Phố không mùa, tập thơ đầu tay đầy hoài niệm

Chiều qua, cây bút thơ Tâm Minh gửi cho tôi một bài thơ vừa mới viết trong mùa Vu Lan. Anh nhờ góp ý và cho biết, bài thơ là cảm tác trước nỗi xúc động của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi gặp một bà mẹ Việt Nam anh hùng, 51 năm qua chờ mong hài cốt của con và vẫn tiếp tục chờ mong một người con khác... Anh viết hoa những chữ Mẹ:

“Ngày lại ngày Mẹ luôn mong ngóng

Chờ tin con, hình bóng biệt tăm

Mỏi mòn lòng Mẹ bao năm

Hình hài cốt nhục con nằm nơi đâu?”

(Mẹ Việt Nam anh hùng)

Là một kỹ sư xây dựng, Tâm Minh (tên thật là Nguyễn Dương Tâm Minh, sinh năm 1975) đã có nhiều năm làm việc trong môi trường... không có thơ ca.

Quê ở Thừa Thiên - Huế, anh theo gia đình vào Xuân Lộc, Long Khánh từ khi mới 3 tuổi. Cha và mẹ đều là nhà giáo, nhiều năm dạy văn, Tâm Minh cũng từng là học sinh giỏi văn những năm học cấp 2. Song là anh lớn của gia đình có 5 anh em, anh đã chọn con đường vào Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), ngành Xây dựng. Vượt qua nhiều trở ngại, Tâm Minh quyết tâm học thành tài, thử sức trong nhiều công ty và bôn ba từ Nam ra Bắc để làm nên những công trình.

Và cũng từ đó mà thơ trở lại với anh, như một cơ duyên trong đời. Khoảng từ năm 2012, Tâm Minh bắt đầu viết nhiều thơ, tham gia một số trang thơ và hòa mình vào với bạn thơ Hà Nội trước khi tìm về với Đồng Nai. Anh viết về đất Huế, cố hương:

“Người xứ Huế chịu thương chịu khó

Cuộc mưu sinh, bỏ lại câu hò

Chợ Đông Ba vắng con đò

Đò về Vỹ Dạ... câu hò chơi vơi.

Nay lại trở về nơi bến cũ

Sớm mùa đông sương phủ xa mờ

Dòng sông nước chảy lững lờ

Quê hương... nơi ấy mẹ chờ mong con”

(Quê hương)

Có thể nói cảm xúc về quê hương, đất nước và con người trong thơ Tâm Minh rất liền mạch, trong sáng và tràn đầy yêu thương. Tâm Minh viết trước hết là cho chính mình, một tâm hồn phóng khoáng, rộng mở và đắm mình trong những chuyến đi dài. Vì mưu sinh và cũng vì sự phát triển của cuộc sống, sự nghiệp.

Anh có nhiều bài thơ ghi lại những cảm nhận, ưu tư và mơ ước ở nhiều vùng đất khác nhau: Sài Gòn lập đông, chuyện tình trên sóc Bom bo, Sapa, Phố núi, Yên Tử, Yên Bái, Hà Nội mưa, nhớ Tuyên Quang, cô giáo vùng cao, sơn nữ Cao Lan...

Tuy vậy, mảnh đất cho anh nhiều “vốn liếng” thơ ca nhất vẫn là Long Khánh, nơi anh và gia đình gắn bó từ thuở ấu thơ, những vườn cây trái trên nền đất đỏ bazan đã ăn sâu vào ký ức:

“Bình Lộc sum suê cây trái ngọt lành

An Lộc, Suối Tre loanh quanh triền dốc

Thông reo bạt ngàn, hồ xanh như ngọc

“Đà Lạt miền Đông” cảnh sắc nên thơ

Tiếng chuông chùa một buổi sớm tinh mơ

Lan Nhã Trúc Viên sương mờ nhân ảnh

Lữ khách phương xa lặng thầm vãn cảnh

Khói hương lòng thanh thản chốn quê xưa”.

(Xuân)

Song dẫu có “đóng vai” một người lữ khách ngay ở quê hương bản quán, tác giả cũng không dứt ra khỏi những hoài niệm của thời đi học. Tâm Minh có những câu thơ rất xúc động dành cho thuở thiếu thời ở Long Khánh, chính anh cho biết đó là một thời thơ ngây theo anh suốt cuộc đời:

“Ta gặp lại ngọt ngào câu hát

Những mái đầu nhuốm bạc thời gian

Tuổi học trò đã sang trang

Dòng đời xô đẩy, muộn màng gặp nhau...”

(Bạn học Long Khánh)

Bên cạnh một con người - thơ đầy nghĩa tình mà Tâm Minh tự viết nên bao năm qua, thấp thoáng xuất hiện một hồn thơ bi cảm, lãng đãng cùng sự trầm uẩn chưa thể gọi tên. Có lẽ chính anh cũng chưa cảm nhận được rõ điều này:

“Mùa đi qua phố vắng rất nhanh

Phố không anh. Phố không mùa nữa

Đám lá vàng chỉ còn run... một nửa

Sâm cầm kêu thảng thốt giữa lưng trời

Lá không mùa, lá trút tơi bời

Sen Hồ Tây hao gầy theo cơn gió

Tiếng rao đêm không mùa, vang vọng quá...”

(Phố không mùa)

Bài thơ được chọn để đặt tên cho tập thơ đầu tay của Tâm Minh: Phố không mùa. Có lẽ hồn phố thị đã gắn kết vào trang thơ của Tâm Minh những nét tươi mới hơn, giúp những hoài niệm của anh trong cuộc sống và trong thơ có thêm chiều sâu, sự lắng đọng. Có lẽ cũng nhờ những vần thơ bất chợt, những cảm xúc không đoán định và không quyết đi đến cùng câu chuyện đời. Vì vậy, thơ của Tâm Minh luôn nhẹ nhàng, thơ mộng.

Trương Ngọc Du - một nhạc sĩ có tiếng của Long Khánh và cũng là một người bạn vong niên, đã phổ khá nhiều bài thơ của Tâm Minh cũng vì lý do thơ anh giàu tính nhạc, có sẵn vần điệu và rất hòa hợp với đời sống tuổi trẻ nhưng cũng không “đi lạc” vào sự dễ dãi (Anh sẽ về, Bạn học, Mùa thương, Hạ nhớ, Hà Nội lập đông...).

Phố không mùa đã mở đường cho sự hoài niệm của nhà thơ về với chính mình, từ những điều lớn lao như quê hương, cội nguồn, gia đình, tình yêu... cho đến những khoảnh khắc tưởng chừng mơ hồ, xa lắc...

Tham gia Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai khi đã ngoài 40 tuổi, song Tâm Minh thật sự là một nhà thơ trẻ, từ tâm hồn cho đến cái nhìn cuộc đời tươi xanh, giọng thơ hồn hậu, chân thành, say mê. Chúc mừng anh với tập thơ đầu tay Phố không mùa (NXB Thanh niên, 2022); và mong rằng đây sẽ là sự khởi đầu đẹp cho một hành trình sáng tạo mới của người kỹ sư đa tài Nguyễn Dương Tâm Minh.

Mai Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202207/pho-khong-mua-tap-tho-dau-tay-day-hoai-niem-3127731/