Phố núi thương phận thông tàn

Người Đà Lạt khiêm nhường không cầu nhiều của cải cũng bị cuốn vào dòng thác thực dụng đang lai láng khắp đất nước, thờ ơ dần với loài cây họ vốn nặng tình...

N gười Lạch sơn nguyên bản địa gọi cây thông là n’ho. Từ đó người Kinh đến Đà Lạt gọi nó là ngo. Ở đó, Đà Lạt, hai mươi lăm năm trước người ta yêu cây ngo như một bộ phận của nơi ở, căn nhà, không gian mình sống, rừng ngo quê hương.

Đời ngo - đời người

Buổi ấy, rất khó để thấy một gia đình nào đó, công sở nào đó trong khuôn viên có cây ngo mà người ta sẵn sàng đưa tay cho biến phăng nó đi dễ dàng.

Những cây ngo thơ thẩn bên mép nhà, nơi sân, góc vườn, nó như nghiễm nhiên được tồn tại mà không lo nhiều đến số phận. Chặt bỏ ngo cứ như là rơi vào thế bí kẹt, chuyện chẳng đặng đừng. Là người ta xót khi phải tiễn nó đi.

Thói quen người sống cần có nó, bên nó. Như lối từ ngõ vào sân nhà nếu có một cây ngo thì gia chủ chấp nhận cho xe chạy vòng qua một tí, cây ngo còn ở đó. Xây một bức tường ngăn cách giữa hai nhà, nếu có một cây ngo nằm giữa ranh giới hai nhà thì cây ngo vẫn cứ đứng đấy và hai đoạn tường nối vào hai bên nó theo trục dọc.

Và với hàng phố, chòm xóm, ai chặt bỏ ngo là mọi ánh mắt nhìn sang, và người qua lại trước đường thì đứng nhìn vào, “thành chuyện”.

Bóng ngo in trên tường, và lá ngo, trái ngo còn rơi đậu trên mái nhà. Mùa khô, lâu lâu lên mái nhà quét lớp lá kim khô kia đi, vậy mà không gia chủ nào thấy phiền. Không quét thì để đó, lá kim mà, nhỏ và nhẹ thế thì nào có áp lực gì trên mái đâu, để mùa mưa về nước trời sẽ giải quyết nó hồi quy mặt đất.

Kiến trúc và tâm hồn con người cùng hòa vào bóng ngo. Nhiều khi thấy một hai cây ngo trong một khuôn viên tồn tại cứ như chẳng theo bài bản quy hoạch nào cả, như nó đang làm cản trở sự hoàn hảo của một không gian, của cái “view”.

Trên con phố này, cây thông đôi như cặp tình nhân vào năm ngoái đang chết từ từ, và hiện giờ chỗ đất ấy đã là một khách sạn.

Trên con phố này, cây thông đôi như cặp tình nhân vào năm ngoái đang chết từ từ, và hiện giờ chỗ đất ấy đã là một khách sạn.

Ngo sống riêng một khoảng trời. Hiếm khi thấy nhà nào thiên hạ đặt một cái bàn trà, hay chiếc võng dưới bóng nó. Nó có phải tàng cây lá rộng đâu mà đặt bàn trà - tầng của nó nhỏ hẹp chót vót ở trên trời - chẳng chiếm mấy đất đai. Họ cần hình thái của một loài cây thân thuộc hay cần tâm hồn nó bằng một kiểu tự tâm tự nhiên rỗng tuênh nào đó mà ta không thể lý giải được.

Đời ngo bao giờ cũng dài hơn đời người. Có những gia đình hai ba thế hệ lần lượt ra đi, cái cây ngo kia trong khuôn viên nhà tươi xanh vẫn đứng đó. Tự nhiên, nó làm chứng nhân của một mái ấm, tổ người, chở ký ức của một gia đình. Cũng chẳng hiểu sao những năm tháng kia, các kiến trúc sư cho dù đến từ đâu, khi vẽ nhà cho người Đà Lạt họ cũng luôn tìm cách vẽ sao để tránh dọn trắng ngo trên một khuôn viên nếu có nó, còn phối cảnh có ngo cho một ngôi nhà là điều thường thấy nơi các bản thiết kế. Cần tận dụng đất đai để có đủ mặt bằng xây dựng, nhưng cũng cần một tí chỗ cho một gốc ngo đơn lẻ nào đó vươn lên thở, cho còn bóng dáng một giống loài thân mật.

Người phố lạnh Đà Lạt an nhiên trước người của Hòn ngọc Viễn đông, Sài Gòn - TP.HCM kia là mình sống ở thành phố “Thông ngàn”. Và thị dân luôn ngầm kiêu ngạo của thành phố lớn nhất nước kia cũng chưa bao giờ dám xem người Đà Lạt là người “tỉnh lẻ”, như người ở bao hàng tỉnh khác.

Người ta đang xây cất nhà, cây thông trước đường hốt nhiên chết đứng.

Và ngoài kia, vượt ra khỏi những phường khu chen nội đô quanh hồ Xuân Hương, về hướng Dinh I, dinh III, dinh II, Tùng Lâm, Nam Hồ, Đa Thiện, Đồi Dã Chiến... rừng vẫn đầy tràn và không thấy rừng ngo nào bị những hàng kẽm gai khoanh bao, rào lại. Đã gọi là rừng thì có bao giờ có khóa, có cổng, có rào.

Cửa ngõ vào thành phố với hai bên đèo Prenn và Mimosa ai qua lại như thấy vẫn có phần mình trong đó, thân thương, nơi những cánh rừng ngo, trước nhất cụ thể là về mặt tinh thần. Ai bảo cái trạng thái tinh thần ấy không là điều lớn lao, đối với một con người và thứ tình yêu sâu xa xứ sở.

Cây ngo tự nhiên trên phố xứ vẫn còn là phúc lợi của toàn dân. Ngo năm nao mới đó sống theo năm, theo mùa, theo thập kỷ, theo đời một loài cây.

Cây làm sao chạy được

Chẳng hiểu sao bỗng một ngày, loài ngo ở phố lạnh này, bị người ta gặp đâu chặt đấy, dĩ nhiên có kiểu “xin phép” nào đó, ở đâu đó. Khắp nơi thấy ngo “ra đi”. Dự án resort, khách sạn thì chặt hàng loạt để đủ không gian cho cả “rừng” biệt thự. Nhà lớn, bé xây trong các phường khu nội đô vướng ngo chỗ nào thì chỗ đó nó phải kết thúc đời ngo. Không chỉ chú tâm ngo ở những cánh rừng, chủ các xưởng cưa còn chăm đi ngắm nghía những cây ngo đơn chiếc đó đây ở nội đô.

Người Đà Lạt chẳng lạ khi căn biệt thự đang làm công sở nào đó, với những cây ngo lớn bên ngoài, bỗng một hôm có người của một xưởng cưa đến ngon ngọt đưa ra cái giấy soạn sẵn: “Đơn xin cho hạ cây thông”, với danh nghĩa giúp cho công sở kia, và lý do là để công trình khỏi gặp nguy hiểm khi cây gãy đổ.

Có cây ngo thoát, nhờ người đứng đầu công sở nọ không thấy sự tồn tại của cây ngo là “nguy hiểm”, nhưng phần nhiều đều khó thoát.

Ở khu rừng này, nhà cửa vừa xuất hiện, rừng thông dần héo chết ngay.

Trong khuôn viên nhà dân, ngo lại dễ “ra đi” hơn, bởi những cái đơn chưa từng thấy trong lịch sử đô thị của phố núi này. Hai bên các con đường, nhà cửa hôm nào người ta luôn thấy những bóng thông là nhờ tình yêu ngo còn lại từ thưở trước, thuở đất và người Đà Lạt còn trong sáng, thanh cao. Giờ ai lâu lâu ghé lên phố núi, nhìn lại chợt thấy nhạt nhòa, vắng dần dáng ngo trong những khuôn nhà.

Muốn ngo được cho phép chặt hạ, bây giờ người ta thường dùng thủ đoạn là đục ken vòng quanh phần thân dưới cho chảy hết nhựa, hay chặt đứt những rễ chính bên dưới, và gần đây là dùng khoan máy khoan thẳng vào thân ngo rồi đổ thuốc diệt cỏ liều mạnh vào. Ngo từ từ vàng vọt, héo lá, khô cành. “Chơi” thuốc cỏ để hạ sát ngo là hành vi thậm ác, mà trong lịch sử Đà Lạt thị dân xứ lạnh này chưa từng ghi nhận...

Tình yêu ngo bỗng nhạt từ lúc nào chẳng hay. Đạo đức với loài cây thân thương “ra đi” tự nhiên quá. Cũng bởi hành động tước hết đất đai, không gian sống của ngo, đào bới, trục xỉa núi đồi, gốc ngo chơi vơi với thân ngo, và nhất là dùng độc dược để cho ngo nhắm mắt từ từ ấy. Thời buổi “địa ốc” đúng là như giáo gươm!

Ngo nay sống theo phút, từng phút. Bậc đại trí nào đó của nước Việt khuyên “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, nay trật rồi đó nhé! Nó hồi hộp sống. Và dĩ nhiên, ai đó còn có yêu ngo thì cũng rơi vào trạng thái như ngo, về thời khắc nào sẽ “ra đi”. Áp lực “địa ốc” nóng từ tâm trí con người ra vườn tược, cánh rừng, cái cây, mặt đất.

Mà đâu mỗi tỉnh lỵ Đà Lạt, ở Lâm Đồng người ta đang triển khai đề án cho chặt trắng gần 750ha rừng ngo ở dưới các huyện Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm nữa kìa. Chợt nhớ, mười năm trước, người ta còn nhăm nhe đề án khủng hơn là chặt trắng đến 52.000ha rừng ngo trên một loạt địa bàn của tỉnh nhưng sau đó phải dừng lại vì những hoài nghi về tính “hiệu quả” và rủi ro ma mị của nó.

* * *

Người Đà Lạt khiêm nhường không cầu nhiều của cải cũng bị cuốn vào dòng thác thực dụng đang lai láng trên đất nước, thờ ơ dần với loài cây họ vốn nặng tình. Khổ cho ngo, là cây, làm sao nó có thể “chạy”. “Chạy” được, trong nội đô cây nào đang đứng đâu chắc nó chạy từ chỗ đó, còn ở rừng chúng sẽ rủ nhau lũ lượt thoát thân. Bởi động vật hay thực vật, cũng đều có lòng ham sống như nhau, và con người cần nương tựa vào chúng để sinh tồn, thương yêu, cũng như làm giàu có tâm hồn, ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/pho-nui-thuong-phan-thong-tan-20741.html