Phố đi bộ Hà Nội: Mục tiêu không phải lợi nhuận hay mấy đồng bán bia!

Theo Kiến trúc sư Lê Văn Lân, mục tiêu mở các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội không phải là lợi nhuận, cũng không phải từ mấy đồng của những hộ bán bia ở phố cổ, hay làm hài lòng mấy khách Tây ba lô... mà giá trị cốt lõi là sự thay đổi diện mạo đô thị.

KTS Lê Văn Lân

Khó mà làm được mới là giỏi!

Trao đổi với PV infonet , KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nguyên Giám đốc Viện Thiết kế công trìnhcho rằng việc Hà Nội mở rộng thí điểm các tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm giúp con người gần gũi nhau hơn. Làm cho một thành phố có chỗ để người ta cảm thấy gần gũi, cởi mở và thân mật hơn, thích thú hơn.

Việc triển khai thêm tuyến phố đi bộ ở Hà Nội giúp người dân và du khách gần gũi nhau hơn.

Tuy nhiên, ông Lân cũng nói rõ “thích thú này phải có cả từ hai phía: từ người người đi chơi trên con đường ấy, từ người dân sinh sống và làm việc tại những tuyến phố này. Đây là bài toán khó, cần nhiều thời gian. Nhưng khó mà chúng ta làm được mới là giỏi”.

Với hơn 50 năm trong nghề kiến trúc thiết kế, ông Lân cho rằng, so với đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) thì các tuyến phố vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm phức tạp hơn, khó hơn nhiều. Ngoài ra, quy mô và cấu tạo nên các tuyến ở Hà Nội khác hơn, dòng người từ các nơi đến trung tâm Thủ đô từ nhiều hướng, phức tạp hơn. Do đó, việc mở tuyến phố đi bộ tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm và khu phụ cận là rất khó khăn.

Theo ông Lân, để thực hiện một cách trơn tru, cơ quan quản lý phải sắp xếp các tuyến đi, điểm dừng, chờ, nơi phân phối, nút giao và những chỗ tản ra một cách hợp lý. Câu chuyện phân bổ, bố cục hài hòa tại Hà Nội là vấn đề cần quan tâm giải quyết nhất.

“Mọi sự đi bao giờ cũng liên tục, người ta không đi bộ từ nhà đến tuyến phố đi bộ đâu mà họ đi đến chỗ nào đó mới bước vào không gian đi bộ. Vì thế anh tổ chức cái liên tục ấy ngon lành thì người ta thấy thú vị, còn việc tổ chức ấy khiến người ta cảm thấy khó khăn, nhiêu khê thì người ra sẽ mất hứng” – ông Lân nói.

Giá trị cốt lõi là thay đổi diện mạo đô thị

Theo KTS Lê Văn Lân, mục tiêu mở các tuyến phố đi bộ không phải là lợi nhuận mà báo chí thông tin trong mấy ngày thử nghiệm, cũng không phải từ mấyđồng của những hộ kinh doanh bán bia ở phố cổ, hay làm hài lòng mấy khách Tây ba lô trên phố, mà giá trị cốt lõi là sự thay đổi hẳn diện mạo của một thủ đô, một thành phố đáng sốngtrong niềm tự hào của người dân, trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước.

Qua tuần đầu tiên thử nghiệm mở rộng tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, ông Lân cho rằng không quá coi trọng một số tồn tại được báo chí nêu như việc xả rác. Đấy là việc khó nhưng dần dần sẽ khắc phục được.

“Giải pháp đặt ra là tăng cường thùng rác. Ngoài ra, giống như các nước Châu Á hay làm là phạt (phạt vô cùng nặng). Việc này 30- 40 năm trước, nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc đã làm rồi. Nhổ một bãi nước bọt ư, họ đã phạt 5 tệ rồi chứ đừng nói đến vứt rác.

Nếu chúng ta áp dụng, dân mình chưa tiến bộ thì mất nhiều công, bố trí nhiều cảnh sát chìm nổi… nhìn thấy một người vứt rác không đúng quy định phạt thật nặng. Tôi tin lần sau sẽ ý thức hơn. Không có nước nào mà tự nhiên văn minh được đâu mà phải có thời gian giáo dục cộng với những chế tài xử phạt nghiêm minh” – ông Lân nói.

Ngoài ra, ông Lân cũng cho biết thêm, trên các tuyến phố đi bộ ấy không phải đi để nghêu ngao, đàn đúm mà phải được bố trí những dịch vụ tiện ích đi kèm. Chúng ta đi mãi cũng phải có chỗ để ngồi nghỉ, rồi cũng có chỗ rẽ vào mua cái gì, sắm cái gì và ăn những gì… Phố đi bộ ở các nước họ thường kết nối với những cửa hàng siêu thị và những nhà hàng ăn. Tuy nhiên, ông Lân cũng khẳng định những điều này không phải nói ra là làm được ngay, nó phải có quá trình và “không nên quá sốt ruột”.

N. Huyền

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/pho-di-bo-ha-noi-muc-tieu-khong-phai-loi-nhuan-hay-may-dong-ban-bia-post208420.info