Phó mặc tính mạng cho tử thần

Nhiều học sinh, người dân ở bên bờ hữu sông Âm thuộc xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) hàng ngày đang phó mặc số phận cho tử thần khi phải vượt sông bằng bè mảng để tới trung tâm xã, tới trường tìm con chữ. Bà con cũng như chính quyền địa phương khẩn thiết mong ước được Nhà nước sớm đầu tư xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông.

Việc qua lại của người dân trên dòng sông Âm gặp rất nhiều khó khăn.

Đánh cược mạng sống

Bên bờ hữu sông Âm là nơi cư trú của hàng trăm hộ dân thuộc 4 làng Mui, Xuân Lai, Lãi, Tân Lập, xã Phùng Minh. Hàng ngày, bà con, các cháu học sinh phải vượt sông Âm bằng bè mảng tới trung tâm xã giải quyết công việc, tới trường.

Tới làng Mui, tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục học sinh cấp tiểu học, THCS mỗi ngày qua lại trên dòng sông Âm từ 2 đến 4 lượt bằng bè mảng được ghép từ luồng, nứa mới cảm nhận hết sự vất vả và hiểm nguy.

Đặc biệt, mỗi khi có mưa lớn, hay khi lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước dâng cao, khoảng cách đôi bờ sông Âm rộng ra; người dân, học sinh xã Phùng Minh muốn qua lại trên dòng sông này đành phải đánh cược mạng sống của mình với hà bá.

Gia đình chị Bùi Thị Oanh, trú làng Mui hiện có 2 con học lớp 6 và lớp 8, hàng ngày đang phải qua sông bằng bè mảng để đến trường, rất cực.

Chị Oanh nói: “Con em chúng tôi đi học vất vả lắm, muốn có cái chữ thì phải vượt sông bằng bè mảng. Sáng bọn trẻ qua sông rồi gọi điện cho bố mẹ yên tâm, buổi chiều thì khi nào thấy con về mới có thể thở phào nhẹ nhõm”.

Chị Nguyễn Thị Hằng phàn nàn: “Nhiều khi muốn sang trung tâm xã nhưng rất ngại vì phải qua sông. Bà con ở đây khổ lắm”.

Được biết, cách làng Mui gần 10km có một cây cầu cứng bắc qua kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã vừa được xây dựng xong.

Nhưng người dân thuộc 4 làng nêu trên muốn qua cầu để đến trung tâm xã thì phải đi xa 20 km, rất bất tiện.

Em Lê Đức Anh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Phùng Minh tâm sự: “Mỗi lần qua sông bằng bè mảng để đến trường, cháu sợ lắm.

Đã có lần cháu bị trượt chân khỏi mảng rơi xuống sông nhưng may mắn hôm đó nước nhỏ nên cháu bơi vào bờ được”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay toàn xã Phùng Minh có 15 học sinh tiểu học, 22 học sinh THCS và 1 học sinh mầm non cùng hàng trăm hộ dân đang phải dùng bè mảng để vượt sông đến các điểm trường, đến trung tâm xã.

Khát vọng cây cầu

Trước khó khăn và hiểm nguy đối với tính mạng con trẻ, nhiều gia đình ở Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc bất đắc dĩ phải chuyển con sang học tập tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân ngay từ khi các cháu bước vào bậc mầm non.

Vì cả 4 làng Mui, Xuân Lai, Lãi, Tân Lập đều cách địa phận xã Ngọc Phụng chỉ hơn 1km, đường sá đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, việc cho con em qua địa phương khác học gặp nhiều bất cập trong thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Anh Nguyễn Hữu Minh, trú làng Mui nói: “Nếu có cây cầu thì dân chúng tôi bớt khổ, con cái đi lại học hành tốt hơn, an toàn hơn. Nhưng giờ chưa có cầu nên chúng tôi đành phải chọn giải pháp tối ưu để đảm bảo tính mạng cho con cái”.

Ông Nguyễn Văn Cao (59 tuổi), người làng Mui cho biết, ông hành nghề chèo bè mảng đưa người qua sông Âm đã gần 30 năm.

Trước đây, có hơn 60 học sinh ở Phùng Minh hàng ngày phải qua sông bằng bè mảng để đến trường, bây giờ học sinh ít hơn.

Vào mùa khô còn đỡ, chứ đến mùa nước lụt thì việc qua lại trên dòng sông này gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy Hoàng Xuân Sơn - Phó hiệu trưởng Trường THCS Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc cho biết: Toàn trường có 123 học sinh nhưng có 22 em thường xuyên phải dùng mảng vượt sông tới trường.

Những hôm trời mưa to, việc qua lại trên sông rất nguy hiểm đối với các em.

Chính vì vậy, mỗi khi có lũ hoặc mưa lớn, trường THCS Phùng Minh lại phải thông báo để số học sinh ở bên bờ hữu sông Âm nghỉ học nhằm bảo toàn tính mạng.

Nói về sự việc trên, ông Ngô Trọng Túc - Chủ tịch UBND xã Phùng Minh cho biết: Cách đây một thời gian đã có đoàn công tác về địa phương kiểm tra, khảo sát và khoan địa chất để xây cầu qua sông Âm. Tuy nhiên khi nào mới có dự án, bao giờ cầu sẽ được khởi công xây dựng ở Phùng Minh hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/pho-mac-tinh-mang-cho-tu-than-tintuc399903