Phố nào tại Hà Nội từng có nghề đóng quan tài?

Từ xa xưa, khu phố này từng có nhiều hộ gia đình làm nghề đóng quan tài. Tên nghề vì vậy cũng trở thành tên phố.

1. Phố nào tại Hà Nội từng làm nghề đóng quan tài?

Hàng Hòm
Lò Sũ
Hàng Chĩnh
Hòe Nhai

Chính xác

Ít người biết, phố Lò Sũ trước đây có nghề làm quan tài. Chữ “sũ” cũng có nghĩa là “áo quan”. Ngoài ra, phố còn có nghề rèn, vì vậy những người thợ tại đây thờ ổng tổ nghề mộc và nghề rèn. Trong khi đó, phố Hàng Hòm lại không phải nơi bán quan tài mà chuyên về các loại hòm gỗ đựng quần áo, đồ đạc, hoặc tráp sơn mài.

2. Phố Nguyễn Thái Học tại Hà Nội từng có tên là gì?

Phố Hàng Khay
Phố Hàng Đẫy
Phố Quốc Tử Giám
Phố Đại Hưng

Chính xác

Phố Nguyễn Thái Học trước tên là phố Hàng Đẫy, có sân vận động Hàng Đẫy thường tổ chức các trận đấu thuộc khuôn khổ các giải bóng đá trong nước và quốc tế. Xưa kia, phố chuyên bán đẫy, một loại vật dụng làm bằng vải, tương tự cái túi, bị hoặc tay nải, dùng để đựng vật dụng cho những chuyến đi xa. Đẫy có thể khoác lên vai, đeo như túi ba lô ngày nay.

3. Đâu là tên gọi chính xác của một con phố tại Hà Nội?

Phố Tô Tịch
Phố Tố Tịch
Phố Tổ Tích
Phố Tộ Tịch

Chính xác

Tố Tịch là một con phố nhỏ, dài chưa tới 100m nối từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai (thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thời Pháp thuộc, phố có tên đầy đủ là “Ruelle de To Tich” hoặc phố Thợ Tiện theo cách gọi của người Hà Nội xưa. Ngày nay, nhiều người quen gọi tên phố là Tô Tịch, nhưng Tố Tịch mới chính xác theo văn bản hành chính.

4. Ngõ Cấm Chỉ gắn liền với giai thoại về vị vua thuộc triều đại nào?

Nhà Lê
Nhà Mạc
Nhà Nguyễn
Nhà Tây Sơn

Chính xác

Cấm Chỉ là ngõ nối liền phố Hàng Bông và phố ẩm thực Tống Duy Tân. Tên ngõ gắn liền với giai thoại về vua Lê Trang Tông (1515 – 1548) hay Lê Duy Ninh, con trai của vua Lê Chiêu Tông.

Tương truyền, khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông phải cùng mẹ lẩn trốn và lớn lên trong cảnh nghèo khó. Vì không có tiền, ông thường xuyên ăn chịu những hàng gánh ngoài phố với lời hứa khi phát đạt sẽ trả lại đủ. Tuy nhiên, hàng nào được ông ghé thăm đều trở nên đông khách kỳ lạ, khiến nhiều người muốn mời tới ăn để lấy may. Lâu dần, nhân dân trong vùng lưu truyền câu nói “Nợ như Chúa Chổm”, do tên gọi thuở nhỏ của ông là Chổm.

Lưu lạc nhiều năm, Lê Duy Ninh được trung thần Nguyễn Kim đón về kinh để dựng lại triều Lê. Nhiều chủ hàng từng bị ông ăn chịu thấy vậy kéo nhau đến chỉ trỏ nhà vua nhằm đòi lại tiền. Những người không liên quan cũng bắt chước làm theo. Cuối cùng, triều đình phải đặt bảng “cấm chỉ” ở gần cửa Nam kinh thành nhằm ngăn dân chúng thấy vua không được lao vào chỉ trỏ đòi nợ nữa. Tên ngõ Cấm Chỉ cũng hình thành từ đó.

5. Tên phố Nhà Hỏa xuất phát từ đâu?

Phố có đền thờ Hỏa Thần
Phố có trạm cứu hỏa
Phố có nhiều lò rèn

Chính xác

Nhà Hỏa là con phố thuộc khu phố cổ Hà Nội, dài khoảng 128m, bắt đầu từ ngã năm phố Hàng Gà, Hàng Điếu, Hàng Phèn, Cửa Đông đến góc phố Đường Thành và Bát Đàn. Phố thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Tên phố Nhà Hỏa xuất phát từ đền thờ Hỏa Thần, nay là số 30 Hàng Điếu. Xưa kia, những nhà dân tại khu vực này thường xuyên bị thiệt hại do hỏa hoạn, nên người dân lập ngôi đền để xin bình an. Tại đền thờ Hỏa Thần còn có một chiếc chuông lớn, giúp báo động mỗi khi có cháy. Hiện ngôi đền được xếp hạng di tích lịch sử và là đền thờ Hỏa Thần hiếm hoi xuất hiện tại Việt Nam.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khu-pho-nao-tai-ha-noi-tung-lam-nghe-dong-quan-tai-2276590.html