Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị của cử tri

Tại kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa IX, cử tri trong tỉnh đã có nhiều kiến nghị trên các lĩnh vực đời sống xã hội gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lĩnh vực của ngành giáo dục tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Việt Mười đã có văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri.

* Cử tri TX. Vĩnh Châu kiến nghị xem xét lại quy chế tuyển sinh đầu vào tại trường dân tộc nội trú do trường chỉ tiếp nhận học sinh khá, giỏi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Việt Mười: Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT, ngày 15-1-2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT, ngày 28-2-2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT, ngày 18-4-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, quy định: Đối tượng tuyển sinh vào các trường PTDTNT, thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành; trường hợp không thuộc các đối tượng nêu trên thì phải là thanh niên, thiếu niên người dân tộc thiểu số thuộc vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc do UBND tỉnh quy định; ngoài ra, các đơn vị được phép tuyển sinh không quá 5% trong tổng số chỉ tiêu được tuyển mới hàng năm là con em người Kinh có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.

Hình thức tuyển sinh vào các trường PTDTNT: Đối với cấp THCS (tuyển sinh đầu vào lớp 6) bằng hình thức xét tuyển; đối với THPT (tuyển sinh đầu vào lớp 10) bằng hình thức “Kết hợp thi tuyển với xét tuyển”. 80% là thi tuyển và xét tuyển 20%.

Điều kiện dự tuyển vào các trường PTDTNT: Đối với lớp 6: Hoàn thành chương trình tiểu học: Đối với tuyển sinh đầu vào lớp 10: Tốt nghiệp THCS hoặc bổ túc THCS và có kết quả xếp loại năm học lớp 9, hạnh kiểm từ khá trở lên và học lực từ trung bình trở lên (học sinh dân tộc Khmer); đối với học sinh người Kinh có kết quả xếp loại năm học lớp 9, hạnh kiểm tốt và học lực từ khá trở lên; trong độ tuổi theo quy định; thuộc đối tượng theo quy định.

Như vậy, đối chiếu với quy chế tuyển sinh đầu vào tại các trường PTDTNT thì học sinh người dân tộc thiểu số có hạnh kiểm khá trở lên và học lực trung bình trở lên là đủ điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển. Sở Giáo dục và Đào tạo xin trảlời và gửi đến cử tri được biết.

* Cử tri TP. Sóc Trăng kiến nghị xem xét lại chỉ tiêu giao cho ngành Giáo dục thành phố phù hợp với điều kiện hiện có để ngành Giáo dục thành phố có thể thực hiện đạt chỉ tiêu huy động học sinh ra lớp năm 2020; quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho thành phố để đầu tư, mở rộng thêm các công trình trường học đáp ứng các yêu cầu giảng dạy và đạt chỉ tiêu trường đạt chuẩn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Việt Mười: Việc giao chỉ tiêu huy động học sinh ra lớp hàng năm cho TP. Sóc Trăng và các huyện, thị xã, Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ trên số lượng học sinh của toàn cấp học đó, trừ cho số học sinh cuối cấp, cộng với số lượng của khối lớp liền kề đầu cấp như mẫu giáo 5 tuổi, lớp 5, lớp 9 và dân số trong độ tuổi cũng như chỉ tiêu nghị quyết của nhiệm kỳ để giao cho các đơn vị. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri TP. Sóc Trăng, ngành giáo dục sẽ xem xét điều chỉnh cho thành phố và tất cả các huyện, thị xã đảm bảo huy động được tối đa số học sinh trên địa bàn ra lớp và phù hợp với cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có của đơn vị.

Việc đầu tư xây dựng cho các điểm trường đảm bảo mục tiêu chuẩn hóa theo quy định, đạt chuẩn quốc gia là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho nhà trường. Tuy nhiên, đối với vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học, theo phân cấp thì trường mầm non, tiểu học và THCS do phòng giáo dục và đào tạo quản lý, cho nên việc xây dựng, mua sắm thiết bị các trường sẽ do cấp huyện trực tiếp đầu tư. Sở Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến vấn đề này, đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan khảo sát, đề xuất danh mục bức xúc cần được ưu tiên đầu tư, cụ thể: TH và THCS Lý Thường Kiệt, THCS Lê Hồng Phong, THCS Lê Vĩnh Hòa kinh phí được duyệt là 34.600 triệu đồng; Mẫu giáo 1/6, Hoa Mai, Vành Khuyên, Vàng Anh, Mẫu giáo 30/4, Hoàng Yến với tổng kinh phí được duyệt là 28.450 triệu đồng.

* Cử tri huyện Long Phú kiến nghị sớm đầu tư kinh phí sửa chữa nâng cấp Trường THCS DTNT huyện Long Phú. Cử tri huyện Châu Thành kiến nghị nâng cấp Trường THCS DTNT huyện Châu Thành lên trường cấp 2-3.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Việt Mười:Đối với vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, theo phân cấp thì trường THCS DTNT do cấp huyện quản lý, cho nên việc hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp trường sẽ do UBND huyện trực tiếp đầu tư. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tích cực tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp với UBND huyện để xem xét, bố trí kinh phí đầu tư đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Riêng đối với Trường THCS DTNT huyện Long Phú theo đề nghị của UBND huyện, Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 3014/SGDĐT-KHTC, ngày 14-10-2019 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét bố trí vốn năm 2020 với kinh phí là 14 tỉ 998 triệu đồng.

T.T

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/pho-giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-34408.html