Phó Thủ tướng: Bảo đảm đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất, ứng phó hiệu quả với hạn mặn

Đây là hai yêu cầu được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao các báo cáo cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu về những nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với hạn hán, nhiễm mặn nhằm bảo đảm cho phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực ĐBSCL.

Theo Phó Thủ tướng, ĐBSCL là vùng đồng bằng trù phú, là vùng trọng điểm về lương thực, thực phẩm của cả nước, có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Trong khi đó, ĐBSCL hiện đang chịu tác động lớn của BĐKH, nước biển dâng, đồng thời với việc chịu ảnh hưởng của khai thác nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong.

Thực tế, tại ĐBSCL, xâm nhập mặn năm nay xảy ra sớm và nghiêm trọng hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay từ giữa tháng 12/2019 đã xuất hiện xâm nhập mặn cao đột biến ở nhiều cửa sông (ranh mặn 4 gam/lít ở sông Hàm Luông cao nhất đến 57 km, cao hơn năm cùng kỳ năm 2015 là 17 km).

Theo dự báo, xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay sẽ diễn ra sớm hơn, ở mức sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, trong một số thời điểm mặn trên các sông tương đương mùa khô năm 2015-2016.

Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 74/137 huyện, thị xã thuộc 10/13 tỉnh trong khu vực (trừ Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ). Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn.

Nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo dự báo, có khoảng 136.000 ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; 120.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là tại Bến Tre với khoảng 36.800 hộ, Long An 32.400 hộ và Sóc Trăng 24.400 hộ.

“Tình trạng hạn, mặn sẽ tác động rất lớn đến đời xuất, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trong vùng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ghi nhận và đánh giá cao Bộ NN&PTNT và chính quyền các cấp ở địa phương vùng ĐBSCL đã rất chủ động trong chỉ đạo, triển khai sớm, có hiệu quả một số giải pháp để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm cho sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020, góp phần ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo đó, đã điều chỉnh giảm diện tích lúa Đông Xuân còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm khoảng 50.000 ha; đẩy sớm khung thời vụ sản xuất ngay từ tháng 10/2019 nhằm tránh giai đoạn mặn căng thẳng nhất; hình thành các vùng chuyên canh thích ứng với tình trạng thiếu nước ngọt. Đồng thời, đã đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình để kịp đưa vào phục vụ trong mùa khô năm 2019-2020; chủ động trữ nước ngọt tại các hệ thống thủy lợi, kênh rạch,...; phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất các thiết bị tích trữ nước, lọc nước cho người dân.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ động điều chỉnh mùa vụ, tiết kiệm nước

Để ứng phó kịp thời, hiệu quả với hạn mặn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt, hiệu quả.

“Mục tiêu chung là phải bảo đảm cuộc sống, đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, bảo đảm đủ nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ mùa màng trước tác động của nhiễm mặn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL trước hết phải tập trung chăm lo, bảo đảm cho đời sống của người dân với phương châm là không được để người dân bị thiếu nước sinh hoạt và không để bùng phát dịch bệnh do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Yêu cầu các địa phương, từng ấp, xóm, xã, phường, huyện, thị, tỉnh, thành phố phải chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn (đặc biệt lưu ý nguồn nước cho các bệnh viện, trạm y tế, trường học,...); có các biện pháp tích trữ nước cho sinh hoạt; chủ động có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương để duy trì sản xuất, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất; tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị sang khu vực nông thôn lân cận. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động, như: Xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải tập trung cung cấp đủ nước cho phát triển sản xuất, dịch vụ (đặc biệt là sản xuất nông nghiệp).

Trước hết, yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với từng địa phương để tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giống phù hợp với tình hình sản xuất vụ Đông Xuân; gia cố đê bao, bờ bao, bảo vệ vùng cây ăn trái tập trung để ngăn ngừa xâm nhập mặn; tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, cống, hệ thống kênh mương; chủ động tích nước trong các hồ chứa, đầm, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch, đoạn sông/kênh cụt để sử dụng trong giai đoạn cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn.

Phó Thủ tướng tham quan máy lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt của một đơn vị trong nước liên doanh với nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các Bộ: Ngoại giao, NN&PTNT, TN&MT được yêu cầu phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về sử dụng nguồn nước nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; hợp tác nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ nguồn lực… Trong đó, đặc biệt là hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mekong để chia sẻ thông tin về vận hành xả nước các công trình thủy điện để tăng cường dòng chảy về ĐBSCL.

Bộ TN&MT tăng cường chất lượng công tác dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ NN&PTNT phân công lãnh đạo bộ, tăng cường phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, đồng thời kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, nhiễm mặn.

Ghi nhận nỗ lực của một số doanh nghiệp trong việc nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ người dân ứng phó với hạn mặn, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư vào vùng ĐBSCL, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, tham gia đầu tư các công trình, giải pháp ứng phó với hạn mặn.

Phó Thủ tướng tham quan sản phẩm ống chứa nước ngọt ngăn nước mặn xâm nhập - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, vận động, tuyên truyền cho người dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống hạn mặn.

Về lâu dài, đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chuyển đổi sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở tái cấu trúc, tập trung lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn, công trình, dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các công trình tích trữ nước ngọt, điều khối, điều tiết ngăn mặn, giữ nước ngọt trên cơ sở quy hoạch thủy lợi; các dự án cấp nước đô thị và nông thôn, đặc biệt là cho các vùng ven biển.

Về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo đề nghị của một số địa phương trong thời gian qua, Phó Thủ tướng yêu cầu, trước hết, các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách địa phương và tìm kiếm các nguồn xã hội hóa để triển khai khẩn cấp các nhiệm vụ cấp bách. Giao Bộ NN&PTNT tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/pho-thu-tuong-bao-dam-du-nuoc-cho-sinh-hoat-va-san-xuat-ung-pho-hieu-qua-voi-han-man/384144.vgp