Phổ điểm 'đẹp' đã giải 'oan' cho đề thi THPT quốc gia năm 2018

Năm nay, ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2018 kết thúc, có nhiều ý kiến cho rằng đề thì quá khó, khó ở tất cả các môn, và chủ yếu phục vụ công tác tuyển sinh ĐH nhiều hơn.

Cục quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc đề thi phân hóa đã được dự báo từ trước, nói khó hay dễ phải căn cứ vào phổ điểm, và đề thi chỉ có một số câu hỏi rất khó nhưng hoàn toàn nằm trong chương trình học. Việc Bộ GD&ĐT vừa công bố phổ điểm năm nay cho thấy, đúng là đề thi đã phân hóa tốt. Phổ điểm theo đánh giá từ nhiều góc nhìn là khá “đẹp”.

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, 97,57% học sinh cả nước đỗ tốt nghiệp THPT năm 2018, trong đó Giáo dục THPT đạt 98,36 %, GDTX đạt 88,37%.

Bộ GD&ĐT nhận định: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, đồng thời phản ánh tính nghiêm túc, khách quan trong coi thi, chấm thi.

Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh THPT cao hơn hẳn học sinh GDTX; các tỉnh có điều kiện thuận lợi về kinh tế xã hội thì tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn các tỉnh ở vùng còn khó khăn. Các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp cao trên 99% đều là những tỉnh có truyền thống dạy tốt học tốt như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh; TP Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng có số lượng dự thi cao đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 98%.

Như vậy, mặc dù cho rằng đề thi khó, nhưng với sự phân hóa tốt, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước vẫn cao, số câu hỏi của đề thi để thí sinh có thể đạt được mức điểm tốt nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu.

So sánh phổ điểm năm 2017 và 2018 (Ảnh: HOCMAI)

Từ phía các trường ĐH đều nhận định, phổ điểm năm nay rất đẹp, có thể chọn ra được thí sinh giỏi cho trường tốp cao, phân loại thí sinh cho các trường tùy từng ngành nghề đào tạo. Ông Nguyễn Đào Tùng - Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) cho rằng: Dạng phổ điểm của tất cả các môn thi, bài thi đều tiệm cận gần với phân phối chuẩn. Điểm trung bình và trung vị của các môn gần như nhau. Điểm thi có sự phân hóa cao, điều này tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng hoặc điểm chuẩn vào các ngành khác nhau.

Theo Hệ thống giáo dục HOCMAI, để đánh giá về phổ điểm năm nay so với năm 2017, thì cần làm rõ mấy vấn đề. Thức nhất, hiểu phân phối chuẩn: là một phân phối xác suất trong đó dữ liệu có xu hướng tập trung xung quanh 1 điểm trung tâm, không bị lệch qua trái hay phải, hình dạng biểu đồ gần giống với hình “quả chuông”.

Còn phổ điểm đẹp: là phổ điểm đáp ứng được 2 yêu cầu – biểu đồ gần phân phối chuẩn và đỉnh phổ điểm (điểm trung vị) thỏa mãn tiêu chí của kỳ thi (tiêu chí kép gồm xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ). Cụ thể, đề thi có khoảng 60% câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp (phần lớn thí sinh sẽ “qua” và chỉ số ít thí sinh bị “trượt”), 40% câu hỏi nâng cao mang tính phân hóa để lựa chọn những thí sinh có năng lực vào ĐH, CĐ (rất ít thí sinh đạt điểm tuyệt đối hoặc không có điểm, phần lớn thí sinh đạt điểm trung bình). Kết hợp với cách tính điểm và điều kiện xét tốt nghiệp THPT 2018 thì phổ điểm đẹp sẽ có đỉnh phổ nằm ở điểm 4,5-5.

Như vậy, các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí có phổ điểm đẹp nhất và gần với phân phối chuẩn nhất. Trong đó điểm trung bình và điểm trung vị của các môn này dao động từ 4,5 – 5,5 điểm. Các môn Toán, Ngữ văn có phổ điểm không được đẹp nhưng phân bố điểm cũng gần với phân phối chuẩn.

Các môn Tiếng Anh, Lịch Sử, GDCD có phổ điểm xấu nhất. Trong đó phổ điểm môn Lịch sử bị lệch hẳn về bên trái, điểm trung bình là 3,79; điểm trung vị là 3,5; số thí sinh bị điểm liệt (< 1,0 điểm) là 1277, cao thứ 3 sau Tiếng Anh và Toán.

Riêng môn Toán, biểu đồ phổ điểm năm 2018 phía bên phải điểm trung vị dốc hơn hẳn phổ điểm năm 2017, điều này cho thấy mức độ phân hóa của đề thi môn Toán năm nay cao hơn năm 2017, đề thi cũng khó hơn đúng như dư luận phản ánh, thực tế thì cả nước chỉ có 2 điểm 10 Toán so với “mưa điểm 10” năm 2017 (gần 300).

Với phổ điểm như năm nay, việc xét tuyển ĐH sẽ được thí sinh và phụ huynh thận trọng hơn khi chọn trường và chọn ngành. Năm 2017, kết quả thi cao hơn lực học của thí sinh làm các em có tâm lý chủ quan thay đổi nguyện vọng vào trường cao hơn. Nhiều em tự tin điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm, hoặc bỏ bớt nguyện vọng. Khi công bố kết quả đợt 1 nhiều thí sinh không đỗ vào trường nào, đợi đăng ký đợt 2 vào những trường tốp dưới với tâm trạng nuối tiếc.

Vì thế, phổ điểm đẹp chính là thành công của khâu đề thi và công tác chấm thi năm nay.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/pho-diem-dep-da-giai-oan-cho-de-thi-thpt-quoc-gia-nam-2018-118715.html