Phở Hà Nội vượt sóng đến Trường Sa

'Trong một giọt nước rơi lóng lánh có cả câu chuyện của vầng thái dương; trong một miếng ăn cũng thấy rộng ra được những điều cao cả, yên vui trên đất nước bao la giàu có tươi đẹp'. Khi nhà văn Nguyễn Tuân ngồi viết những dòng tuyệt đẹp này trong tùy bút 'Phở', hẳn ông chưa từng nghĩ đến một ngày, nét văn hóa ẩm thực đặc sắc này đã vượt muôn trùng sóng gió để đến với những người lính nơi đảo xa bởi những người con Hà Nội yêu Trường Sa - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Doanh nhân Vũ Ngọc Vượng nấu phở tại Trường Sa.

Doanh nhân Vũ Ngọc Vượng nấu phở tại Trường Sa.

“Ở đâu có hương phở, ở đó có sự hiện diện của ẩm thực Hà Nội…”

Hải trình đến với Trường Sa năm nay của Đoàn công tác Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức làm Trưởng đoàn là chuyến thăm thường lệ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô tổ chức hằng năm đến Trường Sa thân yêu. Năm nào cũng vậy, Hà Nội luôn mang đến Trường Sa những món quà đặc biệt, mang bản sắc, hương vị truyền thống, nét văn hóa, tinh hoa của Hà Nội; thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Thủ đô luôn hướng về cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở huyện đảo Trường Sa với trách nhiệm, tình cảm sâu sắc, thương yêu đặc biệt.

Chuyến đi năm nay, bên cạnh những món quà đặc biệt đó còn có 1.500 suất phở được lên kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết nhất có thể để vượt muôn trùng sóng gió đến với quân và dân Song Tử Tây, Đá Thị, Đá Đông B, Sinh Tồn Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1/8 Quế Đường - những điểm Đoàn công tác Hà Nội sẽ đến thăm theo lịch trình.

Tình nguyện nhận nhiệm vụ đặc biệt này là doanh nhân Vũ Ngọc Vượng, Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Ngọc Vượng. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Vượng là truyền nhân của đời thứ 5 một dòng họ nấu phở bò có tiếng của đất thành Nam xưa mà cha ông đã sớm lên Hà Nội lập nghiệp. Phở muốn thành danh được, muốn thăng hoa được, cũng như công việc làm ăn muốn phát đạt được phải ở những thành phố lớn, nơi có nguồn nguyên liệu bảo đảm và lượng khách hàng ổn định, “sành ăn”. Ý thức được điều đó, Vượng xây dựng chuỗi cửa hàng của mình ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đặc biệt phát triển sự nghiệp ở Hà Nội với 5 cửa hàng trên các con phố sầm uất bậc nhất. Yêu Trường Sa, yêu và thương lính đảo có lẽ là cơ duyên lớn nhất đưa Vượng và phở của Vượng đến với Trường Sa… Anh vẫn nói, cảm xúc với Trường Sa, với lính đảo là không bao giờ đủ. Và ở đâu có hương vị phở, ở đó có sự hiện diện của ẩm thực Hà Nội, ẩm thực Việt Nam. Bởi vậy Vượng luôn mong muốn được mang phở đến với Trường Sa…

Chuyến đi này, con tàu KN-490 đưa đoàn Hà Nội đến Trường Sa xuất phát từ Cam Ranh là một bất lợi lớn cho Vượng trong việc tìm nguồn nguyên liệu. Vì nếu xuất phát từ cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), anh sẽ chủ động hơn với việc lấy thịt bò ở đâu ngon, ninh nước xương cất giữ thế nào để bảo đảm độ tươi ngon, bảo quản bánh phở, gia vị ra sao… Sau một hồi bàn bạc với lãnh đạo đoàn công tác, Vượng quyết định mang bánh phở tươi bằng xe ô tô đông lạnh từ cơ sở sản xuất của gia đình tại Hà Nội vào Cam Ranh, cùng nhiều sản vật của Hà Nội như rau quả tươi, bánh chưng, chả cốm, chả vịt… Thịt bò, gia vị mua tại Cam Ranh và chế biến sẵn, đóng gói đông lạnh trước khi đưa lên tàu. Hai đêm ở Cam Ranh là hai đêm anh hầu như không ngủ để hoàn tất các khâu chuẩn bị. Đến ngày lên tàu, hàng trăm kg bánh phở tươi trong hành trình từ Hà Nội vào không đạt tiêu chuẩn như mong muốn, bánh vẫn tươi nhưng khi nhúng vào nước sôi lại hơi nát. Vượng không nao núng bởi đã có phương án dự phòng bằng bánh phở khô cũng do anh tự sản xuất… Nói đến thịt bò, do mua tại cơ sở chưa quen, hơn 1 tạ thịt sau khi chế biến không đạt chất lượng gầu bò như mong muốn. Anh quyết định chỉ chế biến món phở tái chín và tái nạm để bảo đảm bát phở Trường Sa sẽ tươi ngon, đúng vị như ở Hà Nội.

“Của một đồng nhưng công một nén”, xương bò ninh đúng chuẩn, đợi nguội, đóng vào từng túi nilông chuyên dụng, cấp đông ngay rồi chở thẳng đến khoang đông lạnh của tàu, chờ ngày cập đảo.

Chiến sĩ Trường Sa háo hức với phở Hà Nội.

Ăn phở Hà Nội kiểu lính Trường Sa!

Hành trang của anh Vượng khi xuống tàu KN-490 cũng như khi đến các điểm đảo quý nhất là bộ dao thái, lúc nào cũng khư khư bên mình. Chuyến xuồng đầu tiên khi lên đảo cũng là của Vượng “phở” với lỉnh kỉnh đồ nghề, nguyên liệu rồi mới đến anh em phóng viên và Đội văn nghệ xung kích. Dù đã “hiệp đồng tác chiến” kỹ càng với anh em trên đảo, việc đầu tiên của Vượng khi xuồng cập đảo là ôm túi nguyên liệu lao ngay đi tìm bếp. Vui là đi đến đâu, anh em chiến sĩ cũng hỗ trợ hào hứng, nhiệt tình. Từ nổi lửa, đun nước sôi, lựa gia vị, sắp sẵn bát đũa… mọi thứ cứ rộn ràng như nhà có cỗ.

Tại khu bếp ngăn nắp trên đảo Song Tử Tây, anh lính trẻ Lê Đại Tiến quê ở Hà Tĩnh tay vừa thoăn thoắt thái ớt tươi vừa hào hứng chia sẻ: “Em ra đảo được một năm rồi, nhớ phở Hà Nội lắm. Trước đây em học 4 năm Đại học ở Hà Nội, sáng nào cũng thích ăn phở, nhất là phở bò tái chín ở một quán trên đường Nguyễn Trãi ấy. Hôm nay vui quá, phở làm em nhớ Hà Nội, nhớ bao bạn bè…”. Mỗi đảo có một kiểu nấu nướng riêng, lúc bếp dầu, lúc bếp gas, như đảo Đá Thị, khu vực nấu nướng chật chội chỉ đủ 1 người đứng, chỗ nào Vượng cũng thoăn thoắt như ở gian bếp quen thuộc. Có anh lính trẻ lần đầu nhìn thấy “thợ” Hà Nội vào nấu phở, vừa lựa bát đũa vừa ngấp ngó nhìn, còn tủm tỉm cười…

Mà ăn phở ở Trường Sa lạ lắm. Vẫn là bát sẵn bánh, xếp thịt, hành và chan vào muôi nước còn sôi sùng sục từ bếp. Nhưng ở Trường Sa, không phải cái bát sành, bát sứ như thường thấy mà là cả một tô bằng inox, đủ cho 6 người ăn. Chiến sĩ ngồi sẵn ở bàn đợi, háo hức ngó vào bếp. Cảnh tượng đáng yêu ấy làm tôi nhớ đến bài thơ Nước non ngàn dặm của nhà thơ Tố Hữu:

“Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”

Không để các chàng lính trẻ phải đợi lâu, Vượng nhễ nhại mồ hôi bưng ra từng tô sắt to đùng bốc hơi nghi ngút. Và sau đó như tiệc của lính đảo, phở được lấy ra từng bát ăn cơm nhỏ, chan đủ nước, thịt, hành hoa và đầy đủ chanh, ớt tươi. Những ánh mắt lấp lánh, những gương mặt lính trẻ măng lấm tấm mồ hôi… hình ảnh sống động, đáng yêu của một bữa ăn tôi chưa từng thấy ở đâu. Bữa ăn chiều trên đảo Trường Sa có phở Hà Nội, Binh nhất Nguyễn Tá Tuấn quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa ăn liền lúc ba bát. Lau mồ hôi, Tuấn cười lỏn lẻn: “Em ra đảo được 9 tháng rồi. Phở Hà Nội ngon quá, lần đầu tiên em được ăn, mà lại là ăn ở đảo thế này, vui quá…”.

Chia sẻ với niềm vui của các chàng lính trẻ, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - một thành viên trên tàu KN-490 cũng hào hứng: “Thật đặc biệt khi ở tận nơi muôn trùng sóng gió Trường Sa vẫn được ăn phở Hà Nội. Mà hương vị của phở vẫn nguyên vẹn như ở đất liền, không có sự khác biệt - khiến ở giữa biển mà có cảm giác như Hà Nội rất gần. Niềm vui này đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của người nấu nhưng không thể không nói đến ý tưởng thú vị, bất ngờ và sự hỗ trợ nhiệt thành từ lãnh đạo đoàn Hà Nội. Bởi mang được món ăn đậm hương vị Hà Nội ra đến Trường Sa đã là điều đặc biệt, đặc biệt hơn nữa là các chiến sĩ đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” được ăn theo nhu cầu, chứng tỏ Hà Nội đã chuẩn bị vô cùng chu đáo…”.

Điều tiếc nuối nhất của Vượng và cộng sự cũng như Đoàn công tác có lẽ là không thể nấu phở trên Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Đêm trước ngày lên Nhà giàn, biển động, sóng lớn, tàu chòng chành như đưa võng. Vượng và mấy anh em “xung kích”, trong đó có cả lãnh đạo Đoàn Hà Nội bảo nhau quyết tâm lên nhà giàn cho bằng được. Sáng hôm sau, hai xuồng đã xuống biển, nhưng vật lộn hàng giờ đồng hồ cùng thịt bò, bánh phở, hành hoa… anh em vẫn không thể tiếp cận DK1/8 Quế Đường. Nhìn các chiến sĩ mặc áo phao đứng ngóng đoàn mà thương đến thắt lòng. Tất cả đành quay trở lại Đài chỉ huy, hát, trò chuyện với các anh qua bộ đàm. Nhiều cô ca sĩ vừa hát vừa khóc khiến nhiều người lặng lẽ rơi nước mắt…

Hải trình Trường Sa của Đoàn công tác Hà Nội trên tàu KN 490 tháng 4-2023 đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi cán bộ chiến sĩ, đồng bào nơi đoàn đến thăm. Nhưng điều đọng lại tuyệt vời nhất là cảm giác gần gũi, ấm cúng như những người thân lâu ngày gặp lại, cùng nhau thưởng thức hương vị phở Hà Nội ngay giữa muôn trùng sóng nước. Khoảng khắc ấy ai cũng thấy Hà Nội - Trường Sa thật gần…

Văn Ngọc Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1062977/pho-ha-noi-vuot-song-den-truong-sa