Phố Nguyễn Trung Ngạn, còn hay mất?

Một người bạn Việt Kiều nhờ tôi chuyển gói quà cho người bà con ở Hà Nội. Bao nhiêu năm xa, mà chị vẫn nhớ như in con phố nhỏ kẹp giữa hai số nhà 16 và 18 phố Nguyễn Công Trứ.

 Phố Nguyễn Trung Ngạn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Phố Nguyễn Trung Ngạn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Gọi là phố thì quá đáng, vì là một ngõ cụt, dài đúng 46 mét, rộng 3 mét. Nhưng mà có gắn biển tên phố từ thời vị Đô trưởng Hà Nội đầu tiên, bác sỹ Trần Văn Lai đấy anh ạ. Phố Nguyễn Trung Ngạn, nơi từng lưu giữ tuổi thơ tôi…”

Số nhà 18 đây rồi. Số 16 đang phá dỡ để xây mới. Tôi nhớ, đó là khách sạn Hướng Dương, nơi tôi đã đến thăm một người bạn hồi công tác trong ngành du lịch. Và đây, con ngõ nhỏ kẹp giữa hai số nhà 16, 18, nơi bày tạm một quầy phở và một quán nước, phía trong ngổn ngang xe máy của nhóm thợ xây dựng. Tìm mãi không thấy biển đề tên phố.

Hỏi chủ hàng phở, liền được giải đáp: “ Đúng rồi, đây là phố Nguyễn Trung Ngạn. Anh tìm ai?” Tôi nói lí do đến đây. Và được chỉ dẫn tận tình: “Người tên Liên anh tìm mới chuyển đi rồi. Căn nhà đang xây bà Liên mới bán lại. Đó, số nhà 3A của bà Liên đó. Ngõ này chỉ có số 3A, 3B và số 5 trong đường cụt kia là hết. Trước ngõ thông sang phố Phạm Đình Hổ, nhưng bị bịt lại rồi. Thư từ, quà cáp gửi về đây, lâu nay không ai gửi về phố Nguyễn Trung Ngạn, mà thường đề ngõ 18 Nguyễn Công Trứ, cho dễ nhận.”

Sao có thể mất được một đường phố đã được đặt tên từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa? Sao một tên tuổi lẫy lừng như thế lại bị đặt vào một ngõ cụt độ dài chỉ vài số nhà? Sao không ai kêu cho ông cụ một tiếng? Tôi bùi ngùi hồi lâu trước ngõ phố nhỏ mang tên một nhân vật văn hóa lớn thời Trần mà nay hầu như bị xóa dấu tích.

Trong lịch sử khoa bảng nước Việt, Nguyễn Trung Ngạn là vị Hoàng giáp khai khoa. Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Giáp Thìn, 1304. Tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh dũng thủ, sung làm nội thư gia; … Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp, tất cả 44 người đỗ Thái học sinh… Trung Ngạn mới 16 tuổi, đương thời gọi là thần đồng.”

Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370), người làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, Hưng Yên ngày nay, chính là hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234- 1256). Con đường quan lộ của ông trải bốn triều vua Trần ( Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông), là thời kỳ hưng thịnh sau ba lần đại thắng Nguyên Mông.

Hầu như toàn bộ tài năng, tâm sức của ông đã được huy động để phụng sự cho sự nghiệp chấn hưng đất nước. Trong vòng hơn sáu mươi năm Nguyễn Trung Ngạn lần lượt giữ nhiều trọng trách, chức vụ lớn: Thị ngự sử ( 1321); Thiêm tri Thánh từ cung sự; An phủ sứ Thanh Hóa (1326); Nội mật viện phó sứ (1332); An phủ sứ Nghệ An kiêm Quốc sử viện Giám tu quốc sử (1337); Hành tào vận lộ sứ Khoái Châu (1337); Kinh sư Đại doãn ( 1341); Hành khiển tri Khu mật viện ( 1342); Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội Đại hành khiển (1355). Và cuối cùng trước khi hưu trí là Thượng thư Hữu bật kiêm tri Khu mật viện, Thị kinh diên Đại học sĩ, Trụ quốc tước Khai huyện bá, gia Thân Quốc công. Về các lĩnh vực ngoại giao, quân sự ông đều có những cống hiến xuất sắc.

Bia tưởng niệm vị Đại thần trải qua 5 đời vua nhà Trần.

Riêng về văn hóa, luật pháp, văn chương, công trình Hoàng triều đại điển và bộ Hình thư cùng soạn với Trương Hán Siêu là hai trước tác quan trọng.

Đương thời, Nguyễn Trung Ngạn là bạn tương giao với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán… Ông nổi tiếng thơ hay, sau này được Phan Huy Ôn tuyển chọn trong Giới Hiên thi tập. Phan Huy Chú từng nhận xét: “Lời thơ phần nhiều hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng” (Đỗ Phủ đời Đường). Với kinh đô Thăng Long, Nguyễn Trung Ngạn từng là Kinh sư Đại doãn (1341), một chức vụ như Bí thư và Chủ tịch Hà Nội bây giờ.

Hẳn những năm sống ở Thăng Long, và nhất là thời kỳ điều hành công việc kinh sư, ông đã để lại nhiều dấu ấn với dân chúng, nên sau khi ông mất, có tới bẩy ngôi đền quanh vùng Thọ Xương cũ: Đền Tiên Hạ, 48 ngõ Phất Lộc; đền Hương Tượng, 64 Mã Mây; đền Hương Nghĩa, 13B Đào Duy Từ; đình Mỹ Lộc, 45 Nguyễn Hữu Huân; đình Hương Bài, 90 Trần Nhật Duật; đình Ưu Nghĩa, 2A Nguyễn Hữu Huân; đình Phú Lộc, 6 Lương Ngọc Quyến .

Tam triều huân liệt quang tiền sử/ Thất miếu linh thang dực cố đô ( Công rực rỡ ba triều sáng ngời sử cổ/ Tiếng linh thiêng bẩy miếu phù trợ cố đô). Đó là đôi câu đối ở đền Tiên Hạ, ngõ Phất Lộc. Thương dân dân lập đền thờ, ứng với công đức của Kinh sư Đại doãn, Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn.

Có một đấu tích của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn để lại từ ngót bẩy trăm năm trước, vẫn còn trường tồn với thời gian. Đó là bài văn khắc trên vách đá ở thị trấn Con Cuông, Nghệ An, thượng nguồn sông Lam: Bia Ma Nhai kỷ công bi văn. Chắc chắn đây là văn bia trên đá cổ nhất của Đại Việt, cổ hơn tấm văn bia Chợ Bờ của Lê Lợi, Thạch Bi ở Phú Yên và thơ trên núi Truyền Đăng, Hòn Gai của Lê Thánh Tông cả trăm năm.

Ấy là vào năm 1335, Nguyễn Trung Ngạn với vai trò Phát vận sứ Thanh Hóa đi phục dịch Thượng hoàng Trần Minh Tông tiễu phạt bọn gây rối ở biên giới Ai Lao. Hoàn thành sứ mệnh, Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn thảo văn và sai quân mài đá núi khắc để ghi nhớ dấu mốc lịch sử. Trải qua bẩy thế kỷ, bia Ma Nhai hầu vẫn còn nguyên vẹn.

Du khách ngược quốc lộ 7 theo bậc thềm sông Lam qua cửa khẩu Nậm Cắn sang Xiêng Khoảng, Lào, khi qua thị trấn Con Cuông chừng một cây số, địa phận thôn Trầm Hương, nhìn sang bên trái sẽ thấy một vách núi dựng đứng, trên một cửa hang có một mặt đá phẳng, chừng hơn bốn mét vuông , có khắc 14 dòng, với 155 chữ Hán Nôm, nét khắc sâu kích cỡ lớn, đọc rất rõ. Vách đá bia và hang trở thành một văn tích lịch sử, một địa chỉ du lịch hấp dẫn đang được huyện Con Cuông tôn tạo và quảng bá với du khách.

Trở lại Hà Nội, tình cờ tôi gặp tiến sỹ Nguyễn Đình Hy, quê gốc ở Thanh Chương, Nghệ An, hậu duệ đời thứ 25 của dòng họ Nguyễn Công. Thì ra, ngoài họ Nguyễn Trung ở quê gốc Thổ Hoàng, Ân Thi, Hưng Yên, hậu duệ Nguyễn Trung Ngạn còn có ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi ông có nhiều năm làm Phát vận sứ.

Tại nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Công ở làng Bình Thọ, xã Thái Sơn, Đô Lương, Nghệ An còn lưu giữ cuốn gia phả được lập từ thời Hồng Đức 1470 – 1497. Chiếu theo gia phả thì danh nhân Nguyễn Công Trứ ( Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thời Nguyễn, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ ( Thanh Chương, Nghệ An) thời nay, đều là hậu duệ của Nguyễn Trung Ngạn.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Hy ngậm ngùi: “Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hội khoa học lịch sử Việt Nam có tổ chức cuộc hội thảo tại Văn Miếu Quốc Tử giám về Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn. Mở đầu cuộc hội thảo, bà Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói: “Đại doãn Kinh sư Thăng Long, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn chính là một trong những danh nhân văn hóa góp phần không nhỏ vào việc tạo nên truyền thống văn hóa của mảnh đất văn hiến và thanh lịch này”.

Cũng tại cuộc hội thảo, con cháu hậu duệ của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn tại Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đề xuất việc xin thay tên phố Nguyễn Trung Ngạn tại Hà Nội để đỡ tủi vong linh vị Đại doãn Kinh sư. Vậy mà hai mươi năm đã qua... ngay cả một ngõ cụt Nguyễn Trung Ngạn cũng không còn…”

Biết nói gì với tiến sỹ Nguyễn Đình Hy? Hà Nội năm 1945, năm 1954 còn nhỏ hẹp, ít phố phường, có một đoạn phố Nguyễn Trung Ngạn đã là đạo nghĩa lắm rồi. Bây giờ, Hà Nội cất cánh, nhà chọc trời, có đường phố vắt qua vài ba quận, mà vẫn không có nổi một phố Nguyễn Trung Ngạn cho xứng với tiền nhân, mới là điều phải suy ngẫm. Chẳng lẽ chúng ta thờ ơ, bàng quan, vô cảm và bạc bẽo… đến thế sao?

HOÀNG MINH TƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/pho-nguyen-trung-ngan-con-hay-mat-post251672.html