Phó Thủ tướng: 'Chính phủ chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền'

Tại phiên thảo luận kinh tế- xã hội tại nghị trường Quốc hội chiều 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, 'để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ không bao giờ, chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền'.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

“Không có động thái nới lỏng kiểm soát lạm phát”

Đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2018, chúng ta vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm và tỷ giá diễn ra đồng thời.

Theo ĐB, đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.

“Với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát “khoảng 4%” thay cho “dưới 4%” trong năm 2019, thì tôi cũng không rõ, tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào? Nếu lạm phát là 4,1 - 4,2%, thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu là 4,3 - 4,4 - 4,5% thì có còn gọi là hoàn thành nhiệm vụ được không?”, ông Vũ Tiến Lộc băn khoăn.

Giải trình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát.

“Chính phủ phải đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công nên việc đặt ra kiểm soát lạm phát khoảng 4% là cần thiết”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô mà Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Theo ông Vương Đình Huệ, Chính phủ đặt nhiệm vụ bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lãi, dự trữ ngoại hối, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng theo tín hiệu thị trường…

“Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ không bao giờ, chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là phải tăng trưởng kinh tế nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước nhưng phải bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhất là trong 3 năm qua với chuyển biến tích cực, rõ rệt và quan trọng là đi đúng hướng.

“Nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiện hữu”

Phó Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng của kinh tế toàn diện ở 3 khu vực nông nghiệp- công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Đặc biêt, tăng trưởng của khu vực công nghiệp giảm dần phụ thuộc vào lĩnh vực khai khoáng, dựa nhiều vào vai trò động lực của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Du lịch- dịch vụ phát triển với nhiều ấn tượng về số lượng khách quốc tế.

Ngoài ra, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư xuất khẩu mà còn dựa vào thị trường trong nước với mức tăng 2 con số.

Lãnh đạo Chính phủ dẫn chứng, tăng trưởng của thị trường nội địa tương đương với mức tăng của xuất khẩu ở mức 11- 12%. Tăng năng suất lao động hiện nay đang ở mức cao nhất trong khu vực, trung bình 3 năm tăng 5,62%, vượt xa mức 4,35% của 5 năm trước và chỉ tiêu 5%.

Chỉ số ICOR đã tốt hơn, giảm từ mức 6,91 xuống 6,32 và sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, 3 năm vừa rồi có thứ hạng cao về xếp hạng môi trường cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, “chất lượng tăng trưởng nhanh nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, không cố gắng thì nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiện hữu”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.

Đó là, chất lượng thể chế, hạ tầng còn nhiều hạn chế. Chỉ số đổi mới khoa học công nghệ còn thấp, năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực còn thấp.

Chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp- dịch vụ còn chậm, không tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năng suất lao động tăng do vốn, đầu tư và một phần phụ thuộc đầu tư nước ngoài.

Để bảo đảm tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình quốc gia tăng năng suất lao động, tăng cường cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng cả thị trường quốc tế và trong nước…

Ông Vương Đình Huệ còn cho biết thêm, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo ổn định và phát triển thị trường tài chính. Vì vậy, quy mô thị trường chứng khoán hiện nay đã chiếm tới 80% GDP, vượt xa chỉ tiêu 70% GDP vào năm 2020; nợ xấu trong bảng cân đối khoảng 2% so với mức 2,56% vào đầu năm nay.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nợ của Chính phủ đã giảm xuống 40% và 60% còn lại là nợ của khối tư nhân. Chính phủ đã có phương án để kiểm soát tốt nợ nước ngoài của quốc gia trong thời gian tới.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/pho-thu-tuong-chinh-phu-chua-bao-gio-co-chu-truong-pha-gia-dong-tien_t114c67n140510