Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia nói về tình hình mưa, bão, lũ

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm đề cập nhiều vấn đề liên quan đến diễn biến bão, mưa lớn ở miền Trung và thời tiết nước ta từ nay tới cuối năm.

Phó Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm

Phó Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm

Xin ông cho biết diễn biến thời tiết trên cả nước từ nay đến cuối tháng 10?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Có thể nói từ ngày 5/10 tới nay, thiên tai xuất hiện dồn dập ở nước ta, với 3 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới gối nhau và mưa lũ xảy ra triền miên, với nhiều điểm mưa lớn kỉ lục ở miền Trung.

Hiện nay dải hội tụ nhiệt đới, nơi phát sinh các cơn bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập vào nước ta trong thời gian qua vẫn có trục vắt qua khu vực miền Trung. Vì vậy ở các tỉnh miền Trung trong khoảng 5-7 ngày tới tiếp tục xảy ra mưa to trên diện rộng. Trong đó, khu vực mưa lớn nhất sẽ ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ và có thể trong những ngày tới ở khu vực này tiếp tục xảy ra lũ cao, gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Từ khoảng ngày 23/10 đến cuối tháng 10, vùng mưa lớn ở Trung Bộ có xu hướng thu hẹp lại, chuyển dịch dần xuống phía nam và tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa với lượng mưa có xu hướng giảm so với thời kỳ từ nay đến 21-22/10.

Khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trong những tháng còn lại của năm 2020 trên khu vực Biển Đông là vẫn còn nhưng mức độ sẽ không còn dồn dập nữa. Về không khí lạnh có thể tiếp tục xảy ra các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta gây gió mạnh trên khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Bắc của Biển Đông và khu vực huyện đảo Hoàng Sa.

Theo ông, mưa lũ ở khu vực miền Trung bao giờ mới chấm dứt?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Từ nay đến giữa tháng 11/2020 vẫn là giai đoạn mùa lũ ở khu vực miền Trung, do đó tình hình mưa lũ vẫn còn có khả năng kéo dài. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, trong khoảng 1 tuần tới mưa lớn còn diễn ra ở Trung Bộ, sau đó thu hẹp về phạm vi và cường độ nhưng chưa có khả năng chấm dứt hoàn toàn. Sau đợt mưa lớn kéo dài từ nay đến khoảng ngày 21-22/10, từ ngày 23/10 đến cuối tháng 10, vùng mưa lớn ở Trung Bộ có xu hướng thu hẹp lại và tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Đã gần cuối tháng 10, dự báo từ nay đến cuối năm tình hình mưa bão diễn biến như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Từ nay đến cuối năm 2020 đầu năm 2021, nước ta đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Với tác động của La Nina, chúng tôi dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, còn khoảng 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Mưa lớn dồn dập và kéo dài vẫn có thể xảy ra trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2020.

Sang tháng 11/2020, chúng tôi nhận định tiếp tục có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn ở miền Trung. Dự báo tổng lượng mưa tháng 11/2020 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tổng lượng mưa cao hơn từ 20-50% so với TBNN.

Từ nửa cuối tháng 10 đến tháng 12/2020, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Đỉnh lũ năm 2020 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Trong tháng 10, khu vực miền Trung (từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ) liên tiếp chịu 3 cơn bão, đây có phải là một hình thái thời tiết nguy hiểm chưa từng ghi nhận?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Việc các cơn bão xuất hiện dồn dập vào cuối năm đã được chúng tôi đã dự báo trong các bản tin dự báo dài hạn và trong các bản tin dự báo mùa bão từ đầu năm 2020. Còn việc nước ta liên tục hứng chịu 3-4 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trong khoảng thời gian chưa tới 1 tháng thì hình thái thời tiết này đã từng xuất hiện như vào năm 2013, chỉ trong tháng 9 đã có tới 4 cơn bão, ATNĐ xuất hiện trên Biển Đông và cũng trong năm 2013 trong tháng 11 còn xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, tuy nhiên việc xuất hiện tới 3 cơn bão, 1 ATNĐ trong 1 tháng là điều ít xảy ra.

Ông có thể lý giải vì đâu mà khu vực miền Trung lại mưa triền miên dẫn đến lũ lịch sử?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. Tuy nhiên tháng 10 năm nay cường độ mưa rất mạnh và thời gian kéo dài, nguyên nhân là do khu vực chịu ảnh hưởng của tổ hợp hình thế thời tiết gây mưa lớn điển hình là: hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới; ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới (nằm trên dải hội tụ nhiệt đới này); không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống và đới gió đông trên cao liên tục thổi vào địa hình chắn gió của dải Trường Sơn chạy dọc theo khu vực.

Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa hơn của các hiện tượng trên là tác động của hiện tượng La Nina bắt đầu xuất hiện từ tháng 7 và dự báo kéo dài đến đầu năm 2021. Trong những năm có La Nina, số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn TBNN và mùa mưa bão cũng kết thúc muộn hơn với tình trạng mưa gia tăng hơn ở khu vực Trung Bộ.

Ông có thể cho biết thêm về diễn biến không khí lạnh trong thời gian tới ở Bắc Bộ?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Hiện nay không khí lạnh từ phía bắc liên tục được bổ sung cho đến khoảng ngày 18/10, sau đó suy yếu chậm và sẽ tăng cường trở lại vào khoảng ngày 20-21/10; từ ngày 23/10 không khí lạnh suy yếu dần.

Nhận định xa hơn, chúng tôi dự báo trong những ngày cuối tháng 10 và sang tháng 11/2020, không khí lạnh gia tăng về cả tần suất và cường độ khiến nền nhiệt giảm dần (điều này phù hợp với quy luật hằng năm). Tuy nhiên, nhiều khả năng tháng 11 năm nay không khí lạnh hoạt động mạnh hơn TBNN nên dự báo nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ở mức thấp hơn so với cùng thời điểm này hằng năm khoảng từ 0,5-1,0 độ C.

Chúng tôi dự báo đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm 2020-2021 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12/2020. Các đợt rét đậm rét hại có thể xuất hiện từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, kéo dài từ 5-7 ngày và có thể kéo dài hơn ở các tỉnh vùng vùng núi. Vì vậy cần đề phòng các hiện tượng băng giá, sương muối, mưa tuyết có thể xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương (t hực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/pho-giam-doc-trung-tam-du-bao-kttv-quoc-gia-noi-ve-tinh-hinh-mua-bao-lu/410956.vgp