Phố đi bộ quanh Hồ Gươm: Trăn trở sau thời gian thí điểm

Sau 2 năm thí điểm hoạt động, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trở thành điểm đến ý nghĩa đối với người dân Thủ đô và du khách vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là các buổi tối. Nhưng sau 2 năm thí điểm, phố đi bộ quanh Hồ Gươm vẫn còn rất nhiều việc cần làm để giúp nơi đây trở thành không gian của ký ức văn hóa và lịch sử.

Du lịch tính bằng cấp số nhân

Khu vực Hoàn Kiếm vốn là trọng điểm của du lịch Thủ đô với các điểm đến nổi tiếng như: Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, phố cổ Hà Nội, di tích Hỏa Lò, đền Bạch Mã – một trong Tứ trấn Thăng Long… Tuy vậy, theo đánh giá của UBND quận Hoàn Kiếm, từ khi triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, lượng khách du lịch đến với Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung càng tăng trưởng nhanh. Điều đó có thể chứng minh, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm tại không gian đi bộ rất đông, trung bình ban ngày khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 - 2 vạn người. Đặc biệt, vào những thời điểm không gian đi bộ diễn ra sự kiện lớn hoặc vào các dịp lễ lớn của Thủ đô và đất nước, khu vực này trở nên quá tải.

Hồ Gươm.

Từ sức hấp dẫn của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, lượng khách du lịch lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng có mức chuyển đáng kể. Nếu năm 2017, lượng khách lưu trú đạt trên 1,7 triệu lượt người, tăng 33% so với năm 2016 thì 9 tháng đầu năm 2018 là trên 1,4 triệu lượt người, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Số cửa hàng kinh doanh chuyển sang dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở. Toàn quận có 585 khách sạn và cơ sở lưu trú, tăng 121 cơ sở so với năm 2017, trong đó có 225 khách sạn được xếp hạng, gắn sao.
Những kết quả trên góp phần quan trọng tăng thu ngân sách Nhà nước cho quận Hoàn Kiếm. Năm 2016, quận thu trên 5.200 tỷ đồng, năm 2017 đạt trên 6.000 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2018 đạt trên 5.700 tỷ đồng và ước cả năm 2018 đạt trên 7.500 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong khẳng định, 2 năm thực hiện thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (1/9/2016 - 1/9/2018) đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước.
Chính quy phố đi bộ
Mới đây, trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 11/9, ông Đinh Hồng Phong đề xuất chính thức triển khai không gian đi bộ Hồ Gươm với 2 phương án. Phương án 1, tổ chức thực hiện vào thời điểm ngày 10/10/2018 hoặc ngày 1/1/2019. Phương án 2, triển khai chính thức sau khi đã hoàn thành dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Biểu diễn áo dài truyền thống tại phố đi bộ tháng 7/2018. Ảnh: Phạm Hùng

Bởi vì, sau 2 năm triển khai thí điểm, thời gian tới quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung khắc phục tình trạng bán hàng rong, dắt chó không rọ mõm, trượt patanh, đi xe điện cân bằng, ô tô, xe máy điện (trẻ em), quảng cáo, âm nhạc ầm ĩ chưa có kiểm soát… Quận triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu triển khai các tiểu dự án phụ cận hồ Hoàn Kiếm như: Khu vực nhà hàng Thủy Tạ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối đền Ngọc Sơn – đền Bà Kiệu, vườn hoa Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong, xây dựng không gian văn hóa trên các tuyến phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí để bổ trợ cho các tuyến phố khu vực hồ Hoàn Kiếm…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cũng cho biết, sẽ phối hợp với các sở ngành triển khai dự án thả chim bồ câu, lắp đặt hệ thống camera giám sát, quy hoạch tổng thể các khu vực kinh doanh dịch vụ thương mại, du lịch... Đặc biệt, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất TP mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực Hồ Hoàn Kiếm để giảm áp lực đông người, phù hợp thực tiễn và kết hợp hai không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng. Trước mắt, quận đang đề xuất TP cho phép mở rộng không gian đi bộ ra phố Đinh Liệt từ ngày 10/10/2018.
Về đề xuất này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chung – nguyên Trưởng khoa Văn hóa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay, bất cứ TP lâu đời nào trên thế giới đều tổ chức không gian đi bộ. Với Hà Nội, việc lựa chọn Hồ Gươm - biểu trưng văn hiến của TP là tự nhiên và tất yếu. Vì vậy, chủ trương chính thức triển khai phố đi bộ Hồ Gươm là hợp lý. “Việc chính quy phố đi bộ Hồ Gươm mới có thể xây dựng không gian này thành một địa điểm văn hóa, du lịch bài bản, khoa học, thu hút đầu tư, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Chung nói.

Khánh Linh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pho-di-bo-quanh-ho-guom-tran-tro-sau-thoi-gian-thi-diem-325247.html