pháp lý, thành phố Cần Thơ nhận thấy khi triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP sẽ phát sinh một số bất cập. Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ ra rằng:

"Thứ nhất, đối với công tác tuyển dụng: Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên thì phải trải qua các kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Đối tượng được cử đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP sau khi tốt nghiệp vẫn phải tham gia tuyển dụng như những đối tượng tự túc kinh phí. Trường hợp đối tượng được cử đào tạo tham gia tuyển dụng nhưng không trúng tuyển chưa có quy định cụ thể và không có chế tài nên có thể dẫn đến lãng phí và chưa hiệu quả.

Giờ học tại một trường mầm non trên địa bàn quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. NVCC.

Thứ hai, chưa có hướng dẫn rõ ràng về nội dung bồi hoàn kinh phí hỗ trợ: Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, quy định: “Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp” thì phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Tuy nhiên, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP chưa quy định trường hợp sinh viên được cử đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP có nhu cầu công tác trong ngành giáo dục nhưng không trúng tuyển trong các kỳ tuyển dụng phải bồi hoàn hoặc không bồi hoàn kinh phí hỗ trợ” - vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân tích.

“Như đã nêu ở trên, tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp” là chưa phù hợp với thực tế vì nếu tham gia tuyển dụng nhưng không đạt thì khó thu hồi kinh phí hỗ trợ.

Do đó, cần đề xuất Chính phủ điều chỉnh điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP” - ông Hiện nêu quan điểm.

Đã 2 năm triển khai Nghị định 116, song, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn ít nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ phía địa phương. Về những băn khoăn trong công tác đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên của thành phố Cần Thơ, vị Phó Chủ tịch chia sẻ: “Trước hết, đối với công tác đào tạo giáo viên mỗi trường có tiêu chuẩn chất lượng khác nhau và chi phí đào tạo của các trường cũng khác nhau, gây khó khăn trong công tác tổ chức đặt hàng, đấu thầu.

Bên cạnh đó, việc ban hành quy chế xét duyệt danh sách sinh viên đặt hàng chưa có quy định cụ thể như quy định tuyển dụng làm cho địa phương khó khăn trong xét duyệt danh sách sinh viên”.

Từ những bất cập đã đề cập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho rằng để Nghị định số 116/2020/NĐ-CP phát huy được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng giáo viên phục vụ công tác giảng dạy tại các địa phương, Trung ương cần ban hành chính sách ưu tiên trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đối với các trường hợp sinh viên được cử đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP để đảm bảo sinh viên được cử đào tạo từ ngân sách nhà nước phục vụ tại các cơ sở giáo dục công lập, tránh lãng phí ngân sách và lãng phí về nhân lực đã qua đào tạo.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pho-chu-tich-tp-can-tho-can-uu-tien-tuyen-dung-doi-voi-sv-dien-nghi-dinh-116-post235169.gd